Khía cạnh kinh tế của hiện tượng di dân ở Việt Nam

Lời giới thiệu: Trong một bài trước chúng tôi đã lượt dịch một bài báo của tờ Wall Street Journal viết về cuộc sống của những người không có hộ khẩu tại Sài-Gòn, cùng chính-sách của nhà cầm quyền để đối phó với tình trạng dân nông thôn chạy lên thành phố kiếm sống. Hôm thứ năm ngày 17-2, báo Los Angeles Times đăng một bài khác của ký giả David Lamb thường trú tại Hà-Nội, viết về tình trạng dân quê lên thành phố kiếm sống, chú trọng đến Hà-Nội nhiều hơn. Bài viết này còn có thêm một vài phân tích về khía cạnh kinh-tế của hiện tượng di dân ở Việt-Nam ngày nay, do một số chuyên viên quốc tế nêu lên. Việt-Long tóm lược...Anh Trần Tiến Đạt, 21 tuổi, nhất quyết rời vùng quê Phú Thọ để lên Hà-Nội tìm cuộc sống mới mà anh hằng mơ ước, với ánh sáng đèn điện giăng giăng khắp lối, thành phố nô nức vui tươi, và quan trọng nhất, là một công việc ổn định.Nay Đạt làm cho một xưởng sản xuất than bùn trộn đất cạnh cầu Long Biên, mang giày bốt đứng dưới bùn ngập đến ống quyển, suốt ngày trộn đất với than từ bình minh đến khi trời tối. Đạt làm cả 7 ngày trong tuần, kiếm mỗi ngày khoảng gần 30.000 đồng VN, tức 2 đôla. Anh nói mức lương đó cũng đã huy hoàng lắm rồi, so với thu nhập ở thôn quê, vì nơi đồng ruộng không có việc gì làm giữa hai mùa lúa. Công việc nơi xưởng than không thích thú như anh nghĩ, nhưng cũng là bước đầu để ổn định cuộc sống. Cuộc di cư của Đaỳt cũng là của hằng chục ngàn người trẻ tuổi mỗi năm từ thôn quê tràn vào các thành thị, đã thành vấn-đề nhân số nghiêm trọng từ ngày chấm dứt chiến tranh. Một cuộc nghiên cứu của Nhà nước cho thấy một nửa trong 2 triệu rưởi dân Hà-Nội không phải là người sinh trưởng tại đây, và 1/4 trên toàn bộ dân số Hà-Nội không hề có mặt nơi đây mười năm về trước. Một báo cáo của Bộ lao động cho biết mỗi tháng có 5.000 thanh niên thôn quê lên Hà-Nội sống, hầu hết đều trẻ, độc thân và không có tay nghề. Ở Sài-Gòn thì con số này gấp đôi, 10.000 người mỗi tháng, đẩy dân số thành phố này lên đến 5 triệu, và dự kiến sẽ tăng đến 12 triệu vào năm 2020. 20% dân số Sài-Gòn không có hộ khẩu. Làn sóng di dân gây nên vấn-đề nghiêm trọng về xã hội và môi sinh, gây khủng hoảng về nhà cửa, tắc nghẽn lưu thông, làm đông đúc thêm cho thành phố Sài-Gòn đã có sẵn 2 triệu xe đạp, 1 triệu rưỡi xe gắn máy, và 58 ngàn xe hơi ngày nào cũng phải chen chúc dành đường trong khói bụi mịt mù.Nhìn chung trên toàn quốc, tình trạng phạm tội ở thành thị có gia tăng, tuy còn chậm. Không khí ngày càng ô nhiễm. Các hồ ao và sông lạch đầy những phân người và rác rưởi. Chính quyền nói những người di dân mới đã gây nên các vấn-đề đó. Dân di cư không đủ tiền thuê nhà trong thành phốụ, thế là các khu nhà ổ chuột mọc lên như nấm ở vùng ngoại ô Sài-Gòn cũng như Hà-Nội. Dọc đường Giảng Võ ở Hà-Nội, nhiều nhóm người từ quê lên ngồi lê la trò chuyện, trà là, đánh bài cho qua giờ, chờ có người gọi đi làm gì cũng được. Anh Phạm Hoàng, 28 tuổi, nói rằng việc gì anh cũng nhận làm. Mỗi ngày Hoàng trả tiền ăn ở chừng 35 cent Mỹ, tức khoảng hơn 5 ngàn bạc Việt-Nam. Chính quyền làm đủ mọi cách để ngăn chặn dân quê về thành phố. Chính-sách hộ khẩu cũng không thành công, dân vẫn bất chấp mọi khó khăn, tràn vào các thành phố kiếm sống. Nhà nước Cộng Sản khó chịu khi thấy không thể điều kiểm được dân số, nhưng không còn biện pháp nào để ngăn chặn làn sóng người cứ đều đặn đổ vào. Thật ra, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng hiện tượng này có lý do của nó. Người dân đi tìm cơ hội làm ăn và tìm sự yên ổn. Các chính-sách năm 1986 về mở cửa hướng tới nền kinh-tế thị trường để phát triển và gia tăng đầu tư nước ngoài đã là nguyên nhân khiến người ta lên thành phố kiếm việc. Hầu hết các dự án đầu tư và công ăn việc làm do Nhà nước tạo ra được đều ở các thành phố hay vùng ngoại ô. Tuy gây ra những vấn-đề về dân số, nhưng hiện tượng này cũng có mặt tích cực. Chuyên gia Nicholas Rosellini của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc cho rằng lực-lượng lao động nhờ vậy được gia tăng, nông thôn cũng được khá hơn nhờ tiền từ thành phố được đều đặn gửi về cho thân nhân ở tỉnh lẻ và nhà quê, mức chênh lệch giữa các tỉnh thị cũng được giảm bớt phần nào. Làn sóng di cư về thành phố không chỉ xảy ra ở Việt-Nam, mà đã diễn ra trong cuộc cách mạng kỹ nghệ châu Âu hồi thế kỷ 18, và ở Á-Châu hồi hai thập niên 80 và 90 khi kinh-tế nở rộ. Bangkok, Manila, Jakarta mỗi nơi dân số vọt lên đến 10 triệu. Đến nay các thủ đô này vẫn còn điên đầu với các vấn-đề y tế, lưu thông, nhà ở, pháp luật, môi sinh, do dân số cao gây nên.Ngay tại Việt-Nam việc di cư cũng chẳng lạ lùng gì. 1 triệu người Bắc chạy vôâụ Nam hồi 1954. Thời chiến tranh hằng triệu người từ thôn quê chạy về các thành phố miền Nam để lánh nạn chiến cuộc. Rồi hằng trăm ngàn người Việt vượt biên lánh nạn Cộng Sản sau khi Sài-Gòn thất thủ, trong khi từ năm 1976 đến 1990, Nhà nước cưỡng bách 3 triệu 700 ngàn người dân miền Nam đi kinh-tế mới, lao động trong các nông trường tập thể. Chính sách này gây thành thảm họa, khiến cả nước suýt chết đói, và buộc Nhà nước Cộng Sản phải xoay chiều, mở cửa kinh-tế... Có câu thành ngữ Việt-Nam là "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mô tả cuộc sống vất vả của con người. Ở xưởng than bùn cạnh sông Hồng, công việc quả là vất vả. Thanh niên nam nữ đi chân đất, xắn quần đứng dưới bùn suốt ngày trộn than bùn với đất, đúc thành cục than hình ống để nấu nướng, bán được mỗi cục 45 năm chục đồng Việt-Nam, đốt được hai tiếng. Anh Nguyễn Văn Bằng 30 tuổi tâm sự, công việc này không có tương lai, anh chỉ làm tạm thời thôi. Bằng lên Hà-Nội đã được một năm, tối tối đi học thêm Anh ngữ. Anh hy vọng sẽ kiếm được việc khác tốt hơn, nhưng dù chân lấm tay bùn theo đúng nghĩa đen, tiền công lại quá ít, anh nói cuộc sống của anh nơi đây vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc sống ở thôn quê.