Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này
Gia MinhThưa quý thính giả, không ai có thể phủ nhận Internet là phương tiện thông tin liện lạc của thời đại hiện nay. Tuy nhiên mức độ quan trọng của phương tiện này trong đời sống ra sao? Mời quí vị theo dõi phần trình bày về vấn đề này do Gia Minh thực hiện sau đây...
Thống kê cho thấy vào năm 1995 có khoảng 16 triệu người trên thế giới sử dụng Internet mỗi ngày; và con số này vào năm qua, tăng khoảng 31 lần đến chừng nửa tỉ người. Điều đó chứng minh rằng Internet đã tăng trưởng nhanh chóng cùng với đà tiến của xã hội. Phát biểu về phương tiện thông tin liên lạc của thế kỷ mới, người thành lập Sáng Hội Electronic Frontier Foundation, John Perry Barlow, cho đó là ‘ biến đổi lớn lao nhất kể từ khi con người tìm ra lửa’.
Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Hiện nay tại xứ này có đến 62% người dân sử dụng Internet vào các công việc hằng ngày ở công sở, trong doanh nghiệp, ở nhà riêng, thư viện hay ở các quán cà phê Internet. Từ thực tế đó người ta đi đến kết luận là việc sử dụng Internet ở nước Mỹ đã trở thành một hoạt động chung chứ không mang tính cá biệt cho một giới nào. Việc truy cập Internet tại đây được xem bình thường như chuyện đánh răng, rửa mặt mỗi buổi sáng hay lái xe đi làm hoặc xem truyền hình. Ngoài ra số liệu còn cho thấy một người Mỹ bình thường trung bình mỗi tuần truy cập Internet 11 giờ, còn một chuyên viên thì trung bình là 16 tiếng. Tính ra thì họ bỏ ra ít nhất hai ngày làm việc cho Internet.
Tổ chức có tên Pew Internet and American Life Project tiến hành khảo sát về việc sử dụng Internet của người dân Hoa Kỳ và đưa ra đánh giá là hầu như dân chúng xứ này không còn bận tâm nhiều đến việc điền đơn thư, gọi điện thoại hay hay đích thân đi đến những cơ quan chức năng để liên hệ công việc. Mỗi khi cần, họ chỉ việc mở máy điện toán và truy cập vào những trang chủ mà họ cần, và tất cả những thông tin liên quan đều có sẵn. Còn đối với những tin tức về các vấn đề ít quan trọng hơn như vui chơi, giải trí thì luôn có sẵn trên mạng cho mọi người truy cập. Biết bao hoạt động thông thường đã được Internet hoá: tìm bạn bốn phương, mua vé máy bay hay đăng ký phòng khách sạn, mua sắm, đọc tin tức, nghe đài...Tổ chức này còn đưa ra nhận định là nếu như ngưng Internet, thì ngay lập tức sẽ xảy ra một làn sóng phản đối dữ dội.
Ông Tom Stooner, chuyên viên nghiên cứu của ew Internet and American Life Project cho biết trong vòng 3 năm tới mức sử dụng Internet tại Hoa Kỳ sẽ tăng đến khoảng 70%. Internet vừa là phương tiện thông tin liên lạc đại chúng, ví dụ như một người có thể gửi thư điện tử e-mail một lúc đến cho nhiều người khác; Internet còn là công cụ cung cấp thông tin. Trong nhiều trường hợp Internet có thể thay thế điện thoại. Đơn cữ như công cụ tìm kiếm mang tên ‘Google’ có thể giúp người ta tìm ra những thông tin mà không cần sử dụng đến Trang Vàng Điện Thoại. Từ ‘google’ nay trở thành một động từ trong tiếng Anh có nghiã tìm kiếm thông tin trên mạng.
Tuy nhiên trước phát triển nhanh chóng của Internet, các nhà xã hội đưa ra một số quan ngại về một số ảnh hưởng tiêu cực nảy sinh từ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc này. Đó là sự phân hoá giữa hai lớp người: một lớp quá thành thạo Internet và những người không hề biết truy cập là gì. Thứ đến là những người giỏi Anh ngữ, ngôn ngữ chính của Internet, và những người kém hay không biết tiếng Anh.
Bên cạnh đó, người ta cũng quan ngại về lượng thông tin quá tải trên mạng làm người sử dụng trở nên lạc lối. Một quan ngại mà các nhà xã hội học đưa ra là việc sử dụng Internet làm làm mất dần đi mối quan hệ xã hội giữa người và người. Hãy thử tưởng tưởng một xã hội mà mọi hoạt động chỉ diễn ra bằng những cái bấm chuột!
Đối với nước ta, Việt Nam đi sau nhiều nước trong lĩnh vực mở cửa Internet. Tuy nhiên hiện nay số thuê bao Internet cũng đạt khoảng 250000. Và theo đánh giá của các chuyên gia thì khoảng 1 triệu người Việt biết sử dụng Internet.
Hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt... số cà phê Internet được mở ra khá nhiều. Có những điểm mở cửa suốt 24 trên 24 tiếng.
Phương tiện Internet đã được một số người sử dụng để truyền bá những thông tin bị chính quyền cho là cấm kỵ , như trường hợp Cử nhân luật Lê Chí Quang phổ biến bài viết về Hiệp định biên giới Việt- Trung, bác sĩ Phạm Hồng Sơn phổ biến tài liệu dịch từ trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề dân chủ, Mạng Trí Tuệ Việt Nam với những thông tin về tình hình đấu tranh cho dân chủ trong nước.....
Những báo điện tử trong nước cũng giúp đưa thông tin đến cho nhiều người Việt sống khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc sử dụng Internet tại Việt Nam vẫn còn hạn chế như phát biểu của một thanh niên tại Đồng Nai sau đây...
Chính quyền Hà Nội một mặt đề ra chiến lược và chính sách phát triển Internet, một mặt muốn kiểm soát phương tiện này. Trong thực tế, những biện pháp lâu nay trong lĩnh vực Internet của Hà Nội vẫn chưa mấy hữu hiệu.