Lời giới thiệu: Một bài báo của ký giả Samantha Marshall đăng trên tờ Wall Stret Journal cho biết làn sóng người từ vùng quê tràn vào thành phố Sài-Gòn vẫn tăng cao mặc dù công ăn việc làm đã giảm quá nhiều sau khi mức đầu tư nước ngoài tụt thấp hẳn xuống. Vấn đề người dân cư trú không có hộ khẩu ở thành phố trở thành nan giải và là nguy cơ bất ổn xã hội. Bài báo phân tích nguyên nhân và đối sách của chính quyền ở Việt-Nam trước vấn-đề này, cùng những nguy cơ đi kèm, và hoàn cảnh đáng thương của những người phó thường dân ngay trong lòng đất nước họ. Việt-Long lược dịch...Việc làm ở Việt-Nam đã hiếm hoi sau cuộc khủng hoảng kinh-tế Á-Châu, nhưng làn sóng di dân từ nông thôn vẫn không ngớt đổ vào các thành phố để tìm việc. Cư trú trở thành vấn-đề nan giải nhất cho nhà cầm quyền. Nông dân là thành phần vẫn thường được đảng cầm quyền ca tụng và nói rằng phải đãi ngộ, nhưng làm sao để đãi ngộ họ được trong hoàn cảnh này, mà vẫn duy trì được sự ổn định xã hội. Chính sách chung của Nhà nước đến nay vẫn là dùng các biện pháp hành chánh để mong dân nông thôn chạy lên thành phố chán nản mà quay về quê cũ. Một truờng hợp điển hình là của anh Trương Văn Hùng, từ Huế chạy vào Sài-Gòn sinh sống để cố cho con được ăn học. Không có hộ khẩu, con cái anh không được nhận vào trường công. Học phí trường tư chừng 300 ngàn một tháng mỗi đứa, ba đứa con phải đóng chín trăm ngàn. Anh chị Hùng đẩy xe bán bún bò Huế suốt ngày kiếm được mỗi người gần 50 ngàn, phải chi phí tiền thuê nhà, tiền ăn uống quần áo, còn bao nhiêu dồn vào tiền học hành sách vở của con vẫn không đủ, đành đi vay nặng lãi, nợ chất chồng không bao giờ trả nổi. Anh chỉ mong Nhà nước cho con anh được vào truờng công, thì cuộc sống gia đình anh dễ thở hơn nhiều.Nhưng chính-quyền thành phố coi hằng trăm ngàn gia đình ở hoàn cảnh như anh Hùng là một nguy cơ bất ổn xã hội. Theo con số ước lượng của Nhà nước, những người không hộ khẩu chiếm 1 triệu dân trong số 5 triệu dân ở Sài-Gòn hiện nay. Chính quyền coi những khu nhà ổ chuột của họ là nơi phát xuất các tệ nạn xã hội. Họ không được hưởng những quyền lợi về giáo dục, y tế, vay nợ ngân-hàng hay trợ cấp thất nghiệp như những cư dân hợp pháp, chỉ vì họ không có hộ khẩu. Tuy các quyền lợi xã hội đó không nhất thiết chỉ dành cho cư dân của thành phố, nhưng nhà thương và trường học đã quá đông, nên quyền lợi hiếm hoi ấy được dành ưu tiên cho những người có hộ khẩu, dân không hộ khẩu chẳng bao giờ được hưởng tí chút. Giám đốc sở lao động thương binh và xã hội của thành phố Sài-Gòn nói bà thấy mủi lòng trước hoàn cảnh những người không hộ khẩu, nhưng đồng thời, bà nói, họ cũng là gánh nặng mà chính-quyền phải đối phó. Việt-Nam còn nhiều gánh nặng khác. Mức tăng trưởng kinh-tế gần như dậm chân tại chỗ. Đầu tư nước ngoài năm ngoái chưa bằng 1/3 năm 1997. Tham nhũng nở rộ như nấm gặp mưa. Chiến dịch chống tham nhũng phát hiện 1.000 trường hợp thì toàn thuộc hàng ngũ cấp cao nhất trong bộ máy cai trị. Theo thôùng kê của Nhà nước, những vụ sử dụng ma túy và tội phạm xã hội tăng gấp ba lần trong 10 năm nay. Là một trong những nước nghèo nhất và tự cô lập nhất về chính-trị ở châu Á, với thu nhập bình quân chừng 300 đôla một năm trên mỗi nhân khẩu, nước Việt-Nam Cộng Sản bảo thủ này hết sức nhạy cảm với những dấu hiệu xáo trộn xã hội. Hai năm trước nông dân Thái Bình bạo động chống tham nhũng, ngày nay các nông dân bị thiệt thòi vẫn biểu tình ngồi trước dinh thự của các cấp lãnh đạo đảng và chính-phủ. Theo một số nhà phân tích, chính-sách đối với dân không hộ khẩu ở các thành phố có thể là yếu tố quan trọng trong sự bất mãn của quần chúng. Nếu Việt-Nam không đẩy mạnh đổi mới kinh-tế thêm nữa, chính-sách với người không hộ khẩu như ông bà Hùng chỉ đẩy thêm những thành phần người dân như vậy ra ngoài lề xã hội, tạo nguy cơ bất ổn. Chuyên gia về Việt-Nam của Australia, giáo sư Carlyle Thayer, cho rằng chỉ một biến cố nhỏ cũng khả dĩ biến tập thể những người mất quyền lợi công dân đó thành một khối chất nổ lớn. Mãi đến gần đây cư dân bất hợp pháp mới bị coi là vấn-đề. Từ năm 1990, những người lao động lang thang bị dồn vào những vùng đang kiến thiết đường xá hay cần người cho mùa màng nông nghiệp. Cư dân không hộ khẩu bị đưa vào trại tù cải tạo ngay. Sau đó kinh-tế mở cửa cho đầu tư nước ngoài, các nhà máy và công trình xây dựng nuốt chửng số lượng lao động gốc nông dân về thành phố kiếm ăn. Chính quyền nhắm mắt làm ngơ cho họ. Nhưng đến lúc đầu tư ngoại quốc bỏ chạy khỏi xứ trong mấy năm nay, công việc lại khan hiếm, nhưng làn sóng dân từ nông thôn vẫn đổ về thành phố. Một báo cáo của Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc ước lượng mỗi năm có thêm từ 70 ngàn đến 100 ngàn di dân đổ vaò thành phố Sài-Gòn, chồng chất lên hằng triệu người không hộ khẩu đã sống nơi đây.Nhưng ký giả quốc tế tìm ra một nghịch lý khá buồn cười, là các di dân không hộ khẩu này lại là những công dân gương mẫu, những điển hình tiên tiến trong xã hội. Họ thường là trẻ và hăng hái. Họ tiết kiệm từng đồng, gởi tiền dư về nuôi gia đình nghèo túng ở thôn quê. Như gia đình anh chị Hùng, tài sản quý giá nhất của họ là tấm bằng danh dự của truờng Phú Mỹ trao tặng con trai của anh chị, treo ở chỗ trang trọng nhất trên bức tường loang lổ của ngôi nhà chỉ có một buồng duy nhất. Anh Hùng cho biết hồi nhỏ ở Huế anh đã muốn làm thầy giáo, nhưng vì nhà nghèo phải bỏ học đi làm ruộng giúp gia đình từ năm 12 tuổi. Năm 1966 xứ anh mất mùa, nạn đói mùa đông đe dọa, anh đem gia đình rời vùng sông Hương núi Ngự di cư vào đây, nhất quyết cho con cái nối tiếp giấc mơ học hành của anh thuở nhỏ. Anh mong lái xe ôm kiếm thêm tiền, nhưng lại không có tiền mua xe, nên hai vợ chồng chỉ biết đẩy xe bún bò đi khắp các đường phố xa hoa của nơi đô thị. Anh Hùng kết luận với nhà báo, anh chỉ cần dồn tất cả nỗ lực cho việc học hành của con cái, thế là sống vui rồi.