Hồng Kông sẽ cấp qui chế tị nạn cho 1,400 thuyền nhân VN

Nguyễn KhanhTin tức do các hãng thông tấn nước ngoài đánh đi từ Hồng Kông ngày hôm nay cho biết chính phủ đặc khu này đã quyết định cho 1,408 thuyền nhân Việt Nam được quyền nộp đơn xin ở lại, sau khi đơn xin định cư ở một nước thứ 3 của họ không được đáp ứng. Quyết định này đã được bà Regina Ip, người cầm đầu văn phòng đặc trách an ninh của đặc khu hành chánh Hồng Kông thông báo. Bà nói là chính quyền đặc khu đã tìm rất nhiều phương thức để giải quyết vấn đề, và cuối cùng, giải pháp tốt đẹp nhất là cho những người này được quyền hội nhập vào đời sống chung với dân chúng địa phương.Vẫn theo lời bà Ip, việc cho người Việt tỵ nạn định cư, nhất là những trẻ em chào đời trong các trại tỵ nạn, là một quyết định mang tính cách nhân đạo, cho dù đặc khu phải gánh thêm gánh nặng, để có thể giúp những người sẽ xin định cư hội nhập vào đời sống mới. Được biết số trẻ em chào đời trong các trại tỵ nạn sẽ được ở lại Hồng Kông cùng với gia đình là khoảng 300 em.Như chúng tôi đã nói, tổng cộng có 1,408 thuyền nhân Việt Nam được xin ở lại Hồng Kông, và họ có thời gian 6 tuần lễ để làm thủ tục giấy tờ. Con số này được chia ra như sau: 973 người thuộc diện tỵ nạn, 327 người nằm trong danh sách phải hồi hương nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không nhận, và 108 người gốc Hoa, là thành phần mà Hà Nội không chịu nhận, nói rằng toán này không phải là người mang quốc tịch Việt Nam.Theo một viên chức thuộc Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Hồng Kông, các nước Tây Phương không muốn nhận những người thuyền nhân Việt Nam vì nhiều người trong số này có lý lịch xấu, liên quan đến hình sự hoặc ma túy.Bà Regina Ip cũng nhấn mạnh một điều là việc cấp qui chế thường trú nhân cho 1,408 thuyền nhân còn kẹt lại không có nghĩa là Hồng Kông sẽ chấp nhận làn sóng những người di cư mới, và chính quyền đặc khu vẫn áp dụng nghiêm nhặt luật lệ, cũng như chính sách cưỡng bách hồi hương tất cả những người nhập cư bất hợp pháp. Quyết định của chính phủ Hồng Kông sẽ chấm dứt một giai đoạn kéo dài đã gần 25 năm qua, tình từ ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, và làn sóng thuyền nhân đổ ra biển để đi tìm tự do. Riêng với đặc khu này, trại trỵ nạn cuối cùng mang tên Pillar Point sẽ chính thức đóng cửa vào tháng 5 tới đây.Nếu tính từ năm 1975 cho đến nay, đã có tổng cộng 200,000 thuyền nhân Việt Nam đến hòn đảo này. Đại đa số may mắn được đi định cư ở một quốc gia thứ ba, một số khác bị bị trả về Việt Nam qua chương trình hồi hương do Phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn đề ra và kiểm soát. Tổng số tiền mà chính phủ Hồng Kông đã phải bỏ ra để trang trải chi phí cho 200,000 người tỵ nạn lên đến 1 tỷ 160 triệu đô la Hồng Kông, và cho đến nay, vẫn chưa được Liên Hiệp Quốc bồi hoàn lại số tiền này.