Mục đích chuyến đi Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc

Lời giới thiệu: Dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là trong nước, hiện đang xôn xao về vấn đề đảng và chính phủ Việt Nam nhượng đất là lãnh hải cho phía Trung Quốc. Thế nhưng vào tuần tới, Chủ tịch Giang Trạch Dân sẽ sang thăm Việt Nam. Chuyến viếng thăm trong lúc lòng dân bất an như thế nhằm mục đích gì? Gia Minh có bài viết sau đây về chuyến viếng thăm sắp đến này dựa theo tin tức của hãng thông tấn AFP...Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Tân Hoa Xã hôm nay cho biết Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Giang Trạch Dân sẽ sang thăm Việt Nam từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 1 tháng 3 sắp đến. Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của Chủ tịch họ Giang đến Việt Nam kể từ khi hai nước cộng sản láng giềng anh em Ờ cựu thù này nối lại quan hệ vào năm 1991. Theo kế hoạch trong chuyến viếng thăm này, Chủ tịch Giang Trạch Dân sẽ gặp tất cả các nhà lãnh đạo đảng cũng như chính quyền của Việt Nam tại Hà Nội. Sau đó ông sẽ đi thăm hai thành phố tại miền Trung là Huế và Đà Nẵng.Giới ngoại giao và các nhà phân tích đều cho rằng trong chuyến đi này của Chủ tịch họ Giang, hai phía sẽ không ký kết hiệp định gì quan trọng. Trong khi đó, hai nước vẫn còn tranh cãi về vùng khai thác hải sản trong vịnh Bắc Bộ. Mặc dù đã có hiệp định về lãnh hải do hai đảng ký vào năm 2000, và bản hiệp định này chưa được công khai cho toàn dân, giới ngoại giao cho hay, theo hiệp định mới ký này Hà Nội đồng ý theo yêu cầu Bắc Kinh sẽ thành lập khu khai thác hải sản chung trong vòng 15 năm; theo đó cho phép tàu Trung Quốc vào đánh bắt tại những vùng tranh chấp vẫn do Việt Nam kiểm soát. Dẫu vậy hai phía vẫn chưa thống nhất về qui cách và số lượng tàu được vào khu vực này để khai thác. Về vấn đề này, giới ngoại giao cho rằng Hà Nội rồi cũng sẽ nhượng bộ tiếp.Như vậy, chương trình nghị sự chính của chuyến đi này của Chủ tịch họ Giang sẽ tập trung vào khoản viện trợ mà Bắc Kinh sẽ dành cho Hà Nội. Hiện thời Việt Nam đang muốn Trung Quốc cho vay để tài trợ cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án thủy điện Sơn La. Ngoài ra, trong dịp này, Bắc Kinh cũng muốn Hà Nội trình bày rõ kế hoạch sắp đến cho vịnh Cam Ranh sau khi Nga trả lại cho Việt Nam vào năm 2004.Riêng đối với hai hiệp định biên giới mà hai đảng và chính phủ đã ký một cách bí mật với nhau vào năm 1999 và 2000 thì ngày càng gặp nhiều phản kháng từ phía dân chúng.Tại trong nước, mấy tháng gần đây, những nhà bất đồng chính kiến cũng như những người theo đường lối cứng rắn trong quân đội đã đồng thanh lên tiếng tỏ lòng phản nộ về hai hiệp định bất bình đẳng này.Các nhà ngoại giao cho rằng một trong những nguyên nhân chính mà ông Lê Khả Phiêu bị mất chức chủ tịch đảng vào kỳ đại hội chín vào tháng tư năm ngoái là do đã ký hai hiệp định biên giới với phía Trung Quốc. Hồi tháng giêng vừa qua nhà thơ và nhà báo Bùi Minh Quốc đã bị quản chế vì đã bỏ ra hai tháng đi suốt vùng biên giới phía bắc để thu thập các chứng cứ về việc đảng cộng sản Việt Nam nhượng đất và lãnh hải cho Trung Quốc. Tuy vậy, chính quyền Hà Nội khăng khăng bác bỏ cho rằng lý do quản chế ông này không phải là thế, mà vì ông đã mang theo trong mình khoảng 300 tài liệu chống đảng.