Lời giới thiệu: Khi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật cho đất nước cộng sản cô lập, cổ lỗ, và đa nghi của ông bắt đầu hội nhập vào cộng đồng thế giới, thì nhiều nhà phân tích cho rằng ông sẽ bị lôi cuốn, nhiều hơn là ông dự tính. Nhận định này vừa được tạp chí Kinh tế Viễn Đông đưa ra trong số phát hành cuối tuần rồi. Lê Dân lược thuật sau đây...Sau một loạt những diễn biến xảy ra gần đây liên quan đến hai miền Nam và Bắc Hàn, lãnh tụ Kim Chính Nhật đã gột rửa được hình ảnh cũ của ông trên trường quốc tế, như một người tự cô lập, ngăn cách đất nước nghèo túng của ông với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, chưa có gì cụ thể để đoan chắc rằng chính sách của Bình Nhưỡng sẽ thay đổi thật sự.Bài nhận định trên tạp chí Kinh tế Viễn Đông cho rằng nếu thật tâm cởi mở, và tiến trình cải cách vẫn giữ tốc độ nhanh chóng như hiện nay, thì ông Kim Chính Nhật có thể vô tình khởi động những sự đổi thay to lớn khác mà ông chưa sẵn sàng đối phó.Nếu so với nền kinh tế tập trung kế hoạch của Bắc Hàn hiện nay thì nền kinh tế của thế giới bên ngoài hoạt động với một vận tốc chóng mặt, và có khả năng thay đổi quốc gia cộng sản này một cách sâu xa, không níu kéo được. Sau cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nam Bắc Hàn, Washington giải tỏa một số biện pháp cấm vận đối với Bắc Hàn, miễn giảm các giới hạn về đầu tư và cho phép trực tiếp chuyển hoán tài chánh, thương mại với Bình Nhưỡng. Sau đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright lần đầu tiên cho biết sẽ ủng hộ việc Bắc Hàn gia nhập các định chế tài chánh quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu- Thái Bình Dương .Bài nhận định của tạp chí Kinh tế Viễn Đông cho biết là dĩ nhiên, Bắc Hàn có thể rút kinh nghiệm hội nhập thế giới từ các nước cộng sản đi trước. Chẳng hạn như gương Liên Xô, phải cải tổ sau khi sụp đổ bất ngờ, hay gương Đông Đức, đập đổ toàn bộ đến nỗi khó xây dựng lại, hay gương Trung Quốc, mở cửa thị trường nhưng bị nạn tham nhũng lan tràn, hoặc theo gương Việt Nam, cải tổ nửa vời vì bất nhất và cẩn thận. Sự hội nhập của Bắc Hàn vào cộng đồng thế giói vì thế mà chứa đựng nhiều thách đố, đối với cơ cấu lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, lẫn sự ổn định xã hội.Bản thân ông Kim Chính Nhật có thể sẽ phải trả một giá khá cao. Cách nay mới 3 năm, hàng triệu người Bắc Hàn chết đói và hàng trăm ngàn người liều chết trốn sang Trung Quốc kiếm ăn, khiến chế độ của ông suýt rơi vào vực thẳm.Chế độ đó đã được thế giới bên ngoài cứu vãn bằng những lượng viện trợ lương thực và dầu khí khổng lồ. Nhờ đó, ông Kim Chính Nhật đã có thể củng cố thế lực và gia tăng quyền kiểm soát quân đội. Vì thế, mà điều trớ trêu là lãnh tụ Kim Chính Nhật nhờ sự yểm trợ của bên ngoài, mới đứng vững được ở bên trong.Hiện nay, muốn tiếp tục được hưởng sự trợ giúp của quốc tế, Bắc Hàn phải tăng ngân sách cải tạo nền kinh tế, và giảm chi tiêu về quân sự. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ là tạo bất mãn nơi cấp lãnh đạo quân đội, và đe dọa địa vị độc tôn của ông Kim Chính Nhật.Nhà lãnh tụ Bắc Hàn giờ đây muốn thoái lui cũng không được. Quốc tế sẽ không trợ giúp nếu Bình Nhưỡng không thật sự góp công đắp xây nền an ninh khu vực Đông Á. Họ sẽ phải tiết giảm hoặc đình chỉ các chương trình chế tạo võ khí nguyên tử và phi đạn, đồng thời phải tài giảm lực lượng võ trang ở vùng phi quân sự chia đôi đất nước, mới mong được Nam Hàn giúp tái thiết.