Trẻ em Việt Nam hành nghề mại dâm tại Cambodia.

Lời giới thiệu: Hiện nay tại Cambodia, số trẻ vị thành niên Việt Nam bị buộc phải sống bằng nghề mại dâm rất nhiều, phải kể đến hàng ngàn. Hầu như hang cùng ngõ hẻm của thủ đô Phnom Penh và ngay tại các tỉnh xa như Siem Reap cũng nhan nhản trẻ Việt bán thân cho khách. Tệ trạng đau lòng này sẽ được Phan Dũng tường trình từ Phnom Penh qua bài phóng sự sau đây...Ngay tại ngã tư đường Sokyn Mean Bon và Satrak Buem ở thủ đô Phnom Penh, hàng quán do người Việt Nam làm chủ mọc san sát sát nhau. Tại các tiệm ăn, quán nước giải khát, tiệm hớt tóc, và nhất là chỗ massage tức là xoa bóp thân thể và quán nhạc karaoke, người Việt gọi nhau ơi ới, trò truyện huyên náo. Phụ nữ Việt nhan nhản và rất dễ nhận diện qua cách ăn mặc là bộ quần áo bà ba, khác hẳn với người bản xứ. Người Việt ở nước ngoài đi lang lang ở khu này cứ ngỡ rằng mình đang bách bộ ở một đường phố nào đó tại quê nhà chứ không phải trên đất Chùa Tháp.Người Việt sinh sống tại Phnom Penh đặt tên cho khu vực chung quanh ngã tư Sokyn Mean Bon và Satrak Buem là khu đèn đỏ, vì cứ tối đến, khu này lập lòe đèn xanh đèn đỏ, chói sáng từ các tấm bảng hiệu của các quán nhạc karaoke và các tiệm massage. Hát karaoke và đấm bóp chỉ là trá hình, còn thực ra thì các loại hàng quán này là những nhà chứa gái mại dâm. Điển hình là tiệm massage Kim Long tại số 93E1 nằm trên đường Satrak Buem. Tiệm mở cửa từ sáng đến 1 giờ khuya, và mặc dù sau giờ đã đóng cửa, nhưng các cô vẫn sẵn sàng đi khách ngay tại tiệm hay tại khách sạn. Tiệm là một cao ốc ba tầng. Tầng dưới cùng bầy 2 ghế salông và một phòng 3 mặt được che bằng kính trong suốt. Khách vừa bước chân vào, chưa kịp ngồi xuống ghế, thì hàng chục cô gái trẻ đang xem tivi, đang đánh bài hoặc đang tán gẫu, đồng loạt túa vào căn phòng kính nói trên và ngồi thành 3 hàng trên các bậc tam cấp trải khăn đỏ. Các cô đều mặc đồng phục váy đầm ngắn cũn cỡn màu vàng và trên ngục trái, mỗi người đeo một con số riêng biệt để cho khách dễ chọn lựa. Tuổi các cô chỉ trạc trên dưới 20, có cô mặt còn non choẹt.Khách gọi nước uống. Một chai nước ngọt giá 1 đôla Mỹ, còn bia thì 2 đô. Một cô gái cũng đồng phục vàng xà xuống cạnh khách, trong khi các cô ngồi trong phòng kính yên lặng ngó khách. Giá cả tại Kim Long là 5 Mỹ kim một giờ, nếu khách chỉ muốn đấm bóp không thôi. Còn nếu muốn mua vui thì khách phải trả thêm 5 đôla nữa cho một lần. Sau khi thuận mua vừa bán, khách chọn một cô ưng ý đang ngồi chờ trong phòng kính rồi đưa nhau lên lầu, trong lúc máy cassette của tiệm phát một ca khúc ngợi ca tuổi thơ của nhạc sĩ Trần Tiến: "đàn tôi hát câu gì mà sao cô bé cười ngộ ghê..."Trên lầu chật chội, tăm tối. Khoảng 10 căn phòng được ngăn bằng gỗ, mỗi phòng chỉ đủ đặt một chiếc giường và một cái quạt máy đứng. Cuối dẫy phòng là một nhà tắm tồi tàn, dơ bẩn. Câu chuyện do chính cô gái Việt bán thân trên đất người kể cho phái viên Ban Việt ngữ nghe thật là thương tâm.Nhàn là tên cô gái. Nhàn còn nhỏ lắm, năm nay mới 16 tuổi. Quê quán của Nhàn ở ruộng đồng Cà Mau. Cách đây một năm, Nhàn phải bán mình để mẹ cô có tiền trả món nợ 500 mỹ kim. Người Việt mình sống tại Cambodia gọi việc bị lấy đi sự trong trắng đời con gái là bị khui trinh. Nghe câu chuyện mà nát cả lòng. Khui như người ta khui nắp chai bia, hay khui một hộp thức ăn.Nhàn kể rằng, người đứng ra mối lái cũng là người Việt mình, mà bà chủ chứa của Nhàn cũng là người Việt mình. Trả lời câu hỏi của phái viên ban Việt ngữ là thái độ của bố mẹ ra sao trước nghĩa cử bán thân cứu gia đình của Nhàn, Nhàn nói rằng, bố mẹ không ép và để Nhàn tự quyết định. Trước cảnh nợ nần, nghèo đói của ba má, Nhàn đành nuốt nước mắt ra đi.Nhàn nói tủi nhục lắm, tiền khui trinh 500 mà phải ngủ với thằng cha Tầu Đài Loan 1 tuần lễ. Tiền đó người dắt mối đưa trực tiếp cho má, còn phần Nhàn thì phải ở lại làm việc cho chủ chứa, vì đó là điều kiện của người ta trước khi đưa Nhàn vượt biên lậu vào đất Cambodia. Nhàn còn khóc nói rằng, trốn đi thì chủ cho người đuổi theo và nếu bị bắt lại thì chủ đánh nặng lắm và tăng số tiền còn nợ chủ khi mới tới đây. Vì vậy nên Nhàn không dám trốn. Nhàn kể cho nghe về đời sống hàng ngày tại tiệm Kim Long. Nhàn tiếp khách từ buổi trưa tới 1 giờ sáng. Sau đó ngủ lại ngay tại nhà chứa cùng các cô gái khác. Quần áo do chủ may và ngày ăn hai bữa sáng tối do chủ nấu tổng cộng mất 30 đôla, còn bữa trưa thì Nhàn tự túc mất khoảng từ 1 ngàn đến 1500 riel, tức khoảng 30cents Mỹ. Theo lời Nhàn, ngày hên thì tiếp được 4 tới 5 người khách mua hoa, mỗi lần 5 đôla thì chủ lấy 3, còn Nhàn chỉ được 2. Gặp khách rộng rãi thì được thêm vài ba đô tiền phục vụ. Số tiền này Nhàn không phải nộp cho chủ. Ngày xui thì ít khách hoặc gặp khách cà chớn, say rượu hành hạ đủ kiểu. Tựu chung lại, Nhàn kiếm được từ 150 đến 200 đolâ một tháng, trừ tiền ăn uống, chi tiêu lặt vặt, còn khoảng gần 100 đô, vừa gởi về giúp ba má, vừa trả nợ cho chủ. Nhàn còn cho biết là chủ chứa không cho ra khỏi nhà, trừ trường hợp khách trả cho chủ 30 đôla giá một đêm hoặc 70 đôla giá nguyên ngày và phải bảo đảm là giao Nhàn lại cho chủ. Nhàn còn bị chia phiên cùng các bạn khác làm công tác vệ sinh cho cả nhà chứa. Tâm trạng của Nhàn bây giờ là không vui, không buồn, cũng chẳng nghĩ gì đến tương lai. Nhàn nói mặc kệ cuộc đời, trôi tới đâu thì tới và theo lời Nhàn, đó cũng là nỗi niềm chua chát của hàng chục cô gái Việt khác cũng như của các cô gái Khmer đang kiếm sống bằng nghề bán thân tại tiệm massage Kim Long.Tại Cambodia, câu chuyện như của Nhàn không phải là ít. Nhiều trẻ em Việt Nam vị thành niên mà phái viên Ban Việt ngữ tìm gặp trên đất Chùa Tháp để trò chuyện cũng tương tự hoàn cảnh của Nhàn. Chỉ có mỗi mình Xuân là đồng ý cho ghi âm lại. Xuân nói rằng, chẳng còn gì để mà mất mát thêm nữa. Xuân cùng tuổi với Nhàn, nhưng bán thân tại Siem Reap, một tỉnh nằm về mạn Tây Bắc Cambodia.Hiện nay, không ai rõ có bao nhiêu phụ nữ và trẻ em Việt Nam sống bằng nghề bán thân tại Cambodia. Con số phải đến hàng ngàn những người mang tên Nhàn, tên Xuân, tên Lan, tên Phượng, v.v... bên cạnh hàng ngàn cô khác của người bản xứ, người Lào, người Nga. Trước tình cảnh bi thương của các phận gái này, liệu có một chính quyền, một đảng phái nào còn dám tự nhận là vinh quang, khi mà họ bất lực không lo nổi miếng cơm manh áo cho ngưồi dân, khiến người dân phải lao mình vào những hoàn cảnh đớn đau, tủi nhục như vậy. Câu chuyện của Nhàn, của Xuân là một nỗi đau cho lương tâm nhân loại, và vinh quang nào chăng nữa cũng phải cúi mặt trước thảm trạng của những trẻ vị thành niên này./. Phan Dũng tường trình từ Phnom Penh.