Tranh giành quyền lực trong đảng CSVN trước Đại Hội 9

Lời giới thiệu: Bên dưới lớp vỏ đoàn kết và ổn định chính trị ở Hà Nội là những cuộc tranh đấu quyết liệt giữa nhiều thành phần trong đảng Cộng Sản Việt-Nam, trước ngày khai mạc đại hội 9 sang năm. Các khuynh hướng khác biệt đó chủ trương ra sao, và lãnh vực nào đang diễn ra những cuộc tranh giành ảnh hưởng mạnh mẽ nhất? Phái viên thường trú tại Hà Nội của báo South China Morning Post, ký giả Huw Watkin, nêu ra một số nhận định xoay quanh các vấn-đề vừa nêu. Việt-Long lượt thuật như sau...Đại Hội 9 đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng 5 sang năm được coi như đại hội quan trọng nhất từ khi đổi mới vào năm 1986 tới nay. Nhưng chẳng khác gì các đại hội trước, lần này đại hội 9 cũng không làm gì hơn là gật gù khỏi bàn cãi, rồi hợp thức hóa chính sách đã được Đảng định trước cho 5 năm tới. Tuy vậy, ngay lúc này thì lại đang diễn ra những tranh chấp sôi nổi để đưa đến cái chính sách đó, và cũng là lúc các đảng viên cao cấp lo vận động sự ủng hộ để bảo vệ cho chức vụ của họ trong đảng và trong chính quyền. Trước hết và nặng nhất trong các mối lo của đảng Cộng Sản Việt-Nam là lãnh vực kinh tế. Các điều khoản trong luật đầu tư có thể tạo cho Việt Nam một hình ảnh mới về một môi trường đầu tư hấp dẫn và sạch sẽ hơn, cũng là một trong những đề tài tranh chấp trong nội bộ đảng. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần trước công khai kêu gọi tái tục các vòng thương lượng về hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ, là mối lợi lớn mà đã để vuột mất đến hết năm nay chỉ vì một ý kiến bảo thủ trong bộ chính trị. Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá cảnh giác các đảng viên khác về khuynh hướng bênh vực bao che cho ngành quốc doanh. Ông Giá nói rằng cái thái độ thâm căn cố đế đó là trở lực mạnh mẽ của ngành kinh tế tư doanh. Mặc dù các lời tuyên bố và thái độ công khai là thế, nhưng vẫn có những dấu hiệu đối nghịch và thói quen lâu đời là thi hành mọi chính sách một cách thiếu minh bạch khiến giới quan sát và giới đầu tư khó lòng đoán trước được chuyện sắp tới. Vì vậy nên họ chưa mấy thay đổi thái độ ngần ngại. Chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer của Trung Tâm Á Châu - Thái Bình Dương nghiên cứu về an ninh, nhận xét về hai đối lực trong chính trường Việt Nam như sau. Ông nói phe bảo thủ vẫn còn mạnh và bám chặt những tư duy cũ. Vì vậy họ không nhận thức được những đổi thay vô cùng lớn lao trong bản chất quan hệ quốc tế, và sự vận hành của nề kinh tế toàn cầu mới. Tuy nhiên, ông Thayer nói tiếp, có những đảng viên khác đang theo dõi chặt chẽ đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc. Những người này tin là đại hội 9 sang năm giữ vai trò quan trọng sinh tử và chính sách đưa ra sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Việt Nam trong nhiều năm tới. Giáo sư Thayer cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay lấy phát triển kinh tế làm thước đo tính cách chính đáng của vai trò cầm quyền. Họ phải đem lại tỉ lệ tăng trưởng cao để biện minh cho quyền lực đó, và đồng thời cũng khiến người dân kỳ vọng rằng phát triển kinh tế từ nay vĩnh viễn thay thế sự nghèo đói. Cho nên nếu đảng Cộng Sản không hoàn tất được sứ mạng đó, họ sẽ không còn lý cớ chính đáng để lãnh đạo. Ký giả Huw Watkin viết tiếp, bản chất che kín mọi việc và cung cách chính trị mờ ám của Đảng này thường hay phê phán những nhận định như vậy là cường điệu hay có ác ý. Thêm vào đó ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lại dội môt gáo nước lạnh vào triển vọng cởi mở kinh tế khi tuyên bố lửng lơ rằng cần đổi mới kinh tế nhưng cuộc cách mạng ở Việt Nam phải đi theo con đuờng chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Rồi đến lượt Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lại nói nước đôi, rằng tuy chính quyền thực sự muốn từ bỏ quyền sở hữu Nhà nước, nhưng vẫn quyết tâm phát triển các xí nghiệp quốc doanh. Những lối mờ ảo nửa vời như vậy khó xây dựng được lòng tin của giới đầu tư. Họ cho đó là biểu hiện của đầu óc tự cô lập, khi còn nhiều người trong tầng cấp lãnh đạo chỉ nhìn vào những chi tiết mà không có nhãn quan toàn cầu. Vấn đề kkhông còn là đổi mới hay không nữa, mà là nhịp độ của công cuộc đổi mới. Tình hình kinh tế hiện nay đòi hỏi hành động cương quyết. Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam, mức đầu tư trong quý một giảm 26% so với cùng thời gian năm ngoái, nhu cầu tiêu thụ giảm 2,3%, mức tăng truởng bằng nửa của giữa thập niên 1990, nền kinh tế hằng năm phải gánh hơn 1 triệu người thất nghiệp...Chuyên gia Thayer cho đó là dấu hiệu của những khó khăn cơ bản, không chỉ là vì chính sách. Những vấn đề cơ bản về cấu trúc đang cản trở mức phát triển kinh tế cho tương lai. Sự kiện Đảng nắm hết quyền hành chánh là một vấn đề về cấu trúc. Nhiều người trong đảng vẫn ôm lấy lý thuyết kinh tế Mác-xít, sợ sự thay đổi sẽ kéo đổ địa vị đặc quyền của họ. Một số chuyên viên trẻ điển hình cho lớp người mới bất mãn trước tình trạng bảo thủ trì trệ đó. Họ nói rằng sự tiến thân trong đảng không dựa trên khả năng mà trên tuổi đảng, muốn tiến thủ thì phải vào đảng, để rồi ở đó những người trẻ này lại phải suy nghĩ rập khuôn theo những người già bảo thủ.Các nhà ngoại giao có nghe tin là chiến dịch trong sạch hóa hàng ngũ đảng viên do ông Lê Khả Phiêu phát động là nỗ lực của ông để tiếp tục trận đấu giành lấy quyền kiểm soát Bộ Chính Trị từ những đảng viên lãnh đạo khác, hầu có thể đưa đường lối chiến lược đi hẳn về một hướng, giữa mở cửa hay đóng cửa. Tuy nhiên giới ngoại giao cũng dè dặt nhận định là trong thời kỳ tiền đại hội, thường có nhiều tin đồn đuợc tung ra vì nhiều mục đích khác nhau giữa các nhà lãnh đạo.