55 Năm sau Cách Mạng tháng Tám

Lời giới thiệu: Tuần trước đây, nhân kỷ niệm 55 năm Cách Mạng Tháng Tám, vào mùa thu 1945, báo Nhân Dân có đăng một bài của tướng Võ Nguyên Giáp ca tụng thành tích của chế độ Cộng Sản từ khi cướp được chính quyền đến nay. Lời ca tụng này không khác gì những điều đã được lãnh đạo Việt Nam nhắc tới nỗi nhàm tai nhân mỗi dịp tưởng niệm này khác. Nhưng đáng để ý hơn cả là việc tướng Giáp cho rằng Việt Nam lúc này vẫn còn là "một nước nghèo nàn và lạc hậu". Mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam về sự cách biệt giữa những lời ca tụng và đánh giá của ông Giáp...Lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám năm nay không được tổ chức rầm rộ như những lễ kỷ niệm khác, nhưng người ta cũng được thấy trên tờ Nhân Dân số ra ngày 20 tháng Tám bài nhận định của tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài viết, ông ca tụng thành tích của chế độ ông đã có công xây dựng từ lúc còn trẻ, cái chế độ đã loại ông ra ngoài vòng quyền lực từ quá lâu rồi. Ông thuộc lớp người lãnh đạo từ đầu nguồn Cách Mạng Mùa Thu, nhưng với thời gian 55 năm qua, cả một thế hệ mới đã tiếp nối lớp người cũ, và đa số người dân Việt Nam lúc này lại sinh sau năm 1975. Họ không biết hay chả cần biết cả cách mạng lẫn chiến tranh mà chỉ lo về hiện tại. Có lẽ vì vậy mà ông Giáp thấy cần phải nhắc lại những thành tích của chế độ như để gián tiếp nói về thành tích của chính ông, nay đã lạt phai trong trí nhớ vì quá xa xôi đối với người dân. Nhưng điều đáng để ý ở nơi ông là dù phô trương thành tích cũ, ông có nhìn thấy hiện trạng của ngày nay. Võ đại tướng viết: "Việt Nam là một nước đang phát triển, nghèo nàn, lạc hậu. Chúng ta phải có dũng khí nhìn vào sự thật". Ông cũng nhận ra là "trào lưu toàn cầu hóa đang lôi cuốn cả hành tinh như một cơn gió lốc. Cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển với một tốc độ siêu tốc, và chúng ta đang đứng trước những cơ hội đi đôi với những thử thách quyết liệt".Như vậy, tướng Giáp nói về những thành tích cũ mà đồng thời kêu gọi mọi người phải có dũng khí nhìn vào thực trạng của một nước nghèo nàn, lạc hậu. Thật là một sự trái ngược nổi bật khiến người dân chắc phải đặt câu hỏi. Rằng thành tích 55 năm, hơn một nửa thế kỷ, của chế độ siêu việt xã hội chủ nghĩa là cái gì mà lúc này đất nước vẫn lẹt đẹt là trong nghèo nàn lạc hậu, khi hầu hết các láng giềng đã tiến xa trên đường phát triển ?Về phương diện này, trường hợp của Việt Nam lại làm cho người ta liên tưởng tới những nhận định mới đây của giới lãnh đạo một nước láng giềng nhỏ bé trong vùng là Singapore. Tách khỏi Malaysia để trở thành một xứ độc lập mới được 35 năm, Singapore ngày nay nghiễm nhiên đã là một xứ phú cường, có nền kinh tế giầu mạnh và xã hội công bằng. Trong thời lập quốc, giới lãnh đạo xứ này đã có một lãnh tụ khôn ngoan là Lý Quang Diệu, và từ gần 10 năm trở lại đã có một người thừa kế cũng thận trọng không kém là Thủ tướng Ngô Tác Đống. Cả hai đã phải đối phó với những thách thức sinh tử trong thời gian cầm quyền, nhưng họ đã khéo tránh được sự quyến rũ của cách mạng không tưởng để xây dựng một xã hội tiến bộ thực sự và một hệ thống kinh tế tự do mà chẳng phải giết ai, đấu ai hết. So với Việt Nam thì sự sung túc của Singapore có thể hơn tới 20 lần vì lợi tức đồng niên tính theo tỷ giá mãi lực của một người dân Singapore lên tới hơn 26.000 đô la so với lợi tức tương đương của người dân Việt, tính một cách lạc quan nhất cũng chỉ có trên dưới một ngàn đồng. Sức sản xuất của hơn ba triệu dân Singapore coi như gấp 10 sức sản xuất của gần 80 triệu người Việt. So sánh tinh thần cần cù và tháo vát chẳng thua kém gì giữa hai dân tộc, giữa người Việt và người Singapore, ta phải tìm sự khác biệt ở khả năng của lãnh đạo.Giới lãnh đạo Hà Nội thường tự đề cao thành tích của mình, gần như mắc bệnh chủ quan tự mãn với quá khứ, trong khi đó, những người như ông Lý Quang Diệu và Ngô Tác Đống lại chỉ nói đến nhu cầu đổi mới tư duy để theo kịp đà tiến hóa của thế giới bên ngoài. Họ có tầm nhìn xa vì không bị gò bó trong khuôn khổ chật hẹp của ý thức hệ nên đã mở rộng cửa và đón nhận được những tri thức tiến bộ của thời đại tín học ngày nay.Hoàn cảnh lịch sử và địa dư ở mỗi nước một khác. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự chênh lệch về phát triển giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong những thập niên qua thì chẳng ai có thể phủ nhận được tình trạng nghèo nàn và lạc hậu của Việt Nam mà tướng Võ Nguyên Giáp đã đề cập tới trong bài báo trên tờ Nhân Dân. Ông đã bị gạt ra ngoài lề chính quyền từ gần 20 năm nay mà còn nói được "phải có dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật" thì đó cũng thêm một điểm son vào thành tích thời chiến của ông. Giới lãnh đạo hiện nay liệu có cùng một cái nhìn với ông về thực trạng đất nước không? Bằng vào những tin tức về lục đục trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam do giới ngoại giao và các cơ quan truyền thông quốc tế đề cập tới gần đây, cùng với sự lệ thuộc cố hữu và gần như cố định của họ vào ý thức hệ Mác Lê Nin đã lỗi thời, người ta có quyền nghi ngờ về khả năng nhìn xa của họ. Giới quan sát quốc tế trông chờ vào Đại Hội Chín của Đảng Cộng Sản Việt Nam vào năm tới để có được ý niệm rõ rệt hơn về tương lai Việt Nam, khi vẫn bị cầm cố bởi một hệ thống lãnh đạo quá hủ lậu và ngoan cố.