Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này
Gia MinhVào dịp lễ tết cuối năm chúng tôi xin cống hiến quí vị đôi nét về việc uống rượu tại nước ta qua cái nhìn của một nữ phóng viên ngoại quốc. Ký giả Kay Johnson của tạp chí Time Asia trong chuyến du lịch qua vùng núi phía bắc cảm thấy rất ấn tượng về lòng hiếu khách của người dân tộc tại đây. Chỉ mới sáng sớm hơn 6 giờ, những người khách bà gặp tại các quán đều vui vẻ chào hỏi và mời bà uống một cốc rượu. Khi mời, lúc nào người ta cũng dùng câu ‘một trăm phần trăm’ để khuyến khích bà cạn chén tỏ tình thân giữa hai người mới gặp gỡ: một phía là người ngoại quốc, một phía là những người dân chất phát Việt Nam.
Bà Kay Johnson cho biết bà thấy người dân tại các vùng bà đi qua, dù là người dân tộc hay người Kinh, đều có nhiều loại rượu. Loại phổ biến nhất là rượu gạo. Đây là loại được nấu chủ yếu từ gạo hay một loại ngũ cốc khác như bắp. Và loại rượu nguyên chất này có màu trắng trong hay trắng đục.
Từ loại rượu gạo tinh chất đó người ta ngâm với những loại cây củ hay con vật có duợc tính và tạo thành những loại rượu thuốc với nhiều màu sắc khác nhau. Từ đỏ thẫm, vàng đậm hay như màu hổ phách. Mỗi loại rượu được chế biến có những duợc tính khác nhau dành cho những đối tượng có yêu cầu riêng biệt.
Tuy nhiên theo như điều mà bà Kay Johnson thuật lại thì loại rượu cường dương bổ thận là loại được giới thiệu phổ biến nhất. Những thứ này được ngâm với ngọc dương, sao biển hay cá ngựa. Bà cũng được những người sành uống rượu tại Việt Nam giới thiệu cho một thang rượu lưu truyền từ đời vua Minh Mạng đến nay đó là mỹ tửu với công dụng ‘nhất dạ, ngũ giao’.
Tục lệ uống rượu của người Việt không rõ được bắt đầu từ khi nào, thế nhưng trong những dịp lễ tết hay cúng bái quan trọng bao giờ người ta cũng phải dâng rượu cho trời đất, thánh thần và người đã khuất. Còn trong những nghi lễ cuới hỏi, ma chay rượu cũng là một loại không thể thiếu được. Rượu như thứ men nồng chứng giám cho tình duyên đôi lưá và là chất keo gắn chặt tình thân.
Ngoài câu nói ‘miếng trầu là đầu câu chuyện’, chén rượu cũng được dùng để khơi mào mọi cuộc bàn luận chuyện làng nước.Thói quen uống rượu là một hoạt động xã hội phổ biến tại Việt Nam.
Vào thời kỳ kháng chiến, việc nấu rượu bị cấm tuy nhiên nhiều người vẫn nấu lậu rượu để cung cấp cho bà con trong làng, trong xã. Nhiều nơi vẫn có được những sản phẩm rượu nổi tiếng của vùng mình.
Thế nhưng uống rượu cũng trở thành một tệ nạn khi những người uống trở nên nghiện ngập, bê tha đến nỗi không kiểm soát được lời nói và hành động. Nhiều người vì rượu mà không thể cáng đáng được công việc bổn phận.
Hiện nay, nhiều loại rượu ngoại nhập được đưa vào nước ta. Tuy nhiên số người được thuởng thức các thứ rượu cao cấp và đắt tiền này không là bao. Chỉ có những tầng lớp dư tiền và những cán bộ cao cấp mới đụng được đến rượu ngoại. Và vào những dịp lễ tết, người ta cũng dùng rượu để biếu xén, hiếu hỉ. Tình trạng cũng đi quá đà khiến có câu ‘người uống không mua, và người mua thì không uống’.
Mặc dù ở Việt Nam, người ta không gọi tiệm bán rượu là tửu quán như tại nước láng giềng Trung Quốc; nhưng số quán nhậu ngày càng trở nên phổ biến cho giới bình dân, và các ‘bar’ cũng xuất hiện để phục vụ giới đang theo mốt Tây đi uống rượu ngoại.