Sự nghiệp chính trị của tướng Wiranto đang lâm nguy

Lời giới thiệu: Tướng Wiranto, người từng có thời là một trong những nhân vật uy quyền nhất nước Indonesia, và từng được coi như một ứng cử viên sáng giá vào chức vụ tổng thống xứ này, hiện đang đứng bên bờ vực thẳm. Ông đi lên thật nhanh, nhưng cũng xuống thật lẹ trên nấc thang danh vọng và quyền hành. Dựa trên các bản tin liên hệ của các hãng thông tấn Reuters và AP gửi đi từ Jakarta, Nguyễn An viết một số chi tiết trong bài sau đây...Năm nay 52 tuổi, sinh trưởng tại Yogyakarta thuộc trung bộ đảo Java, có vợ và ba con, tướng Wiranto trước hết là một con người tài hoa. Ông là chủ tịch hội chơi bài Bridges, không phải vì có máu mê cờ bạc, mà vì thích lối đánh theo kiểu bài binh bố trận của loại bài này. Ông cũng là người ưa thích hát karaoke và được ca ngợi là một người có giọng ca vàng với bài hát tình cảm thời thượng nhan đề "Feelings."Cuộc đời binh nghiệp của ông lên đến đỉnh cao khi cựu Tổng thống Suharto phong cho ông chức Tổng tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng quốc phòng, rồi phụ tá tổng thống. Đó là lúc ông Suharto còn ôm mộng làm Tổng thống trọn đời của Indonesia, sau 30 năm trị vì và củng cố quyền lực. Vào tháng 5 năm 1998, khi Tổng thống Suharto buộc phải từ chức vì sự nổi dậy gần như của toàn dân mà tiên phong là sinh viên, tướng Wiranto vẫn tiếp tục duy trì được quyền lực và hình ảnh cuả mình, nhất là khi ông giữ được tình hình yên ổn, không xẩy ra một cuộc đảo chính bởi những phần tử bất mãn trong quân đội. Kết quả, là ông vẫn đứng đầu quân đội Indonesia trong suốt 16 tháng Phó tổng thống B.J. Habibie đảm nhiệm vai trò Tổng thống thay thế cho ông Suharto. Trong thời gian này, chỉ có một lần uy tín của tướng Wiranto bị sút mẻ, là khi lực lượng an ninh trực xạ vào các sinh viên biểu tình, khiến ít nhất 14 người chết. Lúc ấy, dư luận đã đòi ông phải từ chức. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, khi người ta giải thích vụ đàn áp là do những phần tử bất mãn với chế độ mới, muốn làm hại uy tín của tướng Wiranto gây nên.Khi ông Wahid lập liên danh ứng cử tổng thống, có tin đồn là ông sẽ mời tướng Wiranto đứng phó để lấy phiếu của quân đội. Tuy nhiên, ông Wahid đã đi một nước cờ khác: ông mời bà Megawati Sukarnoputri đứng chung liên danh và mời tướng Wiranto vào nội các. Ông Wahid đã thành công và trở thành Tổng thống Indonesia. Tướng Wiranto giữ chức Bộ trưởng an ninh và chính trị sự vụ, một trong những bộ quan trọng nhất chính phủ. Tuy nhiên, ông ta lại mất vị trí đầy quyền lực là lãnh đạo quân đội. Mới tuần trước, Tổng thống Wahid ký sắc lệnh để tướng Wiranto nghỉ hưu. Như thế, nếu không có gì thay đổi, thì kể từ đầu tháng Tư, khi sắc lệnh có hiệu lực thi hành, sẽ không còn tướng Wiranto, mà chỉ còn Bộ trưởng dân sự, tướng hồi hưu Wiranto mà thôi.Nhưng nay, thì ngay cả viễn tượng ấy cũng khó xẩy ra với những diễn biến mới đây của tình hình. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8 năm ngóai. Khi đó, tướng Wiranto đang là Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia và Liên Hiệp Quốc quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, tạo cơ hội cho người dân Đông Timor tự do chọn lựa tương lai của họ. Cuộc thăm dò ý dân đưa ra hai chọn lựa: hoặc Đông Timor tiếp tục là một phần lãnh thổ Indonesia như đã bị áp đặt từ gần 25 năm qua, hoặc trở thành một nước độc lập. Gần 80% người dân Đông Timor đã chọn giải pháp thứ hai. Nhưng trước và sau cuộc trưng cầu dân ý, các dân quân thân Jakarta đã khủng bố bằng cách đốt phá, cướp bóc và giết chóc bừa bãi. Hàng ngàn người đã chết và hàng chục khu dân cư, thị tứ đã tan hoang. Nhiều quan sát viên quốc tế có mặt tại chỗ nói là quân đội Indonesia đã huấn luyện, yểm trợỉ, hay ít nhất cũng làm ngơ cho bọn khủng bố ra tay. Khi tình hình đã tạm yên với sự có mặt của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc, dư luận quốc tế đặt vấn đề trách nhiệm về các cuộc bạo động tại Đông Timor, và đòi thiết lập một tòa án quốc tế để xét xử những người trực tiếp hay gián tiếp gây nên đổ máu. Chính phủ Jakarta cũng thành lập một Ủy ban quốc gia điều tra các vụ khủng bố. Sau khi điều tra, Ủy ban đã quy trách tướng Wiranto là "biết bạo động đổ máu đang xẩy ra, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn". Ngay sau đó, Tổng thống Wahid, đang có mặt tại Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới, cho báo chí biết là ông yêu cầu tướng Wiranto từ chức bộ trưởng. Trước đó, ông Wahid đã tuyên bố sẽ đưa ra toà những người có tội, dù ngừơi ấy là ai. Đề nghị của Tổng thống Wahid được đưa ra vào khi giữa chính phủ dân sự của ông và phe quân đội từng có nhiều bất đồng, kể từ khi ông nhậm chức hơn ba tháng trước đây. Nguyên nhân chính đưa đến những bất đồng ấy là tổng thống Wahid muốn đưa quân đội về với nhiệm vụ và vai trò đúng của nó, là bảo vệ quốc gia. Vì những rạn nứt này, dư luận đã e ngại một cuộc đảo chính quân sự có thể xẩy ra. Nhưng cho đến ngày hôm qua, tình hình Jakarta vẫn yên tĩnh, và các nhà quan sát cho rằng một cuộc đảo chính khó mà xẩy ra trong lúc này.Lời đề nghị của Tổng thống Wahid cho thấy việc tướng Wiranto mất chức và phải ra tòa là điều có lẽ sẽ xẩy ra. Nhưng ra tòa tại Indonesia có khi cũng là một điều hay. Lý do là vì Tổng thư ký LHQ Kofi Annal và đại sứ Hoa Kỳ Richard Holbrooke từng nói rõ là nếu những người có trách nhiệm trong giai đoạn bạo động đẫm máu tại Đông Timor hồi năm ngoái bị đưa ra tòa tại Indonesia, thì sẽ không có việc thành lập một tòa án quốc tế về việc này nữa. Về dư luận trong nước, thì người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao Indonesia là ông Amien Rais đã ca ngợi đề nghị của Tổng thống Wahid. Ông nói, đề nghị ấy giúp củng cố nền dân chủ tại Indonesia, và nhấn mạnh thêm rằng đất nước ông cần kiềm chế sức mạnh của quân đội và cải tổ lực lượng này. Cũng ngày hôm qua tại Jakarta, trong một cuộc họp báo, tướng Wiranto nói sẽ không từ chức cho tới khi mọi chi tiết, mọi diễn biến đều sáng tỏ. Lời tuyên bố của ông cũng gây nên nhiều phản ứng, nhất là đối với người dân Đông Timor, từng là nạn nhân của các cuộc khủng bố tàn bạo hồi năm ngoái. Những người được coi như lãnh đạo Đông Timor là các ông Ramos Horta và Jose Xanana Gusmao tỏ ra thất vọng trước lập trường của tướng Wiranto. Tuy vậy, hai ông tin rằng Tổng thống Wahid và Bộ trưởng tư pháp Marzuki Darusman sẽ hành xử theo công lý, nghĩa là sẽ phải đưa ra tòa xét xử không phải chỉ những người trực tiếp thực hiện các hành động tàn bạo chống lại nhân loại, mà cả những người làm hoen ố thanh danh của quốc gia và quân đội Indonesia nữa. Hai ông này cũng cho rằng một cuộc đảo chính tại Indonesia vào lúc này thực sự là một đại họa cho đất nước đông dân thứ tư trên thế giới này.