Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này
Lý Ðịnh PhátTừ ngày 23 đến 26 của tuần cuối tháng 12 này, chủ tịch quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn An, đến thăm chính thức PhnomPenh. Theo thông báo từ các giới chức tại quốc hội Cambodia thì chuyến viếng thăm của ông An nhằm mục đích gia tăng mối quan hệ thân hữu hai quốc gia cũng như giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước. Còn theo sự loan tải của báo chí địa phương, đề tài thảo luận chính với đối tác của ông An là Hoàng thân Ranariddh, chủ tịch quốc hội Cambodia là vấn đề biên giới giữa hai nước.
Diễn tiến chuyến viếng thăm vào ngày đầu tiên cho thấy : 10 giờ sáng ông An đến phi trường quốc tế Pochentong với phái đoàn Việt Nam. Ra đón đoàn có ông Heng Samrin, phó chủ tịch quốc hội Cambodia. Sau khi rời phi trường phái đoàn quốc hội Việt Nam đến trú tại khách sạn Inter Continental, một khách sạn loại 5 sao, sang trọng bậc nhất tại thủ đô.
Vào buổi chiều cùng ngày, lúc 3 giờ 20 phút ông Nguyễn Văn An cùng phái đoàn sau khi thăm tượng đài Độc Lập đã đến tượng đài hữu nghị Việt Nam - Cambodia đặt vòng hoa tưởng niệm bộ đội Hà Nội và bộ đội Cambodia chết trong cuộc chiến đánh quân Khmer đỏ khởi đầu từ ngày 24 tháng 12 năm 1978 - vào thời điểm giáng sinh - và dây dưa mãi đến 10 năm sau. Cùng đi với chủ tịch Nguyễn Văn An đến tượng đài hữu nghị có hai bộ trưởng quốc phòng Cambodia là ông Tea Banh và Hoàng thân Sisowath Sereivuth.
Tượng đài này vào năm 1998 đã bị học sinh, sinh viên cùng nhiều người dân thủ đô khi biểu tình đòi chính quyền phải tổ chức bầu cử lại vì họ cho là có phiếu gian lận. Với khí thế dân chủ trào dâng, người biểu tình đã tràn đầy vây quanh tượng, leo lên đốt cháy nám đen rồi đập phá. Vào lúc đó, cái nón cối trên đầu tượng người bộ đội bị những người biểu tình dùng búa tạ đập bể một miếng lớn.
Ông Yong Kim Eng, đại diện cho tổ chức Thanh Niên Cambodia, một tổ chức đấu tranh vì dân chủ, khi được chúng tôi hỏi ông nghĩ thế nào về chuyến đi của lãnh đạo VN , Ông Yong nói: “Cambodia và Việt Nam đã vào khối Asean, do vậy các thành viên đều mong muốn có sự hợp tác phát triển và hòa bình. Thế nhưng phía Cambodia không có hòa bình vì vấn đề biên giới giữa hai nước cứ kéo dài mặc dù phía Cambodia luôn sẳn sàng để giải quyết các tranh chấp đất đai. Việc trì hoãn giải quyết tranh chấp lãnh thổ đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân Khmer ở dọc biên giới nếu không muốn nói đã vi phạm đến quyền sống của họ…”
Lý Định Phát tường trình từ PhnomPenh .