Lời giới thiệu:Vào một buổi chiều tháng trước trong bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội, chỉ có 1 người trong số 50 bệnh nhân nơi đây không phải là nạn nhân của tai nạn giao thông. Em là một trẻ nhà quê 8 tuổi bị trâu húc vào bụng. Đó là câu mở đầu bài viết của nhà báo Mark McDonald, một bài khá ý nhị đăng trên báo Chicago Tribune, nói về vấn đề lưu thông tại Việt Nam. Việt Long tóm lược và trình bày hiến quí vị sau đây.Bài đọc: Việt Nam vừa tổ chức tháng an toàn giao thông vào tháng 9, nhưng thành quả không có gì đáng mừng. Số thương vong có giảm đôi chút, nhưng số lượng tai nạn và người bị thương tăng 10% so với tháng 8.Đường phố và quốc lộ ở Việt Nam ngày nay có mức nguy hiểm trong số cao nhất thế giới. Số lượng xe hơi ở Hoa Kỳ nhiều gấp 400 lần số xe hơi ở Việt Nam, và chiều dài đường xá ở Mỹ cũng gấp hằng ngàn lần so với Việt Nam, nhưng số tai nạn lưu thông chết người chỉ cao hơn Việt Nam gấp 7 lần. Những cảnh thường thấy ở Việt Nam được tả như sau: một chiếc Honđa phóng nhanh tông phải một chiếc xích lô chở xi măng, hay TiVi, hay gà vịt sống; một chiếc xe buýt leo lên lề cán người bán nươc dừa, càn qua chỗ bán chim chóc hay sách vở cũ; một người mới hai tuần trước còn trồng lúa ở vùng quê, nay lên thành phố lái xe tắc xi kiếm sống, bất thần quẹo chữ U, húc vào môỉt người đi xe đạp, gây bể sọ, dập phổi. Số liệu của chính quyền cho biết năm ngoái có gần 6 ngàn 200 người chết vì tai nạn giao thông, hơn 22 ngàn người bị thương. Năm nay số người chết có thể lên đến 6 ngàn 500. Một y sĩ giải phẫu tại bệnh viện Việt Đức, ông Nguyễn Mạnh Nhâm, than với nhà báo, tai nạn giao thông là bệnh dịch nguy hiểm nhất của Việt Nam, luôn luôn gia tăng, giết chết biết bao nhiêu người và gây tốn kém khủng khiếp.Từ mờ sáng đến chiều tối, xe đạp, xe đẩy, xe buýt thời Liên Xô phun khói mù mịt, đủ loại xe hơi cà tàng, xích lô, người gánh hàng trên vai, tất cả phải cùng phấn đấu để sống chung hòa bình với những xe gắn máy phóng nhanh như chớp, và từng bầy tắc-xi, cùng những đoàn xe limousine của giới ngoại giao. Người đi bộ phải đi duới lòng đường, vì lề đường là chỗ dựng xe đạp và xe gắn máy.Giờ cao điểm lưu thông là giờ mạnh được yếu thua. Luật lệ chung của đường phố là xe lớn lấn xe nhỏ. Xe hơi du lịch, tức là ô tô con, thì phải nhường chỗ cho xe tải, xe buýt, xe gắn máy nhường xe hơi, xe đạp nhường xe gắn máy, và người bán hàng rong thì lo mà tránh tất cả mọi thứ xe. Hai ngành kinh buôn bán khấm khá của Việt Nam là bán xe gắn máy và điện thoại lưu động, đã tạo nên một hợp lực đặc biệt nguy hiểm. Luật mới đã quy định phạt những người vừa đi xe gắn máy vừa nói chuyện điện thoại cầm tay. Riêng thành phố Sài Gòn đã có 1 triệu 300 ngàn xe gắn máy, bằng tổng số xe gắn máy trên cả nước cách đây 5 năm. Vào giờ cao điểm, Honda với Suzuki sóng hàng san sát, chạm tay lái với nhau, thường là từng 10, 12 chiếc hàng ngang và cả hơn 20 hàng dọc như vậy. 2 phần ba số tai nạn liên quan đến xe gắn máy. Chính quyền không thể đuổi kịp đà tai nạn gia tăng quá nhanh. Cầu đường suy sụp, số lượng công an không thấm thía gì trước số lượng xe cộ, và những ông nhỏ lần đầu chạy xe thì quen tống ga hơn là quen với luật lệ giao thông. Đèn xanh đèn đỏ cũng có được tôn trọng, nhưng lằn trắng để dừng xe không hề được ai biết đến. Người ta quẹo phải từ tuốt bên trái, tỏ ra khoan khoái khi rẽ được cả đám hằng trăm xe xuôi ngược. Và thật đáng ngạc nhiên, khi không có ai tỏ ra bực tức dù phải thắng gấp trước những xe chạy giành đường vô cùng nguy hiểm. Một viên chức ở bộ ngoại giao Việt Nam tiết lộ rằng rất nhiều tài xế taxi không được học hành gì, cả học lái xe lẫn học văn hóa. Viên chức này còn biết một người vẫn là người huấn luyện tại Trường Dạy Lái Xe Sài Gòn và tại một bộ trong chính phủ, mà không hề có bằng lái xe và cũng chưa từng lái xe bao giờ. Nạn say rượu lái xe cũng là một tai họa lớn ở Việt Nam, giống như ở Hoa Kỳ và nhiều nước tiên tiến khác. Vậy mà trên mặt thống kê, ruợu và bia không thấy được nói tới nhiều như những nguyên nhân gây tại nạn chết người, tuy nhiên các bác sĩ và các giới chức trách nhiệm về an ninh biết rõ hơn thế. Họ cho biết lý do của sự thiếu sót đó trong thống kê rất đơn giản: người lái xe không bao giờ bị thử nghiệm về nồng độ rượu trong hơi thở hay trong máu như ở Mỹ, chỉ vì Việt Nam không có những dụng cụ thử nghiệm đó.Một viên chức chính phủ nói với nhà báo, rằng tai nạn xảy ra nhiều vì uống ruợu và vì cái này, vừa nói ông đưa ngón tay chích vào chỗ mạch máu. Tình trạng tai nạn càng tệ hại hơn, vì con số thống kê cho biết chỉ có 2,3% những nạn nhân trong các tai nạn giao thông là có đội nón an toàn. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có lúc định bắt buộc mọi người phải đội nón an toàn, nhưng bị người dân kêu than quá sức, nên đành vội vã hủy bỏ kế hoạch đó. Quan điểm của người Việt Nam về nón an toàn ra sao? Mời quí vị nghe ý kiến của người tài xế trung niên tên là Nguyễn Văn Quỳnh, ở Sài Gòn. Ông Quỳnh nói, kìa một thiếu nữ với tà áo dài và mái tóc dài tung bay trong gió vừa luớt qua chỗ quí vị trên một chiếc xe gắn máy. Thử tượng người đẹp ấy phải đội một chiếc nón an toàn, trông cứ như một người du hành không gian, thì còn gì là thơ mộng nữa.... ./.