Lời giới thiệu: Việc Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush lên tiếng cảnh cáo ba nước Iraq, Iran và Bắc Hàn trong bản thông điệp hàng năm hôm thứ Ba đã nhận được sự đồng tình của quốc hội Hoa Kỳ nhưng đồng thời cũng gây nên những phản ứng tức giận từ ba quốc gia bị nêu tên. Trong lúc đó, ngay tại Hoa Kỳ lại có dư luận phê phán lập trường của Tổng thống Bush, gọi đó là hành động nhằm chuẩn bị mở rộng thái qúa chính sách nghiêng về quân sự của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Việt Long tóm lược bài đăng trên báo New York Times, trình bày quan điểm này... Khi trình bày những mối nguy hiểm mà Hoa Kỳ đang phải đối đầu, Tổng thống Bush đã đặt nền móng cho một chiến dịch rộng lớn, dùng áp lực ngoại giao song song với sự đe dọa vêụ quân sự đối với Iraq và những nước đang chế tạo vũ khí tàn sát quy mô. Chủ trương của hành pháp Hoa Kỳ ngay sau vụ khủng bố ngày 11-9 là tấn công mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đồng thời phá tan chế độ Taliban dung dưỡng tổ chức này. Tổng thống Bush cũng cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng mạnh tay tiêu diệt các tổ chức khủng bố ở các nước khác tại Trung Đông và Phi Châu, cảnh cáo những quốc gia nào che chở khủng bố. Chủ truơng này được tạm gọi là học thuyết Bush. Tối thứ hai, Tổng thống Hoa Kỳ đã mở rộng thêm học thuyết ấy, khi ông mạnh mẽ cảnh cáo tất cả những nước có thể đe dọa Hoa Kỳ bằng vũ khí tàn sát quy mô. Ông mô tả những mối đe dọa đó bằng những lời lẽ nghiêm trọng nhất, như để biện hộ trước cho những hành động quân sự tấn công nhằm đánh tan hiểm họa này. Tổng Thống Bush nói: ỘTôi sẽ không ngồi chờ trong lúc sự nguy hiểm tích tụ. Tôi sẽ không đứng im khi hiểm họa ngày càng đến gần. Hoa Kỳ sẽ không để cho những chế độ nguy hiểm nhất thế giới đe dọa bằng những vũ khí tàn phá ghê gớm nhất trên quả đấtỢ. Đó là những lời lẽ mạnh mẽ nhất mà ông Bush dùng đến để mô tả việc Iraq vẫn theo đuổi các kế họach chế tạo vũ khí tàn sát quy mô, và nêu cao quyết tâm của Hoa Kỳ để phá tan nguy cơ đó. Những nước bị cảnh cáo không còn được gọi là những quốc gia manh tâm như trước đây nữa, mà đã bị kêu đích danh là mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ nói sự theo đuổi kế hoạch chế tạo vũ khí tàn sát quy mô là mối nguy hiểm cần phải đối phó nhanh chóng và cương quyết, nhưng ông cũng nói rằng còn cần phải cân nhắc, vì thời gian chưa thuận lợi. Quả là chưa thuận lợi, vì các viên chức cao cấp trong chính phủ Washington vẫn chưa đồng thuận hẳn về một đường lối cứng rắn, và chính phủ chưa hoạch định xong đường lối cụ thể đối với Iraq trong lúc này. Trong chính phủ Hoa Kỳ hiện nay có hai khuynh hướng đối chọi nhau về việc này. Một phía gồm đa số là các viên chức cao cấp bên quốc phòng thì cho rằng thời gian cấp bách là điều quan trọng nhất, cần phải đánh đổ chế độ Saddam Hussein trước khi chế độ này chế tạo được các vũ khí hạch nhân và vũ khí sinh học, hóa học để bắt bí Hoa Kỳ. Ngược lại bên ngoại giao của Ngoại trưởng Colin Powell thì chủ trương cô lập và hạn chế khả năng của Iraq, bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ông Powell được các chuyên gia đối ngoại ủng hộ, vì họ cho rằng nguy cơ từ Iraq không cấp bách bằng nhu cầu tiêu diệt khủng bố. Nhiều chính phủ ngoại quốc cũng phản đối việc dùng biện pháp quân sự với Iraq, trong khi Hoa Kỳ lại cần đến sự giúp đỡ của họ để thu thập tin tức tình báo, nhờ đó có thể theo đuổi và tiêu diệt các ổ khủng bố trên khắp thế giới. Tổng thống Bush cũng chưa nói thẳng đến việc sẽ sử dụng hành động quân sự đối với các nước này. Tuy nhiên những lời lẽ cứng rắn khẩn trương và lời kêu gọi hành động hôm thứ Ba cũng đủ cho thấy ông đã dần dần chấp nhận những lý lẽ của phe diều hâu về vấn đề này. Nhà phân tích Ivo Daalder của viện nghiên cứu chiến lược Brookings cho biết, phe diều hâu lập luận rằng sau biến cố 11 tháng chín, người Mỹ không thể nào sống chung trong một thế giới với các nước Iraq, Iran và Bắc Hàn đang có vũ khí tàn sát quy mô. Tổng Thống Bush rõ rệt đã nhìn nhận như vậy, khi ông nói rằng hoặc những chế độ đó hoặc khả năng về những vũ khí đó của họ, một trong hai thứ phải bị tiêu diệt. Thế nhưng ông nói Bắc Hàn có trang bị phi đạn, mà không nói rằng Bình Nhưỡng đã đình hoãn thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa. Ông tố cáo Iran theo đuổi kế hoạch chế tạo vũ khí hạch nhân và yểm trợ khủng bố, nhưng không nói đến việc Iran đã hợp tác trong hội nghị ở Bonn về chính phủ Afghanistan hậu chiến. Bộ ngoại giao Mỹ cũng phải nhìn nhận tinh thần hợp tác ấy. Tổng thống Bush định ngăn chặn ba nước nguy hiểm ấy ra sao thì còn chưa rõ. Chắc chắn còn phải có nhiều cuộc thảo luận trong chính phủ về các vấn đề chiến lược và chiến thuật. Hành động quân sự đối với Iran và Bắc Hàn sẽ gặp nhiều vấn đề hơn là tấn công Iraq. Nhưng dù những chi tiết quan trọng chưa được bàn đến, thì Tổng thống Bush qua diễn văn tối thứ hai cũng đã quyết định mở rộng chiến dịch chống khủng bố một cách thái quá.