INTRO: Một tin đáng chú ý khác cũng liên quan đến Việt Nam là tin cho biết Ngân Hàng Thế Giới và các nước đóng góp rất quan tâm đến các kế hoạch cải cách kinh tế mà nhà nước Việt Nam đang cho áp dụng, cũng như sẽ thúc đẩy Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong công tác cải cách kinh tế. Dựa trên một bài viết của Dean Yates thuộc hãng thông tấn Reuter, Phạm Điền trình bày vấn đề trên đến quí vị.VOICE: Vào đầu tháng tới khi gặp nhau tại Paris trong cuộc thảo luận hàng năm, các quốc gia cũng như những tổ chức tặng viện trợ cho Việt Nam sẽ bày tỏ mối quan tâm sâu xa của họ trước việc nhà nước Hà Nội không chịu đẩy mạnh các kế hoạch nhằm phát triển kinh tế. Đó là lời cảnh cáo mà ông Andrew Steer, đại diện cho Ngân Hàng Thế Giới ở Việt Nam mới đưa ra ngày hôm nay.Ông Steer nói là số tiền mà Việt Nam được trợ giúp sẽ ít hơn số tiền 2 tỷ 400 triệu đô la mà các nước đã hứa hồi năm ngoái. Tuy nhiên, ông cho biết đây không phải là biện pháp trừng phạt mà các nước cũng như các tổ chức viện trợ áp dụng với Việt Nam, và giải thích thêm là nhiều quốc gia đóng góp hiện đang gặp khó khăn, do đó, không thể đóng góp những ngân khoản mà họ đã hứa trước đây. Tuy nhiên người điều hành văn phòng đại diện cho ngân hàng thế giới tại Việt Nam không nói rõ số tiền mà Việt Nam sẽ nhận được là bao nhiêu.Đề cập đến tình trạng cải tổ kinh tế ở Việt Nam, ông Steer nói rằng mặc dầu Việt Nam đã có vài bước tiến đáng kể, nhưng mức độ cải tổ vẫn còn quá chậm chạp, khiến cho nhiều quốc gia ngần ngại không muốn bỏ thêm tiền giúp cho Việt Nam nữa. Ông nói thêm là ở phiên họp tại Paris, đại diện của những quốc gia và các tổ chức trợ giúp cho Việt Nam sẽ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cải tổ, và đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh các chương trình này.Phiên họp này cũng sẽ quyết định lại phương cách giúp đỡ cho Việt Nam, một quốc gia từng được xem là một thị trường đầu tư tốt, nhưng nay thì chính các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng chính sách kinh tế trì trệ mà Hà Nội đưa ra đã cản trở kế hoạch kinh doanh của họ rất nhiều.Hà Nội vẫn thường tuyên bố sẽ thực hiện cải tổ theo cách thức của họ, mặc dầu một số kinh tế gia tiên đoán là sẽ có những biến chuyển lớn trước khi Việt Nam có thể tiến tới việc chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng yếu kém, loại bỏ chế độ thư lại và diệt nạn tham nhũng.So với mức tăng trưởng 8,8% năm ngoái, hiện nhà cầm quyền Việt Nam chỉ có thể nhắm tới mức tăng trưởng 6% trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên dựa vào hiện tình kinh tế của Việt Nam, các kinh tế gia lại cho rằng khó có thể đạt được chỉ tiêu này. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, mức phát triển của Việt Nam trong năm 1998 chỉ từ 3% cho đến 5%.Ông Andrew Steer cũng tỏ ý lo ngại rằng không những chính phủ Việt Nam vẫn chần chờ, không dứt khoát về đường lối và mức độ cải tổ, mà dường như đang tự mãn, cho rằng rằng kinh tế Việt Nam dầu sao cũng còn khá hơn các nước khác trong khu vực đang bị suy thoái nặng nề. Ông Steer nhấn mạnh rằng ngay việc dậm chân tại chỗ của kinh tế Việt Nam cũng sẽ mang lại nhiều hệ lụy về lâu về dài, bởi vì trong lúc các quốc gia Á Châu khác đang cố gắng vươn ra khỏi khủng hoảng kinh tế để trở nên hùng mạnh hơn trong vòng vài năm tới thì Việt Nam lại mất đi một cơ hợi tốt để thăng tiến.Theo lời ông, để thúc đẩy phát triển, Việt Nam phải chú trọng đến những biện pháp cải tổ nông thôn, chính sách mà đảng và nhà nước đã đề ra và đặt ưu tiên thực hiện trong những năm trước mắt. Một lãnh vực khác mà ông khuyến khích Việt Nam phải thực hiện là tự tăng cường khả năng tài chánh bằng cách kêu gọi dân chúng bỏ tiền vào ngân hàng, để bù đắp thiếu hụt ngoại tệ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện Hà Nội phải chỉnh đốn lại các định chế ngân hàng và tài chánh, để tạo niềm tin nơi dân chúng.Một vấn đề quan trọng khác nữa mà ông Andrew Steer cũng nói tới là thay vì tìm cách hạn chế nhập khẩu như nhà nước mới quyết định hồi cuối tháng trước, thì Việt Nam cần phải tăng cường mức cạnh tranh xuất khẩu với các quốc gia khác trong vùng.