Quốc vương Sihanouk tuyên bố sẽ giữ yên lặng về việc thoái vị

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio

Đỗ HiếuSau khi Thủ tướng Hun Sen cảnh báo rằng, Xứ Chùa Tháp sẽ lâm vào một tình trạng hết sức khó khăn, nếu nhà vua không còn tiếp tục trị vì đất nước này, Quốc vương Sihanouk hôm qua có lời tuyên bố với dân chúng Kampuchai về điều đó.

Trong thông báo do hoàng gia Kampuchia phổ biến đến thần dân hôm thứ năm vừa qua, Quốc vương Sihanouk tuyên bố, ngài sẽ giữ yên lặng, và không dọa sẽ thoái vị nữa.

Đây không phải lần đầu tiên Quốc vương Sihanouk loan báo với thần dân của Ngài là Ngài muốn thoái vị. Hầu như năm nào Ngài cũng lên tiếng về chuyện này, khiến có người bàn tán rằng tình hình chính trị của Quốc Gia càng bất ổn bao nhiêu thì lời đe dọa sẽ từ bỏ ngai vàng của Ngài sẽ càng tăng bấy nhiêu. Thủ Tướng Hun Sen, người cầm đầu Chính Phủ Liên Hiệp Kampuchia thì cho rằng, nếu chuyện nhà vua thoái vị thật sự xảy ra, dân chúng sẽ bất mãn và bất ổn chính trị có thể kéo dài:"Nếu để cho nhà vua thoái vị thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ðó sẽ là một biến cố kinh hoàng cho người dân. Ðây không phải chuyện chỉ liên quan đến nhà vua, mà sẽ có hàng triệu người dân bị ảnh hưởng về tâm lý và chính trị, và thậm chí, bất ổn nội bộ có thể sẽ xảy ra."

Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh là ông quá đa đoan với công việc hàng ngày, nên ông không còn thời giờ đâu mà để tâm tới chuyện Quốc vương Sihanouk ngồi lại ngôi báu hay muốn thoái vị. Theo ông Hun Sen thì việc nhà vua thoái vị là bất hợp hiến và càng gây nhiều khó khăn, phức tạp hơn cho Kampuchia.

Năm nay Quốc vương Sihanouk 81 tuổi, sức khỏe của ngài yếu kém mang nhiều chứng bệnh nan y, nên thường cùng với hoàng hậu sang Bắc Kinh hay Bắc Hàn trị bệnh và tịnh dưỡng, mà không mấy quan tâm đến nội trị của Xứ Chùa Tháp. Dân chúng trong nước ngày càng phê bình thái độ thụ động của nhà vua, mặc dù họ vẫn gắn bó với hoàng gia và tôn sùng cá nhân ngài.

Mới đây, trong một văn thư gởi quốc hội Kampuchia, Quốc vương Sihanouk yêu cầu cơ quan lập pháp không quy trách nhiệm cho ngài gây nên xáo trộn và bất ổn chính trị một khi ngài từ bỏ ngôi báu.

Nhà vua cũng yêu cầu thần dân đồng ý cho ngài ra hải ngoại sinh sống và nhắn nhủ họ là đất nước còn lắm chuyện phải lo toan chứ không nên quá quan tâm đến chuyện ngài có ngồi lại ngôi báu hay không. Quốc vương Sihanouk cũng tâm tình là ngài không bao giờ làm ngơ trước mọi thỉnh nguyện của dân chúng.

Cũng có dư luận cho rằng Quốc vương Sihanouk dọa thoái vị chỉ để cho mọi người biết là Ngài muốn có tiếng nói trong việc chọn người kế vị. Ngay chính trong lá thư gửi cho ông Sam Rainsy, Ngài cũng viết rằng Ngài hy vọng Hội Ðồng sẽ chọn một hoàng tử thay Ngài để phục vụ đất nước.

Hiến pháp của Kampuchea không quy định việc cha truyền con nối để lên ngôi báu, mà dành quyền này cho một Hội Ðồng với 9 thành viên, gồm có 2 vị sư đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo, ông Chủ Tịch và 2 vị Phó Chủ Tịch Thượng Viện, Chủ Tịch và 2 vị Phó Chủ Tịch Hạ Viện cùng với Thủ Tướng. Ở chính trường, ông Hun Sen là người điều khiển hầu như tất cả mọi chuyện nhưng nếu nói người được dân chúng mến trọng nhất thì người đó phải là Quốc vương Sihanouk. Tuy nhiên, nếu nhà vua thoái vị thì dư luận cho rằng thủ tướng Hun Sen sẽ nắm phần định đoạt ai sẽ là người kế vị.

Khi phát biểu cảm tưởng của mình khi hay tin Quốc vương Sihanouk muốn thoái vị, chính trị gia đối lập Som Rainsy nói rằng: "Kamphuchia có tiếng là thường xuyên xảy ra bất ổn chính trị và xáo trộn xã hội, vì vậy một khi Quốc vương Sihanouk vắng bóng thì tình trạng rối ren đó lại càng thêm trầm trọng hơn trước."