Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này
Nam Nguyên6 nước Á Châu xuất cảng nhiều cao su nhất trong số có Việt Nam, vừa thoả thuận tại Bangkok tiến tới thành lập Hiệp Hội Các Nhà Trồng Cao Su của châu lục. 7 đại diện của Việt Nam có mặt cùng 300 các chủ đồn điền lớn nhất Á Châu nhóm họp hôm thứ Tư tại Bangkok, để thảo luận vấn đề hợp tác trong công nghệ trồng và sản xuất cao su, thông tin thị trường và ổn định giá cả xuất cảng. Từ thủ đô Thái Lan Nam Nguyên tường trình như sau...
Vào cuối ngày, các đại diện của Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Sri Lanka đã ký một bản ghi nhớ về việc thành lập một hiệp hội các nhà trồng và sản xuất cao su tại Á Châu.
Được biết Việt Nam có tổng diện tích cao su khoảng 400 ngàn héc ta. Riêng miền đông nam bộ kể cả Bình Thuận chiến 300 ngàn hécta, phần còn lại phân bổ ở Tây Nguyên và miền Trung.
Lượng vườn cao su tư nhân mà người trong nước goị là cao su nông hộ hay tiểu điền khoảng 90 ngàn Hecta. Cao su nông hộ tập trung nhiều ở tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng có một lượng nhỏ cao su nông hộ.Không giống như trước năm 1975 các đồn điền cao su tư nhân trải dài bạt ngàn ở miền đông nam phần, ngày nay hơn phân nưả số tư nhân trồng cao su chỉ có vườn cây từ 3 hécta trở lại. khoảng 35% tổng số chủ điền cao su tư nhân có diện tích vườn cây từ 3 tới 10 hecta. Và một số rất ít tư nhân có trang trại qui mô vài trăm hécta cao su, những người naỳ tập trung tại hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Năm 2002 Việt Nam xuất cảng được 400 ngàn tấn mủ cao su sơ chế trị giá gần 300 triệu đô la. Các thị trường chủ yếu tiêu thụ cao su thiên nhiên của Việt Nam là Trung Quốc và các nước Âu Châu, các nơi này sử dụng cao su thiên nhiên của VN trong ngành chế tạo vỏ ruột xe hơi. Thổ Nhĩ Kỳ quốc gia trung cận đông cũng mua nhiều mủ cao su bành loại SVR20 của Việt Nam, để cung cấp nguyên liệu cho công nghệ chế biến các loại dây trân, người Việt quen gọi là dây cu-roa.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng sự hình thành hiệp hội các nhà trồng và sản xuất cao su thiên nhiên của 6 nước Á Châu, là bước tiếp theo của Thái Lan, Malaysia và Indonesia sau khi họ thành lập consortium mang tên Tổ Chức Quốc tế Mậu Dịch Cao Su Ba Thành Viên, goị tắt là ITRO vào tháng 8 vưà qua.
ITRO ra đời với mục đích bình ổn giá cả cao su thiên nhiên trên thị trường quốc tế, chống các tổ chức trung gian quốc tế ép giá nông gia và nhà xuất cảng. ITRO có thể ký hợp đồng mua thẳng mủ cao su của các chủ điền với giá cả bảo đảm lợi nhuận và chi phí đầu tư tái sản xuất cuả người trồng cao su. Các nước tiêu thụ nhiều cao su thiên nhiên nhất trên thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2002 ngành công nghiệp chế tạo vỏ xe của Mỹ nhập cảng hơn một triệu tấn mủ cao su thiên nhiên. Dự báo năm 2003 Trung Quốc nhập cảng khoảng 850 ngàn tấn cao su thiên nhiên sơ chế.
Nam Nguyên tường trình từ Bangkok.