Chính sách dồn các sắc tộc vào địa khu riêng

Lời giới thiệu: Ngày 11 và 12 tháng 8 vừa qua, đài Á Châu Tự Do liên tiếp loan tin vụ 150 người dân sắc tộc Êđê tỉnh DakLak đã tấn công một thôn người di dân từ Bắc vào. Đến ngày 17, các thông tấn quốc tế có văn phòng thường trực ở Hà Nội đã tiếp xúc với nhà cầm quyền để lấy thêm tin và được xác nhận là vụ này có xảy ra. Chủ tịch huyện Ea H'leo là ông Nguyễn Tấn Quang còn cho biết rằng đây là vụ tấn công tập thể đầu tiên của người dân tộc vào một địa điểm di dân của người Kinh ở Tây Nguyên. Để hiểu thêm về bối cảnh của vấn đề phức tạp này, xin mời quý thính giả nghe bản tường trình của Ban biên tập Đài Á Châu Tự Do về việc thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm dồn các nhóm dân tộc ít người vào sống tại những địa điểm cố định và riêng biệt...Năm ngày sau khi xảy ra vụ người sắc tộc Êđê tấn công tập thể Thôn 8, xã Ea Hiao cách Buôn Ma Thuột 120 km về phía Bắc, Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội cho báo chí biết rằng nội vụ đang được Trung ương xem xét. Một thông báo ngắn được phổ biến hạn chế với nội dung là: "Về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến xô xát, đốt nhà, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra ở xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo, tỉnh DakLak ngày 8 tháng 8, Văn phòng Chính phủ có công văn số 350 ngày 15 tháng 8 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Công an, yêu cầu Bộ chỉ đạo Sở Công an tỉnh ĐacLac có biện pháp ngăn chặn mâu thuẫn xảy ra, sớm ổn định tình hình địa phương, điều tra và xử lý nghiêm khắc các hành động trái pháp luật". Sự việc công văn số 350 nói trên của Thủ tướng Chính phủ Hà Nội trao cho Bộ Công an xử lý vụ DakLak lại một lần nữa xác nhận rằng đảng và chính phủ không bao giờ đếm xỉa đến nguyện vọng của các nhóm dân tộc ít người, mà chỉ biết luôn luôn dùng bạo lực để trấn áp. Ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải bắt người ta phải nhớ lại các biện pháp tàn bạo mà Thượng tướng Đỗ Trọng Lịch đã thi hành hồi năm 1993-1994, khi còn nắm quyền Tư lệnh Quân khu 2 bao trùm vùng tây-bắc. Thời gian đó dư luận quốc tế đã rất bất bình khi được tin tướng Lịch ra lệnh cho các đơn vị quân đội dưới quyền tấn công vào một bản của dân sắc tộc Thái ở tỉnh Sơn La, giết hại một lúc hơn 50 người, trong số đó có 19 trẻ em. Vụ tàn sát nhóm dân tộc ít người này diễn ra hồi tháng 10 năm 1993, tại huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La. Nguyên nhân của vụ tàn sát là vì người dân tộc Thái ở bản làng này không chịu dời bỏ quê hương để đi sống tập trung ở nơi do nhà cầm quyền chỉ định. Các tin tức về vụ tàn sát hiện nay còn được cất giữ trong hồ sơ của nhiều tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền.Kế hoạch di chuyển các nhóm sắc tộc khỏi nơi họ sống để dồn họ vào những điểm tập trung được chính phủ Hà Nội coi là nhiệm vụ chiến lược. Kế hoạch được thi hành trên cả nước, nhằm vào tất cả 53 sắc tộc ởụ miền Bắc và miền Nam. Nhà cầm quyền cộng sản chủ trương rằng không thể để cho người dân các sắc tộc này tiếp tục sống theo kiểu "du canh du cư " như ông cha họ, mà cần đưa họ vào nếp sống "định canh định cư". Nhiều học giả và chuyên gia các Viện nghiên cứu về dân tộc học, về tài nguyên và môi trường, hoặc về khoa học nông nghiệp của Việt Nam đã bao lần khuyến cáo các nhà chiến lược phải rất thận trọng với kế hoạch này. Theo ý kiến của các chuyên gia thì người dân các sắc tộc xưa nay sống trong môi trường thiên nhiên khoảng khoát, nay bị dồn vào sinh hoạt trong không gian thu hẹp tất sẽ rất khó và phải rất lâu mới có thể thích ứng. Một nhà khoa học là Tiến sĩ Hoàng Xuân Tỷ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Rừng và Môi trường đã nói tại một diễn đàn quốc tế rằng: "Các nhóm dân tộc khác nhau ở khắp lãnh thổ Việt Nam đã có thể tồn tại từ bao đời là vì họ đã biết khám phá thiên nhiên để thích ứng với sinh thái rất đa dạng. Các dân tộc đó đã súc tích những hiểu biết của mình, tạo thành một cái vốn rất quý. Nhưng trong khi muốn tiến hành chương trình phát triển vùng cao, người ta đã quên đi cái nguồn vốn kiến thức của người địa phương và đó là một trong những lý do khiến một số chương trình đã không mang lại kết quả mong muốn". Những lời khuyến cáo của các nhà khoa học đã bị các nhà chiến lược gác bỏ ngoài tai, cho nên đã xảy ra nhiều vụ các nhóm người sắc tộc bị bốc đưa đi xa cả ngàn cây số mà vẫn tìm cách trốn về bản làng cũ. Cũng tại tỉnh DakLak, trường hợp người sắc tộc Tày bị bốc từ huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng đưa vào vùng Cao nguyên Trung phần theo chính sách "định canh định cư " có thể coi là điển hình. Theo kế hoạch 5 năm thì từ 1996 đến năm 2000, tỉnh ĐacLac phải tiếp nhận khoảng từ 200 đến 300 gia đình người sắc tộc Tày từ tỉnh Cao Bằng di dân theo diện chính sách. Đầu năm 1997, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng và huyện Hòa An làm lễ tiễn đưa 70 gia đình dân tộc Tày lên đường vào Daklak. Họ được chở bằng ôtô của tỉnh và được trợ cấp ba triệu đồng cho mỗi gia đình. Đến nơi, họ được chỉ định cho sinh sống ở xã Trúc Sơn thuộc huyện Cư Jút và lập thành làng Hòa An. Nhưng ruộng đất để canh tác thì đám dân Tày này đụng vào đâu cũng có người nhảy ra tranh chấp. Dân xã Đắc Rông ở kế bên là những người tranh chấp quyết liệt nhất. Tiêu hết tiền trợ cấp, người Tày di dân phải kiếm ăn qua ngày bằng cách đi làm mướn, đi đào măng rừng, chặt gỗ trộm để bán. Dần dà số 70 gia đình di dân này chỉ còn lại 36 gia đình. Gần một nửa đã đeo balô rách dìu nhau lặn lội về quê cũ ở tận Cao Bằng.Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản là tờ báo Nhân Dân không ngừng đốc thúc các ban ngành ở các địa phương phải gấp rút làm nhiệm vụ định canh định cư dân các sắc tộc cho xong trong năm 2000 này. Bài xã luận của báo Nhân Dân ra ngày 31 tháng Bảy vừa qua cho biết rằng "trên cả nước hiện còn 2 triệu 100 ngàn người đang sống ở 1.206 xã thuộc đối tượng định canh định cư". Bài báo nhấn mạnh rằng làm tốt công tác dồn các nhóm dân sắc tộc khác vào những địa khu riêng biệt chính là "thể hiện sâu sắc tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa".