Trong tuần qua, một tin vui hiếm hoi đã được truyền đi từ Hà Nội. Đó là việc Việt Nam bắt đầu kế hoạch trồng trọt để sản xuất cà phê loại arabica tại các tỉnh Sơn La trên thượng du miền Bắc. Nhưng, cũng tuần qua, phúc trình của Ngân hàng Thế giới đã như nắng rát trên các đồn điền cà phê đó, khi nói tới xu hướng sụt giá thương phẩm toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế tuần này xin tìm hiểu về sự sụy sụp giá cả đó đối với cuộc sống của dân cư ở tỉnh Sơn La của nước ta qua nhận định của Nguyễn An Phú. Nhưng ai đôi chút để ý tới ly cà phê thì có thể biết tới hai giống chính, là robusta chủ yếu trồng tại Phi Châu và arabica chủ yếu trồng tại Nam Mỹ. Robusta là giống thông dụng vì được dùng cho việc chế biến loại cà phê tan liền, uống nhanh nuốt lẹ tại các nước kỹ nghệ tất bật làm ăn. Arabica mới là loại cao được khách sành điệu yêu thích hơn. Trên thế giới, Brazil và Colombia là hai nước sản xuất arabica nổi tiếng. Việt Nam ta đi trễ, nên mới vào thị trường cà phê từ dăm năm nay, với giống robusta trồng nhiều trên các tỉnh cao nguyên miền Nam.Dù mới xuất hiện, cà phê đã là nguồn lợi xuất cảng đáng kể vì đem lại tới 5% kim ngạch xuất cảng cho Việt Nam. Nhìn vào trường kỳ, Việt Nam bắt đầu tính đến việc khai thác thêm giống arabica. Từ 17.000 mẫu tây arabica hiện nay, Việt Nam dự tính sẽ mở mang thêm để có 100.000 mẫu, chủ yếu trên các tỉnh thượng du miền Bắc. Pháp đã viện trợ cho Việt Nam gần 40 triệu đô la cho chương trình khuếch trương này. Tuy nhiên, năm ngoái nạn hạn hán đã gây nhiều thiệt hại cho ngành cà phê và theo thống kê của quốc tế, sản lượng xuất cảng của Việt Nam đã sụt phần ba. Năm nay, giới chức trong nước đặt chỉ tiêu xuất cảng riêng loại robusta cũng tới 380.000 tấn, hơn 10.000 tấn so với năm ngoái. Nhưng, năm nay ta không bị hạn hán thì lại bị hiệu ứng Brazil. Họ xuất cảng mạnh từ năm ngoái để cố thu ngoại tệ bị hao hụt vì khủng hoảng tiền tệ của họ.Brazil tăng xuất cảng 50%, nước thứ hai về xuất cảng là Colombia cũng tăng 20%. Với xứ Colombia bị động đất trên vùng Armenia trồng cà phê của họ, số cung có thể giảm chút ít, nhưng tiền Brazil bị mất giá một nửa nên cà phê của họ trở thành rẻ hơn và đây là bất lợi lớn cho nông dân ta.Về lâu dài, tình hình chưa chắc đã sáng sủa hơn, nếu ta xét tới phúc trình mới công bố hôm thứ tư tuần trước của Ngân hàng Thế giới. Định chế này đã khảo sát về giá cả thương phẩm trên thế giới, và đưa ra dự đoán bi quan cho các nước xuất cảng từ nay tới thế kỷ sau. Thương phẩm là gọi chung các mặt hàng cồng kềnh bao gồm khoáng sản như than quặng, kim loại như đồng kẽm, nông phẩm như lúa mì, thịt ướp, và kim loại quý như vàng hay platin. Trong các loại thương phẩm, có cả dầu thô, gạo và cà phê, là mấy sản phẩm xuất cảng chính yếu của Việt Nam. Từ ba năm nay, giá thương phẩm thế giới đã sút giảm liên tục, riêng năm qua sụt mất 32%. Ngân hàng Thế giới dự đoán là tới năm 2010, giá thương phẩm còn thấp hơn giá của năm 1997 và có sản phẩm sẽ mất giá phân nửa. Lý do sụt giá trường kỳ là năng suất cải tiến nên sản lượng tăng cao và tiền chuyển vận rẻ hơn. Lý do sụt giá ngắn hạn là khủng hoảng Châu Á đã thu hẹp số cầu trên nhiều nhiều thị trường. Thực ra, giá thương phẩm tại Á Châu đã sụt trước khi khủng hoảng nổ ra và có thể còn là nguyên do khiến các doanh nghiệp Đông Á bị suy sụp. Cho nên, sau khi Châu Á phục hồi, giá thương phẩm chưa chắc đã tăng trở lại và người ta chỉ mong kinh tế Á Châu sớm hồi phục để giá cả khỏi sụt thêm.Nói chung, nạn sụt giá có lợi cho kẻ tiêu thụ thì lại làm giới sản xuất khốn khổ, như kỹ nghệ thép của Mỹ đang khủng hoảng vì cạnh tranh không nổi với thép sản xuất từ các xứ tân hưng. Cũng vậy, Việt Nam mất 600 triệu đô la vào năm ngoái vì giá dầu thô sút giảm, từ 22 đồng một thùng vào năm kia xuống tới hơn 10 đô la năm ngoái. Xét vào chi tiết từng nơi, nạn sụt giá thương phẩm tác động mỗi nơi mỗi khác tùy tỷ giá hối đoái từng nơi. Chẳng hạn như đô la tăng giá làm thương phẩm bị sụt nặng ở các xứ neo giá tiền của mình vào tiền Mỹ, và Việt Nam sẽ bị áp lực phá giá là vì vậy. Trở lại triển vọng cà phê Việt Nam, dân ta đã kém may mắn vì kinh tế mở ra quá trễ nên chẳng hưởng lợi gì ở chu kỳ phát triển từ 1975 đến 1995 như các xứ kia. Tới khi mở ra thì lại quá chậm và chưa tạo lực cạnh tranh với các nước kia thì lại bị khủng hoảng. Dù sao, việc đưa cà phê lên vùng cao miền Bắc cũng là đáng mừng vì sẽ kéo vùng đất nghèo khổ và lạc hậu này theo kịp trào lưu thế giới. Chỉ mong rằng với những kinh nghiệm mở rộng về sự chuyển động dài hạn của sản lượng và giá cả, người dân sẽ biết tính toán và thích ứng với mọi thăng trầm của thị trường. Muốn như vậy, Việt Nam sẽ phải chú trọng tới năng suất và nghệ thuật tiếp thị hơn là chỉ nghĩ tới sản lượng. Mà nói tới năng xuất và tiếp thị để cà phê Việt Nam thành quen thuộc và được ưa chuộng hơn, ta phải nghĩ tới giáo dục, thông tin, và, căn bản nhất, tự do di chuyển để học hỏi, tự do kinh doanh để ứng phó. Người dân Sơn La, hay mười mấy tỉnh sẽ trồng arabica ở Việt Nam có một cơ hội rất chậm và hẹp để theo kịp thế giới. Xin đừng khép cơ hội này lại vì sự tàn nhẫn của chính trị và sự tham ô của cường hào ác bá địa phương./.Nguyễn An Phú