Kinh tế Á Châu đang có nhiều dấu hiệu hồi phục

Lời giới thiệu: Tình trạng kinh tế Á châu đang được xem là trong tình trạng suy trầm, do tác động của các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản đối với những nền kinh tế chuyên xuất khẩu. Thế nhưng mới đây, sự chuyển hướng đã có dấu hiệu tích cực mà ký giả Henny Sender nêu lên trên nhật báo tài chánh The Wall Street Journal. Lê Dân lượt thuật như sau...Những ngày Tết Nhâm Ngọ vừa qua tại Trung Quốc pháo đã nổ nhiều chưa từng thấy. Ký giả Henny Sender cho biết các nhà phân tích tin rằng pháo nổ nhiều là dấu hiệu đáng mừng cho kinh tế vì người tiêu thụ có nhiều tiền để tiêu hơn trước.Thật vậy, trong thực tế, doanh giới Á châu đã có sự chuyển hướng đáng khích lệ, tạo cân bằng hơn giữa giới sản xuất với giới tiêu thụ, giữa tích lũy và chi tiêu.Ông Sun Bae Kim, tổng giám đốc công ty đầu tư Goldman Sachs tại Hồng Kông cho biết toàn khu vực Á châu đang ở vào vị thế thuận lợi nhất. Ở tầm mức quốc gia, trữ lượng ngoại hối gia tăng, còn ở mức đơn vị thì cán cân chi phó của các doanh nghiệp đã có nhều cải thiện đáng kể, sự thâm thủng hầu như đã giảm bớt đáng kể.Điển hình như tại Nam Hàn, doanh nghiệp ở nhiều lãnh vực khác nhau như sản xuất xe hơi, cung cấp tín dụng, cho tới kỹ thuật tin học đều loan báo lợi nhuận nhiều hơn dự kiến. Trong khi đó, số nợ xấu ở 20 ngân hàng lớn nhất nước đã giảm hơn phân nửa, so với năm 2000.Nhận xét về hiện tượng này, ông David Roche, giám đốc Viện Chiến lược Kinh tế Độc lập ở Luân Đôn, nói sự đổi thay ở Á châu là nâng sức tiêu thụ làm chủ động cho nền kinh tế, thay cho mức đầu tư và tiết kiệm như trong quá khứ. Á châu đã đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, không để lệ thuộc vào một số mặt hàng mạnh như các linh kiện điện tử nữa.Nói một cách cụ thể, lấy thí dụ như ngân hàng Korea First Bank của Nam Hàn, trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 chuyên cấp tín dụng cho các đại tổ hợp chaebols, tương tự như các ngân hàng quốc doanh ở Trung Quốc chuyên cấp vốn cho doanh nghiệp nhà nước, nên dễ dàng thua lỗ mỗi khi có biến động thị trường.Giờ đây, lợi nhuận của Korea First Bank đã đạt mức kỷ lục nhờ chuyển hướng kinh doanh qua ngành bán lẻ và cấp thẻ tín dụng cho người tiêu thụ.Một điển hình khác đến từ Thái Lan, là nước Á châu đầu tiên rơi vào cuộc khủng hoảng năm 1997, mức năng động của nền kinh tế hiện cũng chẳng kém gì Nam Hàn. Các ngân hàng địa phương Thái Lan liên tục cắt giảm lãi suất, lượng xe hơi mới bán được trong mấy tháng đầu năm vượt quá 10,000 chiếc.Chuyên gia David Roche, giám đốc Viện Chiến lược Kinh tế Độc lập ở Luân Đôn, khuyến cáo rằng bây giờ là lúc nên đầu tư vào những chứng khoán có mức lợi nhuận bền vững từ lãnh vực tiêu thụ, chẳng hạn như các ngân hàng cấp thẻ tín dụng tốt, các doanh nghiệp danh tiếng, các công ty bảo hiểm nhân thọ, những hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, và các hệ thống bán lẻ lớn.Dù vậy, sự chuyển hướng sang lãnh vực tiêu thụ ở Á châu chưa sinh lợi nhiều ngay trước mắt. Việc dự đoán giới tiêu thụ nước nào sẽ tăng nhanh nhất không khó khăn lắm, nhưng lợi nhuận của doanh giới các nước đó không phải dễ lượng định.Ký giả Henny Sender nêu thí dụ rằng tình trạng cạnh tranh gay gắt sẽ kềm hãm việc gia tăng sản lượng vì giá hạ. Trong khi đó hàng rào thuế quan tuần tự giảm cùng việc giá trị đồng Yên Nhật và đồng Nhân Dân tệ Trung Quốc cũng giảm giá, khiến hàng xuất khẩu của hai nước lớn này tăng thêm lợi thế.Ngoài ra, còn phải tính tới thời điểm. Chẳng hạn như không thể căn cứ trên số liệu cho biết du khách Trung Quốc đến Thái Lan gia tăng mạnh mẽ, để rồi đổ tiền xây dựng khách sạn 5 sao. Lợi tức người dân Hoa Lục còn cần tăng trưởng thêm trong nhiều năm nữa, thì các khách sạn 5 sao ở Bangkok mới có thể thu hút thêm khách được.