THỊ TRƯỜNG QUẢNG CÁO Ở VIỆT NAM THY NGA/RFA

LỜI GIỚI THIỆU: Tại Việt Nam ngày nay, giới tiêu thụ ngày càng gia tăng nhanh chóng, Ngành quảng cáo cũng theo đó mà phát triển mạnh mẽ. Bài viết sau đây dựa theo một bản tin của hãng thống tấn Reuters.XXXXXXXXXXXXXXKhắp các nẻo đường đất nước Việt Nam ngày nay, những tấm bảng quảng cáo đầy mầu sắc, hay sáng choang đèn ống, đua nhau mọc lên để mời chào khách mua các sản phẩm mới nhất, đẹp nhất. Xem ra thì những quảng cáo đó ngày càng lấn lướt các tấm bích chương của Đảng Cộng Sản ca ngợi thành tích công nhân. Ngược dòng thời gian, vào năm 1989, người ta thấy bắt đầu xuất hiện cơ sở quảng cáo đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, thấy đây là thị trường kiếm ăn được, 1 số các công ty quốc tế đã kéo tới, nhất là từ khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận mậu dịch với Việt Nam hồi năm 1994. Các đài truyền hình quốc doanh đã giành nhiều thời lượng cho những quảng cáo tân tiến hơn trước. Ngay đến tờ Nhân Dân cũng đăng quảng cáo, mà gần đây nhất, là dành cả trang cho chương trình vận động du lịch Thái Lan.Hiện nay tại Việt Nam, một số người may mắn có tiền bạc rủng rỉnh chi tiêu, Nhà Nước lại cho tự-do-hóa thị trường, nên ngành quảng cáo thấy đã có cơ hoạt động, trình bày ra những món hàng cho giới tiêu thụ tha hồ chọn lựa. Mức độ tiêu thụ của người dân Việt Nam ra sao, ta hãy xem trường hợp đại siêu thị Cora ở Biên Hòa thì đủ rõ. Cora là đại siêu thị đầu tiên mở ra tại Việt Nam, cách nay 3 tháng, bày bán đủ thứ, từ giày dép tới máy giặt. Ông Giám đốc người Pháp cho biết là lò bánh đặt ngay trong đại siêu thị này phải làm việc liên tục suốt ngày đêm, để đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ. Hàng ngày, 8 ngàn ổ bánh mì bán hết sạch, và có khoảng 15 ngàn người đến siêu thị. Ngày Chủ Nhật thì có tới 5 chục ngàn khách hàng. Một viên chức ngoại quốc trong ngành quảng cáo cho hay là giới tiêu thụ tại Việt Nam đáp ứng mạnh mẽ với quảng cáo. Tuy nhiên, các cơ sở ngoại quốc gặp phải sự nghi kỵ của nhà nước Việt Nam. Tới nay, nhà cầm quyền chỉ mới cho có một công ty quảng cáo, là Leo Burnett, trụ sở chính đặt tại Hoa Kỳ, được ký thử nghiệm hợp đồng. Còn thì tất cả những cơ sở quảng cáo khác của ngoại quốc đều phải làm việc một cách gián tiếp ở Việt Nam, là chỉ được phép mở văn phòng đại diện mà thôi. Việc ký hợp đồng, và thâu nhận tiền quảng cáo, phải đưa ra cơ sở chính tại nước ngoài. Các văn phòng đại diện này được nhận khách đến đặt làm quảng cáo. Nhưng, mẫu quảng cáo sau khi hoàn thành, phải qua sự trung gian của công ty đối tác của người Việt, mới được đưa đăng trên các báo địa phương. Văn phòng của ngoại quốc phải trả công ty đối tác đó huê hồng từ 1 đến 2 phần 100, để được đưa mẫu quảng cáo của khách hàng mình lên các báo.Lại nữa, nhà nước Việt Nam có thể thanh tra đột xuất các văn phòng đại diện nói trên, để xem có kinh doanh gì bất hợp pháp không. Như hồi tháng tư năm nay, khoảng hai chục công an mặc sắc phục đã xông vào văn phòng Bates Worldwide tại thành phố Hồ-Chí-Minh, và trong các tuần sau đó, một số nhân viên của văn phòng này đã bị gọi lên tra hỏi. Mức độ kiểm duyệt cũng rất chặt chẽ, các hình thức hoặc nhạc quảng cáo không được quá khêu gợi.Tại Việt Nam, phương tiện làm việc thiếu thốn, tay nghề yếu kém, nên các hình ảnh phải đưa đi quay, đi chụp tại nước ngoài, như tại Sydney bên Úc chẳng hạn. Thế nhưng, theo một viên chức ngoại quốc trong ngành quảng cáo tại Việt Nam cho hay thì cũng có vài tài năng trẻ người Việt, mà họ đang đào tạo để chừng 5 năm nữa, người Việt có thể đứng ra cáng đáng ngành này.Trong khi đó thì Ông Nguyễn Quý Cáp, Giám Đốc Công Ty Quảng Cáo Thanh Niên nói là thị trường quảng cáo tại Việt Nam còn nhỏ bé mà có tới 16 cơ sở ngoại quốc làm ăn, nên các công ty quảng cáo của người Việt lấy làm lo ngại, vì tiêu chuẩn trong nước làm sao bằng được nước ngoài! Ông nói rằng Nhà Nước cần phải có biện pháp bảo vệ, nếu không thì các công ty người Việt sẽ có nguy cơ bị triệt hạ. Theo một cơ sở điều nghiên thị trường ước tính thì năm nay, tổng số tiền chi ra để quảng cáo tại Việt Nam sẽ là khoảng 100 triệu mỹ kim. Năm ngoái, số này là 111 triệu, và giới doanh thương cho sự sút giảm đó là do ảnh hưởng tình trạng kinh tế trì chậm gây ra.