Biến động tại Nam Định

Lời giới thiệu: Sau khi ban Việt ngữ đài Á châu Tự do loan tin về biến động tại Đắc Lắc với sự tham dự của 150 người thuộc sắc tộc Êđé vào mùng Tám vừa qua, bộ Ngoại giao Hà Nội đã phải xác nhận tin này, nhưng nói thêm rằng họ đã làm chủ tình hình từ hôm Thứ Năm. Thực ra, vụ sắc tộc Êđé nổi loạn này không là biến động duy nhất, và, như chúng tôi đã loan báo tối hôm qua, tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy của tỉnh Nam Định, vừa qua cũng đã có vụ nông dân nổi loạn, chiếm đóng Ủy ban Nhân dân và bắt giữ hai huyện ủy trong năm ngày. Vụ này đã được tiết lộ do một tài liệu lưu hành trong nội bộ đảng. Vụ việc ra sao, Trương Hà xin lược sau đây...Từ mấy năm nay, người dân trong nước nói nhiều tới những biến động xã hội là vụ nông dân các tỉnh nổi dậy, từ Thái Bình ngoài Bắc tới Đồng Nai trong Nam. Vì tin tức còn bị kiểm soát, nhiều khi dư luận không thể biết hết nội vụ, nên đa số đều cho rằng biến động sở dĩ xảy ra cũng do phản ứng bất mãn của dân chúng đối với nạn cường hào ác bá địa phương. Nếu sự việc chỉ có vậy thì vấn đề giải quyết thực ra không khó: chỉ cần công khai điều tra và nghiêm khắc trừng trị các viên chức địa phương phạm tội tham ô, cửa quyền và hành hiếp dân chúng, là nhà nước đã có thể làm nguôi nỗi giận của người dân. Nhưng, dường như là những biến động trên không chỉ có nguyên nhân cục bộ như vậy, mà có thể phản ảnh một tình hình bấp bênh hơn, xuất phát từ cơ chế chính trị trong nước.Điều này đã được gián tiếp xác nhận qua vụ biến động Nam Định, xảy ra hồi tháng Sáu vừa qua, mãi tới giờ đây mới được tiết lộ ra ngoài, qua một tài liệu nội bộ của một số đảng viên địa phương. Vụ việc ra sao, chúng ta cần kiểm lại cho rõ ràng trước khi có thể nêu ra một vài kết luận. Nói cho ngắn gọn, thì một số dân cư tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy của tỉnh Nam Định đã lên huyện bắt một huyện ủy kiêm trưởng ban tổ chức về giam tại Ủy ban Nhân dân Xã. Khi một huyện ủy khác tới điều đình thì cũng bị bắt nhốt luôn. Sau năm ngày căng thẳng như vậy, cuối cùng chính quyền huyện phải thỏa mãn một số yêu cầu của xã để đổi lấy việc trả tự do cho hai viên huyện ủy. Xã Hồng Thuận đó yêu cầu những gì, đòi hỏi những gì mà phải có hành động táo tợn như vậy? Số là, ngày 28 tháng Tư vừa qua đã có bầu cử Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân xã Hồng Thuận. Người dân địa phương đã bầu lên một số người tài đức trong vùng để lo việc xã, nhưng sự chọn lựa đó lại không được đảng bộ chấp nhận. Và chẳng những kết quả bình bầu bị hủy bỏ mà đảng bộ còn áp đặt ra một chính quyền xã gồm những người không được bà con tín nhiệm. Sau vụ đó, dân trong xã đã đầu đơn khiếu nại nhưng chẳng được cứu xét trong suốt hai tháng. Đến ngày 19 tháng Sáu vừa rồi, dưới sự lãnh đạo của ông Trần Văn Hệ, một đại tá phục viên, và ông Trần Đình Thuyên, một cựu chủ nhiệm hợp tác xã, nhân dân xã Hồng Thuận bắt đầu có phản ứng.Họ kéo nhau lên trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy, bắt ông Bùi Quốc Tịch là Ủy viên huyện kiêm Trưởng ban Tổ chức giải về giam tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, ở cách huyện lỵ trên ba kilômét. Đến khi ông Lê Song Hào, Ủy viên kiêm Chánh văn phòng huyện xuống tới trụ sở xã điều đình thì cũng bị dân chúng địa phương bắt giữ luôn. Hai bên đã qua năm ngày giằng co như vậy, cuối cùng chính quyền huyện đành phải nhượng bộ và chấp nhận mọi yêu cầu của nhân dân xã Hồng Thuận để xin trả tự do cho hai viên chức của huyện. Cụ thể là không truy tố và tái chiếm trụ sở xã. Duy có vấn đề cơ bản, là quyền lãnh đạo xã sẽ thuộc về ai thì vẫn chưa có hướng giải quyết, và nhân dân xã tiếp tục chiếm đóng Ủy ban Nhân dân xã.Vấn đề này thực ra nghiêm trọng vì làm nổi bật mâu thuẫn cơ bản giữa lời nói và việc làm trong quan niệm "nhân dân làm chủ". Nếu dân trong xã bầu ra người lo việc xã mà trên huyện lại áp đặt người khác thì quyền làm chủ của xã chỉ là vô nghĩa. Vấn đề lại có tầm ảnh hưởng hơn nữa, khi tin trong nước cho biết là hai ông Bùi Quốc Tịch và Lê Song Hào thực ra lại có cảm tình với lập trường của nhân dân xã, nên đã tình nguyện bị bắt để tạo thêm sức ép lên huyện. Nói chung, đa số các huyện ủy viên đều ủng hộ lập trường của xã nên mới gâp áp lực khiến đảng bộ trên huyện phải nhượng bộ. Vì vậy, vấn đề không chỉ là tranh chấp giữa hai cấp xã và huyện mà là tranh chấp trong nội bộ đảng ở địa phương.Điều đáng chú ý hơn nữa là một số đảng viên địa phương hình như chưa nhìn ra sự thể như vậy. Trong một tài liệu được phổ biến cho nội bộ vào tháng Bảy vừa rồi, họ đã kể lại vụ việc với nhãn quan lệch lạc và lời lẽ thô bỉ. Về lời lẽ, họ gọi người dân nộp đơn khiếu nại là "bọn đầu đơn", gọi dân tranh đấu là, chúng tôi xin đọc nguyên văn, "tập hợp những tên côn đồ đào ngũ, những phần tử chống đối có tiền án tiền sự, cùng một lũ đàn bà gái góa, phần lớn là loài trốn chúa lộn chồng". Họ còn xuyên tạc tôn giáo khi nhấn mạnh dân tranh đấu đó là Công giáo, là Maphia Đức Quốc xã mới. Tệ hơn vậy, họ xúc phạm người dân khi tục tằn viết là "bọn côn đồ lưu manh gái góa tiếp xử hai vị quan trên huyện". Người ta không thể quên, rằng hôm nay là ngày kỷ niệm biến cố gọi là Cách mạng Tháng tám, xảy ra ngày 19 tháng Tám, năm 1945, cách đây đúng 55 năm. Biến cố này chẳng là một cuộc cách mạng long trời lở đất như người Cộng sản thường đề cao sau này, mà chỉ là một vụ cướp chính quyền không đổ máu khi chính quyền đã bị vứt xuống đất. Trái lại, vụ Nam Định mới thực sự là biến cố có ý nghĩa và đáng chú ý. Nó là biểu hiện của một quy luật đấu tranh mà người Cộng sản tưởng như đã thuộc nằm lòng, là quyền lực thuộc về người dân. Trong hoàn cảnh khác, họ đã có thể từ vụ Nam Định mà liên tưởng tới Công xã Paris hay nhiều trường hợp cướp chính quyền từ cơ sở lên tới thượng tầng... Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp trở lại vụ Nam Định này...