Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Báo chí, truyền thông nhà nước, trong cách nhìn của nhiều nhà báo Việt Nam, kể cả những nhà báo tự do không thuộc nhà nước, có mức độ tự do rất thấp. Lý do là vì cả hệ thống truyền thông nhà nước được xây dựng để đảm nhận vai trò công cụ của chính quyền. Trên thực tế, hệ thống nhân sự và điều hành cao cấp nhất của truyền thông Việt Nam đều phải được xét duyệt qua nhiều tầng nấc trong quá trình bổ nhiệm.

Trong hoàn cảnh ấy, sự ra đời của các blog có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông tin. Các nhà báo trong nước nghĩ gì truyền thông nhà nước và sự ra đời của Nhật Ký Cá Nhân trên Internet? Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.
“Nhà nước ra nhiều luật liên quan đến báo chí, và gần đây nhất là chỉ thị 37 của thủ tướng cấm tư hoá báo chí. Tôi cho rằng với hoàn cảnh như vậy, báo chí phát triển rất khó khăn.”
“Tôi thấy 600 tờ báo thì cũng là một tiếng nói thôi.”
“Theo luật báo chí Việt Nam, chỉ có cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội thuộc nhà nước mới có quyền ra báo.”
Vừa rồi là phát biểu của các nhà báo Việt Nam, trong đó có cả những người tự gọi là “nhà báo tự do,” tức là những người không tham gia trong hệ thống báo chí chính thống của nhà nước, mà là những blogger hay là những người viết báo gởi ra đăng ở các tờ báo nước ngoài.
Do nhà nước bổ nhiệm
Theo luật báo chí Việt Nam, chỉ có cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội của nhà nước mới có quyền ra báo. Và quyền ra báo phải được thừa nhận bởi một giấy phép do Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp.
Dư luận hiển nhiên của những người làm báo trong nước, là báo chí chỉ đơn thuần đóng vai trò công cụ của nhà nước, được tạo dựng từ nhà nước, bị kiểm soát bởi nhà nước, và bị chi phối thông qua sự bổ nhiệm nhân sự cũng của nhà nước.
Một nhà báo Việt Nam mô tả luật báo chí Việt Nam và tiến trình bổ nhiệm một Tổng Biên Tập, nhân vật cao cấp nhất của một tờ báo, như sau.
“Theo luật báo chí Việt Nam, chỉ có cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội của nhà nước mới có quyền ra báo. Và quyền ra báo phải được thừa nhận bởi một giấy phép do Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp.
Theo luật, khi tờ báo là cơ quan ngôn luận của các tổ chức ấy, thì tờ báo ấy là cơ quan trực thuộc tổ chức đó. Cơ quan đó sẽ đề nghị một tổng biên tập. Đề nghị này sẽ được xem xét theo rất nhiều tầng nấc. Bắt đâù bằng Ban Văn Hoá Tư Tưởng Thành Phố trực thuộc trung ương.
Rồi đến Ban Văn Hoá Tư Tưởng Thành Uỷ, rồi sau đó gởi lên cho ban Văn Hoá Tư Tưởng Trung Ương mà ngày nay người ta gọi là Ban Tuyên Giáo. Sau khi cơ quan Đảng có ý kiến về đề nghị đó [bổ nhiệm Tổng Biên Tập], họ chuyển cho chính quyền phê duyệt. Trên nguyên tắc, sự bổ nhiệm tổng biên tập phải có sự đồng ý của ban Văn Hoá Tư Tưởng Trung Ương và Bộ Văn Hoá Thông Tin.”
Tiến trình đề cử và bổ nhiệm như vừa được mô tả, mang đầy màu sắc chính trị, vì phải được sự phê duyệt của các cơ quan chịu trách nhiệm về tư tưởng của Đảng và chính quyền. Chính cơ chế này tạo ra một nền báo chí không có tự do. Nhà báo tự do Văn Lang nhận định.
“Báo chí tự do thì phải ở thể chế tự do. Do đó ở Việt Nam, báo chí nằm trong một cái khung không thể đi ra được. Về mặt cơ chế, ở nước ngoài, các vị trí trong ban biên tập, như chủ nhiệm, chủ bút đều thuộc tư nhân, họ làm đúng theo luật, và không ai xen vào được.
Tại Việt Nam thì tất cả đều do nhà nước quản lý, Tổng Biên Tập do nhà nước chỉ định, nên nếu anh làm trái ý “ông chủ” thì “ông chủ” có quyền cắt, chuyển anh qua công tác khác. Do đó các tổng biên tập làm việc như có lưỡi dao trên bên trên, họ phải làm có mức độ, nếu ai qua khỏi mức độ thì mất việc. Tại Việt Nam, các tổng biên tập mất chức liên tục.”
Sự khống chế về nhân sự báo chí, và qua đó là đường lối báo chí, tại Việt Nam được qui định bởi luật pháp Việt Nam. Gần đây nhất, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ban hành chỉ thị số 37, cấm tư nhân hoá báo chí.
Nhà báo tự do Hoàng Hải, mà nhiều người trong giới blog biết đến với tên gọi “Điếu Cày,” nhận định về sự bưng bít thông tin.

“Nhà nước cấm đăng thì toàn bộ các báo không đăng. Khi các báo không đăng, dân không biết tin tức.”
Và, như sự thừa nhận của blogger này, trong cái khó sẽ ló cái khôn. Blog, viết tắt từ hai chữ “Web Log,” một loại nhật ký cá nhân trên mạng Internet, sẽ ra đời, phục vụ trong vai trò truyền đạt và phá vỡ bức tường bưng bít thông tin trong truyền thông nhà nước.
“Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biêủ ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”
Cho báo chí Việt Nam 2 điểm tự do là nhờ những bài dịch từ báo nước ngoài. Không phải Việt Nam không biết những điều này, nhưng nếu dịch từ báo Pháp, Trung Quốc… thì được, mà tự nói thì không được. Đây là nghịch lý phản ánh đúng cơ chế hiện giờ. họ không muốn Việt Nam có uy tín với độc giả, mà phải là một ông bên Tây bên Tàu.
Mức độ tự do
Trở lại chuyện báo chí truyền thống. Các nhà báo, khi được hỏi có thể cho điểm mức độ tư do báo chí tại Việt Nam bao nhiêu, đã đánh giá rất thấp với số điểm 2 hoặc 3 trên thang điểm 10.
Nhà báo Hoàng Hải, tức blogger Điều Cày, đưa ra con số 3 điểm.
“Ba điểm, vì một số nhà báo, bằng cách này hay cách khác, vẫn nói được một số điều không được nói.”
Trong khi ấy, nhà báo Văn Lang cho 2 điểm, là một con số mà anh nói là có thể coi như zero.
“Cho báo chí Việt Nam 2 điểm tự do là nhờ những bài dịch từ báo nước ngoài. Không phải Việt Nam không biết những điều này, nhưng nếu dịch từ báo Pháp, Trung Quốc… thì được, mà tự nói thì không được. Đây là nghịch lý phản ánh đúng cơ chế hiện giờ. họ không muốn Việt Nam có uy tín với độc giả, mà phải là một ông bên Tây bên Tàu.”
Nhà báo Việt Nam, yêu cầu không nêu tên, có cái nhìn thận trọng. Anh từ chối cho điểm, và đưa ra những giải thích như sau.
“Quản lý báo chí cũng giống như người ta vẽ một vòng tròn bằng phấn rồi bỏ báo chí vào bên trong. Một số nhà báo nhìn trước ngó sau, thấy cơ quan quản lý lơ là thì chạy ra khỏi vòng tròn. Đến khi bị gọi thì lại chạy vào, đợi sự lơ là tiếp theo. Mặc dầu vậy, tôi xin khẳng định là tại Việt Nam chưa có tự do báo chí đúng nghĩa.”
Chức năng báo chí là truyền đạt thông tin; còn xã hội, tức những người thụ hưởng thông tin, thì có toàn quyền, và các quyền này bình đẳng, trong việc tiếp nhận thông tin.
Tại các quốc gia phát triển, báo chí nói riêng và truyền thông nói chung, có ảnh hưởng xã hội rất lớn, và trở thành một quyền lực được xếp chung vào các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Những trình bày của các nhà báo, trong đó có cả nhà báo tự do không thuộc nhà nước, cho thấy nền báo chí Việt Nam có một chỉ số tự do rất thấp. Có thể người ta tự hỏi “tại sao?” Câu trả lời, đơn giản là, cho đến khi nào mà truyền thông vẫn còn là một công cụ của chính quyền, truyền thông ấy sẽ vẫn tiếp tục không có tự do, và vì vậy, không thể đóng vai trò truyền đạt thông tin đến mọi thành phần trong xã hội.