Lời giới thiệu: Trong một diễn biến liên quan đến Việt Nam, hôm thứ Tư vừa qua, tại cuộc hội thảo do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức ở Washington, ông Đại sứ Mỹ Pete Peterson đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay là thiếu can đảm. Đặc phái viên Arin Basu của Đài Á Châu Tự Do có bài tường thuật về cuộc hội thảo đó, Lê Dân chuyển ngữ...Hôm thứ Tư tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, phát biểu trong khuôn khổ chương trình "Diễn Đàn Mở" được đề xướng bởi Ngoại trưởng Madeleine Albright, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Douglas "Pete" Peterson nhận xét trong thời gian 3 năm ông đảm nhận chức vụ Đại sứ ở Hà Nội, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã được cải thiện hơn trước. Dù chưa hoàn hảo, nhưng hiện nay đã có nhiều tự do hơn. Ông Peterson nói: "Tôi đã chứng kiến điều đó. Những vụ bắt bớ hàng loạt các người bất đồng chính kiến, các biện pháp giới hạn khắc nghiệt, đã không còn diễn ra".Ông nói tiếp rằng về phương diện tự do tín ngưỡng, tình hình cũng được cải thiện khá đáng kể. Đã có thêm một số nhà thờ "được phép" hành đạo và nhà cầm quyền cũng nới lỏng các quy định giới hạn việc thờ phượng cho các tôn giáo khác.Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa vận dụng hết tiềm năng kinh tế và xã hội để phát triển và tăng trưởng nhanh hơn. Theo ông Peterson thì sự chênh lệch giữa tiềm năng và thực tế rất lớn. Ông công nhận rằng: "Tôi khó mà tìm được một quốc gia nào khác đang trong thời kỳ phát triển mà lại không cần quan tâm đến năng lượng hoặc lương thực..."Trong thực tế, Việt Nam không những tự túc về lương thực và năng lượng, mà còn đủ sức xuất khẩu nữa. Lại còn dân số trẻ trung của Việt Nam, mà hơn 65% ở dưới độ tuổi 26, ông Peterson nhận xét rằng họ có trình độ, thông minh và hết sức cầu tiến. Thế mà Việt Nam vẫn tiếp tục sa sút về kinh tế và xã hội so với các lân quốc ASEAN. Nên ông phải thú nhận rằng: "Trợ giúp người Việt Nam đến thành công có lẽ là công việc gian nan nhất tôi chưa từng gặp..."Ông giải thích vì Việt Nam vẫn còn thái độ nghi kỵ người Mỹ. Dù rằng từ khi kết thúc chiến tranh đến nay, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến một chặng đường dài. Hai bên đã phối hợp thành công chương trình MIA tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, mối quan hệ quân sự đã khởi đầu tốt đẹp qua việc Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen đến viếng thăm Việt Nam và về mặt ngoại giao thì nay Hoa Kỳ đã có đại diện ở cả Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh.Tuy nhiên, thỏa ước mậu dịch song phương giữa hai nước vẫn còn bị sa lầy. Hồi tháng Bảy năm ngoái, hai nước đã thỏa thuận về thể thức và dự liệu Hiệp định chính thức sẽ được ký kết vào tháng 11, nhân hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu- Thái Bình Dương ở Auckland thuộc New Zealand. Mong ước đó không thành, nên triển vọng về Thương ước đã phai nhạt. Ông Peterson cho biết văn bản chính thức đã được soạn thảo bằng Việt ngữ lẫn Anh ngữ, nhưng phía Việt Nam lại không chuẩn y, mới đây còn gởi một bức thư xin thương thuyết lại một số điều khoản, và phía Hoa Kỳ đang soạn thảo thư trả lời chính thức.Vẫn theo ông Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, vì chậm trễ nên Việt Nam đánh mất cơ hội to lớn để phát triển kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam sẽ không có tính cạnh tranh vì không tham gia vào nền mậu dịch toàn cầu, dẫn đến hậu quả là không học hỏi được những hiểu biết cần thiết trong lãnh vực kinh tế hiện đại. Ông nhấn mạnh rằng: "Vì thế mà có tình trạng bế tắc như hiện nay, vào lúc chúng ta hết sức giúp người Việt và nước Việt Nam thành công, thì giới lãnh đạo của họ thật sự không có đủ can đảm để quyết định tiến thêm một bước cần thiết..."Cũng tại buổi hội thảo ở Bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Ernest Bower, Chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Mỹ-ASEAN, phát biểu trên quan điểm thương mại rằng Việt Nam vốn là một ly nước đầy, bị vơi đi phân nửa. Theo ông, kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam trộn lẫn thành công và thất bại. Mậu dịch hai chiều với Hoa Kỳ trong năm 1999 đạt khoảng 900 triệu đôla, tức tăng gần 1/4 so với năm 1997, và số hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chiếm gấp 2 lần số lượng hàng nhập của Mỹ. Vẫn theo ông Bower, chỉ số tăng trưởng kỹ nghệ của Việt Nam năm 1999 tăng gần 10%, dù rằng vẫn còn thua kém so với những năm trước đó. Ngày nay, ngoại thương là 81% sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, tức tăng gấp đôi so với hai năm trước.Tuy nhiên, ông nêu rõ rằng số lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức FDI, không gia tăng, việc giải tư các lãnh vực kỹ nghệ vẫn còn trì trệ và nền kinh tế vẫn bị lệ thuộc vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước quá nhiều. Trong lúc Việt Nam đang cố gắng phát triển khu vực tư doanh, thì những biện pháp cần thiết cải tổ lãnh vực tài chánh không được áp dụng đúng mức, khiến một số doanh nghiệp nước ngoài phải rút lui. Ông nói rằng: "Tôi đã chứng kiến nhiều thành viên của Hội Đồng rút ra khỏi Việt Nam để giới hạn thua lỗ, các doanh gia đó từng hăm hở tiến vào thị trường nước này với những dự kiến thiếu thực tế ngay sau khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao..."Các thất bại ngắn hạn đó dĩ nhiên chẳng thích thú gì cho doanh giới Mỹ, nhưng theo ông Bower, thì thất bại đó còn tệ hơn cho Việt Nam, vì quốc gia này đánh mất nguồn đầu tư quý báu và mất luôn cơ hội học hỏi kỹ thuật hiện đại khi các công ty nước ngoài rút lui, hay thu hẹp hoạt động.Cũng phát biểu trong buổi hội thảo ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Đại sứ Mỹ ở Thái Lan William Itoh trình bày về triển vọng của Việt Nam trong khu vực. Ông cho rằng khi Việt Nam đang cố hội nhập vào cộng đồng khu vực và toàn cầu qua việc gia nhập ASEAN và ARF, cùng với việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thì chính Việt Nam phải tự quyết định làm sao để có khả năng tham gia. Điển hình là tư cách thành viên ASEAN của Việt Nam, mà theo ông Itoh, Việt Nam cần phải làm những gì để tuân thủ và gia nhập Khu Vực Mậu Dịch Tự Do của ASEAN trong vài năm tới. Ông nói: "Theo thể thức thu nhận Việt Nam vào Tổ chức ASEAN thì họ được hưởng thời gian chuyển tiếp, sau năm 2003, Việt Nam phải áp dụng những biện pháp tự do mậu dịch như các lân quốc khác".Ông đại sứ William Itoh của Hoa Kỳ tại Thái Lan nhấn mạnh rằng Thỏa hiệp Thương mại với Hoa Kỳ có tầm quan trọng quyết định không những đối với doanh giới Mỹ, mà còn là tín hiệu cho doanh giới quốc tế biết, rằng Việt Nam quyết tâm cải tổ và phát triển.