Lời giới thiệu: Dư luận giới truyền thông quốc tế tuần qua đặc biệt chú ý đến Thế Vận Hội mùa Đông lần thứ 19, tổ chức tại thành phố Salt Lake thuộc bang Utah của Hoa Kỳ, với nhiều tranh cãi quanh việc chấm điểm và trao giải thưởng. Kế tiếp, giới truyền thông cũng xôn xao với các biến chuyển quanh vụ phiến quân Hồi giáo tại Pakistan đã bắt cóc và hạ sát ký giả Daniel Pearl của nhật báo tài chánh The Wall Street Journal...Từ tối Chúa Nhật, cờ Thế Vận được kéo xuống trao cho đại diện thành phố Turino của Italy và ngọn lửa thiêng lụi tàn, kết thúc cuộc đua tài thể thao mùa Đông kỳ thứ 19 đã chấm dứt, quan điểm giới truyền thông quốc tế không chấm dứt theo.Trước hết, nhật báo The Japan Times, tức Nhật Bản Thời báo, phê bình rằng nhiệm kỳ đầu tiên của chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế Jacques Rogge, đã mở màn với một cuộc tranh tài mang nhiều tai tiếng, dù rằng ông đã đích thân cùng ăn, cùng ngủ với vận động viên các nước trong cư xá lực sĩ để thông hiểu tâm tư các người tham dự. Dù nhiều thiện chí, nhưng cuộc tranh tài thể thao quốc tế kỳ này đã có một số hiện tượng bị cho là có nhiều nghi vấn mà tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đã nhận định, nhằm rút tỉa kinh nghiệm.Trước hết, tờ báo này đề nghị cần chấm dứt ngay quan niệm thương mại hóa các cuộc tranh tài thể thao do cựu chủ tịch Ủy ban Thế Vận Thế giới Juan Antonio Samaranch chủ trương. Kế tiếp là cần thiết lập các tiêu chuẩn chấm điểm minh bạch và rõ ràng cho các bộ môn mới, và sau cùng là cần quan tâm hơn đến những vụ sử dụng thuốc kích thích để đoạt kỷ lục thể thao, điển hình là vụ hai vận động viên đoạt huy chương vàng bộ môn trượt tuyết băng đồng nam và nữ, bị tước huy chương vì kết quả thử nghiệm máu nghi ngờ có chất kích thích.Nhật báo Yomiuri Shimbun không quên nhấn mạnh sự yếu kém của đội tuyển Olympic Nhật Bản kỳ này. Với vỏn vẹn một huy chương bạc và một huy chương đồng, đây là kết quả tệ hại nhất cho đội tuyển Nhật, kể từ sau Thế Vận Hội mùa Đông năm 1988 tại Calgary ở Canada. Tờ báo đặt trọng trách vào bộ Giáo dục, Khoa học và Kỹ thuật, phải cải tổ chính sách và khuyến khích tình thần tranh đua thể vận trong nước.Một tờ báo khác của Nhật là Asahi Shimbun hôm thứ Ba cũng đang bài quan điểm với nhan đề "Thành phố Salt Lake rất thích thú, nhưng Thế Vận Hội thì mang dư vị chua cay". Bài báo viết rằng trong những ngày gần bế mạc, không khí các cuộc tranh tài thể thao mùa Đông ở thành phố Salt Lake phần nào bao trùm vẻ căng thẳng khi Liên bang Nga và Nam Hàn phản đối các quyết định của Ủy ban Trọng Tài, đe dọa sẽ tẩy chay các cuộc tranh tài còn lại và lễ bế mạc đại hội.Vụ đầu xảy ra giữa đội trượt băng nghệ thuật của Nga và Canada, liên quan đến một nữ giám khảo người Pháp, có lúc thú nhận rằng bà bị áp lực của cấp trên. Sau đó, do sức ép của giới truyền thông Bắc Mỹ, Ủy ban Thế Vận Quốc tế đã trao thêm một huy chương vàng đồng hạng cho đội Canada. Tờ Asahi Shimbun cho rằng sự thật cần được phơi bày, nếu hành vi sai trái nào bị phát hiện thì cần trừng phạt nghiêm khắc để bảo tồn giá trị của các bộ môn thể thao thế giới. Thêm vào đó, tờ báo này còn cho rằng Hoa Kỳ đã lợi dụng cuộc tranh tài quốc tế này để quảng bá cho uy thế của mình, vì vậy Thế Vận Hội mùa Đông 2002 đã làm giảm sút tình hữu nghị và tình đồng đội của thể thao. Và đó là điều cần rút kinh nghiệm để không còn tái diễn nữa.Vụ thứ nhì liên quan đến cuộc thi trượt băng tốc độ 1,500 mét. Ban giám khảo quyết định cho vận động viên Anton Ohno của Hoa Kỳ tuy về nhì nhưng được hưởng huy chương vàng, vì vận động viên Nam Hàn Kim Dong Seung về nhất đã có lúc ngăn cản anh kia.Khỏi phải nói thêm là công luận Nam Hàn rất phẫn nộ. Trang Internet của Ủy ban Thế Vận Quốc tế tràn ngập những thư điện tử e-mail gởi đến phản đối đến nỗi bị ách tắc. Tuy nhiên, nhật báo Chosun Ilbo tỏ ra tỉnh táo hơn. Hôm thứ Ba đã đăng bài quan điểm đề nghị giới truyền thông Hàn Quốc thay vì phản đối ầm ĩ dễ bị ngộ nhận, nên đưa các băng viđêo lên hệ thống tin học toàn cầu Internet để toàn thế giới thấy đâu là sự thật.Phía Liên bang Nga dĩ nhiên cũng chẳng thể im lặng. Nhật báo Pravda , tức Sự Thật, đăng nhiều bài quan điểm, nhận định và phân tích về vấn đề quốc thể mà họ cho là bị vi phạm nghiêm trọng qua các thành tích thể thao yếu kém ở Salt Lake City.Nhà bình luận Sergey Stefanov hầu như áp dụng câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", quy trách nhiệm vụ thất bại lần nay cho các quan chức Ủy ban Thế Vận Nga, đại diện Nga tại Ủy ban Thế Vận Quốc tế và Hội đồng Quốc gia Văn hóa và Thể thao đã không có thái độ kiên quyết và phản ứng kịp thời như giới chức các nước khác. Thứ nhì, ông viện dẫn bài nhận định của nhà quan sát Denis Tukmakov đăng trên nguyệt san Zavtra số 8, rằng từ khi Liên Xô sụp đổ thì Liên bang Nga không còn giữ được nhiệt tình và nỗ lực vượt bậc cho các bộ môn thể thao nữa. Từ đào luyện cho đến thi đấu và thái độ của các giới chức hữu quan đều sa sút nặng nề.Nói như nhà bình luận Sergey Stefanov thì cũng khá oan cho các quan chức thế vận Nga. Họ cũng mạnh mẽ phản đối những quyết định thiếu minh bạch của ban giám khảo, đến nỗi dọa tẩy chay đại hội để trở về nước.Tình trạng căng thẳng đến nỗi nghe nói Tổng thống Vladimir Putin phải đích thân can thiệp, yêu cầu đội tuyển Nga lưu lại và tham dự lễ bế mạc để giữ hòa khí với quốc tế mà Mtaxcơva đang cần lúc này.Thế nhưng công luận Nga vẫn sôi sục. Ký giả Vladislav Krayev của hãng thông tấn Rosbalt ở thành phố Saint Petersburg viết rằng từ nhiều thập niên trước, các Thế Vận Hội cho thấy là không thể tách rời với chính trị, tiêu biểu là kỳ ở Berlin năm 1936. Điểm khác biệt là giờ đây chính trị không còn bao quanh Thế Vận Hội một cách ầm ĩ nữa, mà nó đã chui hẳn vào các quyết định và sinh hoạt thể thao. Ông cay đắng nhận xét rằng có phải vì Liên Xô sụp đổ mà thế giới xem các vận động viên Nga là thấp kém chăng ?Diễn biến khác được dư luận giới truyền thông quốc tế quan tâm nhiều, có lẽ vì liên hệ đến một đồng nghiệp của họ.Ký giả Daniel Pearl của nhật báo tài chánh danh tiếng The Wall Street Journal đã bị một nhóm phiến quân Hồi giáo cuồng tín bắt cóc tại thành phố Karachi khi ông đang thực hiện một phóng sự điều tra về mối luên hệ giữa một vài nhóm Hồi giáo Pakistan với tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Osama bin Laden.Sau nhiều cuộc tìm kiếm căn cứ trên những thông tin lắm khi mâu thuẫn, hôm thứ Sáu vừa qua, nhóm phiến quân bí mật đã công bố cuốn phim viđêo cho thấy ký giả Daniel Pearl đã bị giết một cách man rợ. Dư luận thế giới sững sờ trước diễn tiến quái ác này. Tổng thống Bush bày tỏ rằng những tội ác đó không thể nào biện minh cho lý tưởng mà các nhóm phiến quân Hồi giáo theo đuổi.Nhật báo The Los Angeles Times của Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã nhận định rằng vụ giết hại ký giả Pearl cho thấy mạng lưới khủng bố không có biên giới, và sự khó khăn tách rời Pakistan ra khỏi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã có lý khi nói mục tiêu của vụ bắt cóc chính là chế độ của ông, và cá nhân ký giả Pearl. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã là một vấn nạn cho Pakistan từ hơn phần tư thế kỷ nay. Các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa này không đạt được thắng lợi ở các kỳ tuyển cử, nhưng nhà lãnh đạo quân nhân tiền nhiệm của Tổng thống Musharraf là tướng Zia ul-Haq đã chiêu mộ các nhóm Hồi giáo cực đoan làm hậu thuẫn chính trị cho ông. Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA và cơ quan tình báo Pakistan lại hậu thuẫn và trợ giúp các nhóm này khi Washington muốn đẩy lui Mátxcơva đang xâm chiến lân quốc Afghanistan của Pakistan.Tờ The Los Angeles Times cho rằng việc tiêu diệt các tổ chức khủng bố ở Pakistan khó có thể hoàn tất, nếu xét về vị thế chính trị, xã hội và tôn giáo đặc thù của nước này.Thế nhưng nhật báo The South China Morning Post ở Hồng Kông cho rằng Tổng thống Musharrraf cần thực hiện lời cam kết của ông là tận diệt nạn khủng bố trong nước, bất chấp phản ứng của thế giới Hồi giáo. Nếu không, ông sẽ đánh mất luôn sự ủng hộ của đại đa số người Pakistan cấp tiến, và đó sẽ là đòn chí tử chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông.Đáng quan tâm nhất có lẽ là quan điểm của tờ The Washington Post hôm thứ Ba. Nhà bình luận Richard Cohen cho biết ngay sau vụ khủng bố tấn công hôm 11 tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Bush đã đến thăm Trung tâm Hồi giáo ở Washington mang theo thông điệp "Hồi giáo là Hòa Bình", trong khi đó, không một nhà nguyên thủ Árập hay Hồi giáo nào có hành động tương tự. Họ không hề giới hạn hoạt động của các nhóm quá khích, chống Do Thái, chống Hoa Kỳ và chống Phương Tây.Bài quan điểm kết luận rằng ký giả Daniel Pearl sẽ bị giết vì bất cứ lý do gì. Vì gốc Do Thái, hay vì quốc tịch Mỹ, hoặc vì nghề ký giả cần tìm hiểu, các kẻ sát nhân chủ trương bài Do Thái vẫn ra tay man rợ, và các nhà cầm quyền đốn mạt đã góp phần cho vụ thảm sát xảy ra.