Yasser Arafat - Cuộc đời và Sự nghiệp

By line: Nguyễn Khanh

Chủ tịch Yasser Arafat, khôi nguyên Nobel Hòa Bình, cha già của dân tộc Palestines, người đã sống và chết với nguyện ước xây dựng một quốc gia độc lập, người bị lên án là ủng hộ các hoạt động khủng bố, người bị chỉ trích là không thật tâm muốn xây dựng hòa bình, đã từ trần hồi sáng sớm hôm nay ở Paris, thọ 75 tuổi.

Cái chết của ông ngay tức khắc được coi là chấm dứt một giai đoạn đầy căng thẳng trong lịch sử hiện đại của vùng Trung Ðông, đồng thời mang lại hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới cho hai dân tộc Do Thái và Palestine.

Tranh đấu khi còn là sinh viên

Tên thật là Mu-ham-mad Ab-dul Rah-man Ab-dul Ra-ouf Arafat al-Qud-wa al-Hus sei ni, ông sinh ngày 24 tháng 8 năm 1929 ở Cairo Ai Cập. Năm 1948 khi còn là sinh hiện đại học, ông tự chọn cho mình tên Yasser để vinh danh một thanh niên Palestine hy sinh cho cuộc tranh đấu của dân tộc.

Có tin nói rằng cũng trong thời gian này, ông bí mật thành lập Phong Trào FATAH với chủ trương chiến đấu chống lại người Do Thái. Cũng có lời đồn cho rằng ông từng phục vụ trong quân đội Ai Cập, dự cả cuộc chiến kinh đào Suez và cuộc chiến giữa các nước Ả Rập và Israel.

Chủ tịch Tổ Chức Giải Phóng Palestine

Nhưng phải đợi đến năm 1969, ông mới thật sự trở thành một nhân vật nổi bật của chính trường quốc tế khi được chọn để làm chủ tịch Tổ Chức Giải Phóng Palestine, tức PLO, và dựng trại quân dọc theo biên giới Jordan, hướng về phía kẻ thù Do Thái.

Tháng 9 năm 1970, Quốc Vương Hussein của Jordan đưa quân dẹp các căn cứ do ông thành lập, buộc ông phải chuyển cơ sơ hoạt động sang Beirut, Li Băng. Biến chuyển này sau đó được các nhà sử học Trung Ðông gọi là Tháng 9 Ðen Tối.

Từ Beirut, PLO bắt đầu ra tay hoạt động và trở thành tin lớn nhất được báo chí loan tải trong suốt nhiều năm trời vì những vụ đánh bom, không tặc, và nổi bật nhất là vụ giết 11 vận động viên Do Thái tại Olympics Munich hồi 1972. Cho đến những ngày cuối đời, ông vẫn từ chối không trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt động thời đó, và luôn luôn đưa ra câu trả lời là ông chống đối tất cả các hành động khủng bố. Liệu ông có liên hệ trực tiếp với các chuyện đã xảy ra hay không vẫn còn là một bí mật.

Chiến tranh và hoà bình

Ðến năm 1974, chính trường thế giới lại sôi động khi ông xuất hiện trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc để đọc bài diễn văn, trong đó có đoạn viết rằng ông đến đây một tay cầm nhánh olive tượng trưng cho hòa bình và một tay cầm khẩu súng. Ông nói trách nhiệm của mọi người là đừng để cành olive tuột khỏi tay ông.

Cũng trong giai đoạn này, ông thông báo thành lập quốc gia và chính quyền Palestine đặt văn phòng ở Li Băng, theo khuôn khổ của một quốc gia nằm trong một quốc gia. Hành động của ông đã khiến cho Do Thái phải mở cuộc chiến đẩy ông ra khỏi Li Băng, chạy về Tunisie để hoạt động tiếp. Từ xa, ông tiếp tục điều khiển cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ của người dân Palestine cư ngụ ở Dải Gaza và khu vực Bờ Tây.

Ðến năm 1987, cuộc đấu tranh bước vào một khúc quanh mới, khi ông tỏ ý sẵn sàng thảo luận với Israel để tìm một giải pháp hòa bình, đồng thời thuyết phục Chính Phủ Hoa Kỳ nói chuyện trở lại với PLO. Năm 1991, hai đoàn đại biểu Palestine và Do Thái gặp nhau bên lề Hội Nghị Hòa Bình Trung Ðông Madrid.

Kết quả cuộc gặp gỡ là Bản Tuyên Ngôn Hòa Bình ra đời, được ký kết ở thủ đô Washington vào ngày 13 tháng 9 năm 1993, trong đó Do Thái đồng ý trao quyền tự trị lại cho người Palestine ở Dải Gaza cùng một phần khu vực Bờ Tây, và PLO chính thức công nhận quốc gia Do Thái. Hai bên cũng đồng ý sẽ gặp lại nhau để tiếp tục cuộc đàm phán.

Tháng 7 năm 1994, ông Arafat trở về Dải Gaza trong vinh quang và cùng với Thủ Tướng Yitzhak Rabin, ông được chọn lãnh giải Nobel Hòa Bình 1994. Ðiều đáng tiếc là những hy vọng ban đầu đã nhanh chóng tiêu tan, sau khi Thủ Tướng Rabin bị một người Do Thái quá khích bắn chết hồi tháng 11 năm 1995 trong khi ông Arafat liên tục bị sức ép của các phe nhóm đấu tranh.

Tái bùng nổ cuộc nổi dậy

Tháng 7 năm 2000, ông và Thủ Tướng Ehud Barak của Do Thái nhận lời mời của Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton để gặp nhau ở Trại David. Cuộc gặp giỡ được coi như hoàn toàn thất bại, và không đầy hai tháng sau đó, cuộc nổi dậy của người Palestine bùng nổ trở lại và kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Tháng 12 năm 2001, tình hình bắt đầu xấu hơn sau những vụ đánh bom cảm tử liên tục xảy ra nhắm vào người Do Thái. Chính Quyền Tel Aviv quyết định mở cuộc phản công quy mô, bao vây không cho ông Arafat rời khỏi trụ sở ở Ramallah thuộc khu vực Bờ Tây, đồng thời tố cáo ông là kẻ chủ trương hoạt động khủng bố.

Mãi đến đầu tuần trước, Tel Aviv mới đồng ý cho ông rời trụ sở để sang Pháp chữa bệnh và lúc 3 giờ 30 phút sáng nay giờ địa phương, tức 9 giờ 30 phút sáng giờ Việt Nam, ông nhắm mắt vĩnh biệt cõi đời.

Tuyên bố đầu tiên của Chính Quyền Plaestines là lãnh tụ Yasser Arafat đã về với Thượng Ðế, nhưng ông vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Palestine.