Lời giới thiệu: Hôm nay, thứ Tư 27 tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã chính thức viếng thăm Việt Nam. Đây là lần thứ hai ông Giang Trạch Dân đặt chân đến nước cộng sản láng giềng anh em, đồng thời cũng có thể là lần cuối cùng ông đặt chận đến Hà Nội với tư cách Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước Trung Quốc. Gia Minh viết thêm các chi tiết chung quanh chuyến công du lần này của Chủ tịch Giang Trạch Dân...Giới quan sát quốc tế cho rằng chuyến viếng thăm là nỗ lực mới nhất nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước. Riêng phía Việt Nam thì nói chuyến đi của Chủ tịch họ Giang nhằm mở rộng hợp tác về mặt quốc phòng, an ninh cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cải tổ kinh tế của Trung Quốc. Ông Giang Trạch Dân đến Hà Nội vào đúng lúc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhóm họp, nhằm đề ra đường lối, chính sách về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cũng như công tác tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước. Các nguồn tin khác nhau cũng như nhận định của giới quan sát đều nói Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm xin gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO và những cải cách kinh tế hiện nay của Bắc Kinh. Một đề tài mà ông Giang sẽ bàn cùng các vị đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam là chuyện kết nạp những nhà doanh nghiệp đứng vào hàng ngũõ đảng cộng sản.Trong suốt một thập niên qua, Hà Nội và Bắc Kinh đã nỗ lực hàn gắn các quan hệ song phương, từng bị cắt đứt hồi năm 1978 khi Việt Nam đưa quân sang Cambodia nhằm lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn vào lúc đó. Trong suốt một thập niên qua, nhiều chuyến viếng thăm cao cấp giữa đôi bên luôn được tiến hành. Gần đây nhất, mới hai tháng trước, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của đảng Cộng sản Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc.Mậu dịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm qua đã tăng vọt đến 2 tỉ 800 triệu mỹ kim, so với mức 30 triệu mỹ kim hồi năm 1991. Hai phía đề ra chỉ tiêu 5 tỉ mỹ kim cho mậu dịch song phương vào năm 2005.Chuyến viếng thăm lần này của Chủ tịch họ Giang cũng diễn ra trong bầu khí có nhiều bất mãn, về hai bản hiệp định biên giới mà một số nhà tranh đấu trong và ngoài nước nói là được ký một cách lén lút giữa hai đảng hồi năm 1999 và năm 2000. Các nhà phê bình cho rằng khi ký hai hiệp định này đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Hà Nội đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều. Đối với Hà Nội, đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Hồi tháng qua, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh quản chế nhà báo Bùi MInh Quốc vì ông này đã bỏ nhiều tháng trời đi dọc biên giới Việt- Trung để thu thập tài liệu, chứng cứ về vấn đề đảng cộng sản Việt Nam hiến đất cho Trung Quốc, nhưng cho đến nay, hai bản hiệp định vừa kể vẫn chưa được công bố cho dân chúng.