BẢN PHÚC TRÌNH THƯỜNG NIÊN CỦA HUMAN RIGHTS WATCH VỀ TÌNH TRẠNG NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM NGUYỄN KHANH/RFA

Trong 4 trang dành để nói về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, tổ chức Human Rights Watch gọi việc nhà cầm quyền Hà Nội quyết định trả tự do cho một số nhân vật bất đồng chính kiến hồi đầu tháng 9 vừa qua là điểm đáng chú ý tới nhất trong năm 1998. Trong số những người được thả, có Hòa Thượng Thích Quảng Độ, thượng tọa Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sĩ, các tu sĩ công giáo như tu sĩ Phao Lồ Nguyễn Châu Đạt, tu sĩ Tadeo Đinh Viết Hiếu của Dòng Đồng Công, và các ông Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, những người đã được thế giới ca ngợi là những tù nhân lương tâm tiêu biểu của Việt Nam.Tuy nhiên, bản phúc trình nhấn mạnh là song song với việc trả tự do cho một số tù nhân chính trị, tình trạng nhân quyền trong nước vẫn chưa được cải thiện, và đưa ra những dẫn chứng cho thấy người dân Việt vẫn chưa được hưởng những quyền tự do căn bản, chẳng hạn như vẫn chưa có tự do báo chí, chưa có tự do thành lập nghiệp đoàn, chế độ lao tù vẫn như cũ, và ngay cả việc cải tổ luật pháp cũng không tiến triển được bao nhiêu. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người bị nhà nước quản thúc hay kiểm soát dưới hình thức này hay hình thức khác, chẳng hạn như các ông Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, nhà thơ Bùi Minh Quốc, hay ông Nguyễn Hộ. Đạo Luật 31/CP cũng vẫn tiếp tục được thi hành, cho phép công an nhà nước được quyền bắt giam người dân bất kỳ lúc nào nếu thấy cần thiết, cũng như được quyền giam giữ người dân tới 2 năm mà không phải đưa ra tòa xét xử.Bản phúc trình cũng ghi nhận là trong năm nay, những vụ biểu tình chống đối tham ô cửa quyền do nông dân Việt Nam tổ chức vẫn tiếp tục diễn ra, và hơn bao giờ hết, giới trí thức cũng như những các cán bộ cách mạng lão thành đã đua nhau lên tiếng đòi hỏi đảng và nhà nước phải dân chủ hơn, phải cải cách kinh tế và phải cho người dân được hưởng quyền tư do ngôn luận, tự do báo chí. Nhiều lá thư của các nhân vật này đã được Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do phổ biên trên Đài, để quý thính giả trong nước được biết.Cũng trong bản phúc trình này, tổ chức Human Rights Watch đã nói đến việc Hà Nội đồng ý cho ông Adelfattah Amor, điều tra viên về tự do tôn giáo của Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam, để điều tra về tình trạng tự do tín ngưỡng, và cho là rất có thể, viêc ông Amor đến Việt Nam là một trong những lý do khiến cho Hà Nội quyết định trả tự do cho một số tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, bản phúc trình đã quên nói đến sự kiện ông Amor không được tiếp xúc với những người mà ông muốn gặp, hoặc nếu có, thì luôn luôn có sự hiện diện của công an. Ngay chính ông Amor sau khi rời Việt Nam cũng đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng của ông.Bản phúc trình đã dành tới một trang để nhắc lại những cuộc biểu tình của người dân Việt Nam trong năm vừa qua, chẳng hạn như các vụ biểu tình ở Đồng Nai, Xuân Lộc trong Nam, ở Quãng Ngải thuộc miền Trung, ở Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa tại miền Bắc. Những cuộc biểu tình này đã không được báo đài trong nước phổ biến, cho dù báo chí nước ngoài có loan tải và coi đây là một trong những biến chuyển quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Cho đến khi không thể dấu được nữa, nhà nước Hà Nội mới lên tiếng xác nhận sự việc, nhưng đồng thời tìm cách làm nhẹ vấn đề, cho là nhân dân biểu tình chỉ vì một số cán bộ địa phương lộng quyền và nhà nước đã giải quyết ổn thỏa. Điều đáng chú tới là Human Rights Watch đã nhắc tới sự kiện người được đảng cử đi để giải quyết vấn đề là ông Phạm Thế Duyệt, Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, và ông này hiện đang bị nhiều người tố cáo về tội tham nhũng.Về vấn đề tôn giáo, bản phúc trình cho biết hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của các tôn giáo, bắt buộc phải xin phép nếu muốn hoạt động, giới hạn sự di chuyển của các nhân vật lãnh đạo tinh thần, và kiểm soát cả những bải giảng hay những lời phát biểu. Hồi tháng 7 năm nay, Ban Thường Vụ Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ thị cho nhà nước phải thành lập một cơ quan chuyên ấn loát và phát hành kinh sách, cũng với mục đích kiểm soát tôn giáo. Vấn đề tự do báo chí cũng được nói tới trong bản phúc trình này, mở đầu bằng nhận định nói là báo chí vẫn bị kiểm soát chặt chẽ bời nhà nước trong năm 1998, và báo chí không được quyền đăng tải những lời chỉ trích chính phủ hay chỉ trích đảng mà các cựu đảng viên cao cấp hay các cán bộ cách mạng lão thành đã đưa ra. Báo giới nước ngoài đến nay vẫn không được phép đến những vùng mà nông dân biểu tình chống đối tham nhũng như Thái Bình, Đồng Nai, và nhà nước tiếp tục thi hành những điều luật gắt gao, cấm không cho các nhà báo được quyền loan tải những tin tức liên hệ đến kinh tế, ngân hàng, và chỉ thị không được đăng những bài chỉ trích chính sách kinh tế của nhà nước.