Tiểu-sử Ông Nguyễn Văn Thiệu

Tâm ViệtSinh ngày 5 tháng 4 năm 1923 tại Ninh Thuận, Phan Rang, ông Nguyễn Văn Thiệu đã vì hoàn-cảnh gia-đình sớm đi vào đời sống quân-ngũ. Làm thiếu-sinh-quân ngày còn nhỏ, ông tỏ ra chuyên cần nên khi bị động-viên ông đã vào được Trường Võ-bị Đà-lạt, khóa đầu, để tốt nghiệp vào năm 1948. Về mặt huấn luyện quân-sự, ông đã được đào-tạo một cách chính-quy cả ở Việt Nam lẫn ngoại-quốc tại các trường như Trường Lục-quân Pháp ở Coetquidan, lớp huấn luyện sĩ-quan tham-mưu ở Hà-nội và Trường Sĩ-quan Chỉ-huy và Tổng-tham-mưu ở Fort Leavenworth tại Hoa-kỳ, khóa sau này vào năm 1957. Sau đó, ông còn tham-dự Trường Hoạch-định Chung và Phối-hợp Binh-chủng ở Okinawa cũng như một khóa huấn luyện về vũ-khí tân-tiến ở Fort Bliss, Hoa-kỳ.Sự-nghiệp chính-trị của ông Nguyễn Văn Thiệu chỉ bắt đầu từ khi ông tham-gia cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 chống lại ông Ngô Đình Diệm sau vụ đàn-áp Phật-giáo vào mùa Hè năm đó. Tuy-nhiên, với cấp Đại-tá, lúc bấy giờ ông hãy còn đóng một vai trò thứ-yếu bên cạnh các tướng lãnh chủ chốt như các ông Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn-thất Đính và Mai Hữu Xuân.Ngôi sao chính-trị của ông chỉ nổi lên sau gần hai năm hỗn-độn chính-trị với hết chính-phủ dân-sự lại đến chính-phủ quân-nhân, và nhất là sau sự thất bại của hai chính-phủ Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương. Đã có một lúc tưởng chừng như miền Nam sắp bể ra thành nhiều mảnh: ở miền Trung các lực-lượng Phật-giáo nổi lên ở Đà-nẵng và Huế, trên miền Cao-nguyên nhóm FULRO đòi tự-trị và có lúc còn đòi thành-lập một ỘCộng-hòa Chăm-pa.Ợ Trong tình-trạng hỗn-loạn đó, chính-phủ Nguyễn Cao Kỳ ra đời như một lá bài cuối cùng để cứu vãn tình-thế.Nhờ tình-hình chính-trị được ổn-định trở lại, ông Nguyễn Văn Thiệu, trong tư-thế chủ-tịch Hội-đồng Quân-lực kiêm chức chủ-tịch nước, đã giữ được sự toàn vẹn lãnh-thổ của miền Nam như một quốc gia để bắt đầu giai-đoạn ổn-định gần 10 năm được biết dưới tên nền Đệ nhị Cộng-hòa.Dưới áp-lực quốc-tế cũng như tình-hình quốc-nội, Hội-đồng Quân-lực VNCH đã tạo ra điều-kiện để cho một Quốc-hội Lập hiến được bầu ra ngày 11-9-1966. Quốc-hội này đã viết lại Hiến-pháp để cho phép chính-trị miền Nam đi qua hai cuộc bầu cử được xem là tương-đối tự do vào năm 1967 và 1971 dù như cuộc bầu cử sau này biến thành một cuộc bầu cử độc-diễn của ông Thiệu.Làm Tổng-thống hai nhiệm-kỳ, ông Nguyễn Văn Thiệu đã lèo lái miền Nam qua những chặng đường hiểm nguy như vụ Tổng-công-kích Tết Mậu-thân 1968 của Cộng-sản trên toàn-thể lãnh-thổ miền Nam và vụ Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Việc đẩy lui những đợt tiến-công không tiền khoáng hậu trong lịch-sử hiện-đại Việt Nam này chống lại một kẻ thù thiện-chiến hàng đầu trên thế-giới phải kể là nằm trong những chiến-công oai hùng nhất của Quân-lực VNCH.Nhưng nếu quân-đội đã tỏ ra anh-dũng thì về mặt chính-trị và ngoại-giao, ông Nguyễn Văn Thiệu cũng là người chủ chốt trong thời-gian hòa-đàm Pa-ri diễn ra từ tháng 5-1968 đến đầu năm 1973. Chính những điều-kiện của Hiệp-định Hòa-bình Paris, do sự nhượng bộ một chiều của một nước Mỹ mệt mỏi, đã trói tay miền Nam và cho phép miền Bắc tăng cường lực-lượng không những tại chỗ mà còn trên đường mòn Hồ Chí Minh dẫn vào những tử-huyệt của VNCH.Ở trong thế cô và bị Mỹ bỏ rơi, khi CS Bắc-Việt tấn-công lần chót vào đầu tháng 3-1975 ở Ban-mê-thuột, ông Thiệu đã lấy một quyết-định tai-hại là rút lui khỏi vùng Cao-nguyên Trung-phần. Cuộc ra đi đầy máu và nước mắt này cuối cùng đã đưa CS vào đến Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Trước đó một tuần, ông Thiệu đã từ chức Tổng-thống giao quyền lại cho Phó-tổng-thống Trần Văn Hương để ít ngày sau, ông và gia-đình đã được Mỹ chở đi tỵ nạn.Trong 26 năm qua, ông Thiệu đã đóng một vai trò kín đáo trong đời sống lưu vong. Ông từ chối mọi cuộc phỏng vấn dù như ông vẫn đi lại trong một giới, phần lớn là cựu-quân-nhân, vẫn trung thành hay có nhiều cảm-tình với ông. Trong những dịp đi lại này, ông phân-tích tình-hình và vẫn nuôi mộng về một nước Việt Nam hòa-bình, dân-chủ và tự do dù như ông biết không chắc ông đã còn một vai trò trong tiến-trình lịch-sử đó.Lúc mới rời Việt Nam, ông chọn sang Anh để sống một đời ẩn-cư nhưng đã từ mười mấy năm nay, ông dọn sang ở hẳn với con gái ở vùng Boston thuộc bang Massachusetts, Hoa-kỳ. Dù ở tuổi 78 ông vẫn còn rất tráng kiện nhưng vào thứ Năm vừa qua ông bị chấn-thương mạch máu não, phải đem vào nhà thương cấp-cứu và đã không tỉnh lại được. Ông ra đi vào 10g30 tối thứ Bảy 29-9-2001 tại Trung-tâm Y-khoa Beth Israel Deaconess, Boston. Ông ra đi để lại nhiều tiếc nuối trong gia-đình và người thân cũng như nhiều người đã gắn liền sự-nghiệp của mình với những thăng trầm của VNCH và những vinh nhục của một quê hương thống-khổ.Cuộc đời ông Nguyễn Văn Thiệu cũng là một bài học lịch-sử khách-quan cho những ai có tham-vọng đi vào con đường chính-trị hay cứu nước.