Hạ-Viện HK thông qua nghị quyết lên án chế độ Hà Nội

Lời giới thiệu: Cách đây chừng 6 giờ đồng hồ, Hạ viện Hoa-Kỳ đã biểu quyết chấp thuận nghị quyết Hạ-Viện số 295, lên án chế độ độc tài ở Việt-Nam và kêu gọi chính-quyền Việt-Nam thực hiện dân chủ, nhân quyền. Việt-Long gửi đến quý vị phóng sự về phiên họp của Hạ-Viện như sau...Nghị quyết số 295 của Hạ-Viện Hoa-Kỳ do Dân biểu Rorabacher soạn thảo, trình bày tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tại Việt-Nam, kêu gọi chính-phủ Hoa-Kỳ gây áp lực và kêu gọi chính-phủ Việt-Nam thực hiện quyền tự do dân chủ cho người dân trong nước. Giới thiệu vềụ nghị quyết, dân biểu Tom Lantos của California nói: - Thật đáng tiếc là 25 năm sau ngày miền Nam sụp đổ, chính-quyền tại Việt-Nam vẫn là một chính-quyền độc đảng do Đảng Cộng Sản Việt-Nam cai trị. Hà-Nội vẫn tiếp tục đàn áp chính-trị và tôn giáo, liên tục vi phạm nhân quyền. Nghị quyết này đỏi hỏi một cách chính đáng rằng hành pháp Hoa-Kỳ hãy thông báo rõ ràng cho chính-quyền Việt-Nam biếùt rằng nhân dân Hoa-Kỳ vẫn giữ vững quyết tâm về những nhân quyền căn bản cho nhân dân Việt-Nam, và sự đối xử công bằng với mọi người ở Việt-Nam. Hoa-Kỳ cũng đồng thời kêu gọi Việt-Nam chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền, và giải phóng hệ thống chính-trị cổ lỗ lỗi thời. Ông ca ngợi cộng đồng người Mỹ gốc Việỉt ở California đang xây dựng tượng đài kỷ niệm và vinh danh ở quận Cam, để vinh danh các chiến sĩ Hoa-Kỳ và Việt-Nam Cộng Hòa. Ông Gillman nói tiếp, nhân quyền không phải là vấn-đề của riêng phương đông hay phương tây, mà là giá trị đạo đức của tòan thế-giới, trong đó có 77 triệu dân Việt-Nam. Ông ca ngợi nghị quyết đã vạch ra sự bất công vẫn tồn tại ở Việt-Nam. Ông nói, chủ nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa đã chết, nhưng thật đáng ngạc nhiên là chính-quyền Hà-Nội vẫn không biết đến điều đó. Ông hy vọng hệ thống thư lại ở Hà-Nội đang lắng nghe những điều đang trình bày hôm nay, mà thực hiện những cải cách cần thiết, để giải tỏa cho tinh thần và đầu óc người dân Việt-Nam, là những con người xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn nhiều so với hiện tại ở Việt-Nam. Sau 25 năm chiến tranh chấm dứt, Việt-Nam vẫn là môt xã hội bị đàn áp nhất trên hành tinh này. Tương tự Trung-Quốc, Việt-Nam cũng chấp nhận mở cửa kinh-tế, nhưng hệ thống chính-trị vẫn cứng rắn, áp bức hơn bao giờ hết. Dó đó ông kêu gọi chính-phủ Việt-Nam phóng thícn tất cả tù nhân chính-trị và tôn giáo, cùng các tù nhân lương tâm, lập tức chấm dứt sách nhiễu, giam cầm hành hạ thể xác các công dân Việt-Nam đang thực hiện những quyền hợp pháp về tự do tín ngưỡng, tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp. Kêu gọi chính-quyền Việt-Nam hủy bỏ điều 4 hiến pháp và thu hồi mọi luật lệ, nghị định cấm đoán các quyền công dân vừa nêu. Việt-Nam cần các định một thời điểm tổ chức tuyển cử công bằng và mở rộng, cho phép người dân được chọn lựa những người lãnh đạo địa phương và trung ương, mà không bị hăm dọa, không phải sợ hãi. Một phần tư thế kỷ đã qua sau khi cuộc chiến chấm dứt, nhưng người dân Việt vẫn bị đàn áp. Ông tuyên bố tuyệt đối tin tưởng nghị quyết này sẽ đuợc nhất trí thông qua, để mở ra cơ hội cải tổ nền chính-trị tại Việt-Nam. Dân biểu Rorabacher phát biểu về nghị quyết 295 như sau:- Bản nghị quyết này đánh dấu 25 năm chấm dứt chiến tranh Việt-Nam và tưởng niệm, ghi ơn những người đã hy sinh vì tự do trong cuộc chiến. Tuần qua dư luận quốc tế đồng nhất mô tả những sự đàn áp vẫn tiếp diễn tại Việt-Nam, và nhân dân Việt-Nam chịu nhiều đau khổ dưới chế độ áp bức đó của Hà-Nội, những vi phạm nhân quyền, từ chối dân chủ. Nghị sĩ McCain đã nói đúng, là những kẻ không xứng đáng đã thắng cuộc chiến tranh. Ông Lý quang Diệu, chính khách lão thành của Singapore nói rằng nhờ sự hy sinh của Hoa-Kỳ trong hai thập niên 1960 và 1970, mà các nước còn lại ở châu Á phải đối phó với Cộng sản đã có đủ thời-gian để ổn định, tiến lên thịnh vượng. Nhưng chính người Việt-Nam thì đến nay vẫn còn đau khổ. Những hy sinh to lớn với 58.000 người Mỹ tử trận, 300.000 bị thương, 270.000 quân Việt-Nam Cộng Hòa hy sinh 570.000 bị thương, là mới chỉ tính tới trước cuộc tổng tấn công năm 1975. Nghị quyết này vinh danh sự hy sinh và nêu cao chính nghĩa vì tự do trong cuộc chiến đấu ở Việt-Nam. Nghị quyết này ủng hộ người Việt-Nam được quyền có một đời sống trong một nền giáo dục và kinh-tế tốt đẹp hơn, và được hưởng tự do dân chủ. Điển hình cho tiềm năng vĩ đại của Việt-Nam là sự thành công về học vấn và kinh-tế của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, như ở khu Little Saigon ở California, là những người yêu tự do, đến nơi đó chỉ có bộ quần áo trên người trong một hoàn cảnh hoảng loạn, nhưng đã tạo một cuộc sống thành công dù phải chịu gian lao khổ cực. Nay họ đã có đời sống sung túc, trở thành những công dân tuyệt vời của xứ sở Hoa-Kỳ. Điều này cho thấy rõ ràng tự do và dân chủ quan trọng ra sao cho sự thành công của một cộng đồng, một xã hội, so với những người Việt-Nam còn trong nước, vẫn khổ đau và nghèo đói trong áp bức và độc tài. Nghị quyết này bày tỏ sự hy vọng một ngày nào đó người dân Việt-Nam cũng được hưởng nền tự do như những người Việt đi Hoa-Kỳ sau năm 1975 đã được hưởng. Nghị quyết kêu gọi nhà cầm quyền Hà-Nội thiết lập một thời biểu cho một cuộc tuyển cử tự do. Nay là lúc chế độ Hà-Nội phải hòa giải hòa hợp với chính người dân của họ, cho người dân được tự do chọn lựa những người lãnh đạo địa phương và toàn quốc, mà không bị đe dọa, bị sợ hãi. Nghị quyết này cũng ca ngợi cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Nam Cali cũng như trên toàn nước Mỹ đã đóng góp, gây quỹ để xây dựng tượng đài đầu tiên để tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ Hoa-Kỳ, Việt-Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì lý tưởng tự do cho vùng Đông Dương, với cuộc chiến diễn ra tại Việt-Nam. Dân biểu Loretta Sanchez của Nam California được nhường giờ phát biểu, bà nói:- Những người Việt-Nam liều mình đi tìm cuộc sống tự do no ấm cho gia đình và con cái, đã xây dựng được cuộc sống tốt đẹp ở nơi đây. Sau 25 năm qua, nay là lúc cần nói lên lời vinh danh các chiến sĩ Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã hy sinh cho lý tuởng tự do cho Việt-Nam. Quốc Hội Hoa-Kỳ có nghĩa vụ phải ca ngợi những con người đã chiến đấu cho tự do và dân chủ ở Việt-Nam. Trong phần phát biểu của Chủ tịch Ủy Ban công tác quốc tế, dân biểu Chris Smith của bang New Jersey nói rằng ông đã đến Việt-Nam và gặp được Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, là một nhà đấu tranh dân chủ rất sáng suốt cũng như Gíao sư Đoàn Viết Hoạt, cả hai từng là tù nhân chính-trị. Nhà ông Quế bị theo dõi điện thoại, đi đâu cũng có người đi theo, không còn gì tự do. Chính phủ Hoa-Kỳ đã có thể làm tiến trình đổi mới chính-trị ở Việt-Nam nhanh chóng hơn bằng cách sử dụng đòn bẩy thương-mại, buộc Việt-Nam phải cải tổ dân chủ tự do để đổi lấy những quyền lợi kinh-tế. Ông đòi hỏi Việt-Nam phải lập tức phóng thích mọi tù nhân chính-trị và tôn giáo dù Việt-Nam nói rằng không có tù chính-trị. Ông nói tiếp:- Việt-Nam phải chấm dứt việc phá sóng Đài Á Châu Tự Do, là đài phát thanh đem lại cho người dân Việt-Nam những thông tin mà nếu người Việt-Nam được quyền tự do bày tỏ ý kiến thì họ cũng đã phát thanh những thông tin như vậy. Dân biểu Tom Davis của bang Virginia nhắc đến nhũng cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ nhân dịp 30 tháng Tư năm nay, và kết luận: những người Mỹ đã rời bỏ quê hương để chiến đấu cho dân chủ và tự do của Việt-Nam, điều đó phải được tôn vinh như sự hy sinh cao quý nhất.Qua phần biểu quyết, Hạ-Viện Hoa-Kỳ đã đồng ý chấp thuận nghị quyết 295 về nhân quyền và tự do cho Việt-Nam, với tỉ lệ 421 phiếu thuận và 3 phiếu chống.