Thành phố Hà Nội vừa qua tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện mở rộng Thủ đô với những kết quả mà chính phủ Việt Nam cho là đáng tự hào và góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Công luận có ý kiến ra sao với đánh giá đó?
Thay đổi diện mạo
Ngày 29/5/2008, số đông các Đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội bằng việc sáp nhập toàn bộ diện tích các tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình.) “Hà Nội mới” khi đó được xác định sẽ là đô thị lớn với diện tích trên 3 ngàn km2 và dân số khoảng 6 triệu người.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm mở rộng Thủ đô, chính phủ Việt Nam cho biết Hà Nội đã thay đổi diện mạo so với những ngày đầu sáp nhập. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 28/7/2018 nói kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh qua dẫn chứng thu nhập bình quân đầu người đạt 3.910 USD vào năm 2017, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008. Các dự án đầu tư và khoản nộp ngân sách được báo cáo tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với năm 2008. Hà Nội được nói trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông trả lời với RFA cho biết cảm nhận của ông trước những kết quả trên của chính quyền đưa ra.
Mười năm qua cũng có ý kiến thế này thế kia nhưng qua báo cáo tổng kết thì tôi thấy những thông tin đáng phấn khởi. Thứ nhất là chủ trương mở rộng là đúng đắn. Thứ hai thành quả đạt được, đặc biệt là không gian hạ tầng, hướng phát triển thủ đô trong tương lai, và thu nhập của người dân tăng lên hai lần so với trước. Tôi rất phấn khởi.
Mười năm qua cũng có ý kiến thế này thế kia nhưng qua báo cáo tổng kết thì tôi thấy những thông tin đáng phấn khởi.<br/>-Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông
Kiến trúc sư Nguyễn Khắc Trọng, chuyên ngành quy hoạch và từng làm việc tại Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội chia sẻ những điểm tích cực sau 10 năm Thủ đô được mở rộng.
Sau khi Hà Nội mở rộng thì những khu vực trước đây, tỉnh cũ sáp nhập như Hà Tây, Hòa Bình thì diện mạo cũng có thay đổi vì họ cũng được hưởng nguồn lực và chính sách đầu tư của thành phố. Khu vực nông thôn cũng được đầu tư phát triển lên. Về giao thông cũng kết nối được những vùng trong toàn thành phố Hà Nội mới.
Bất cập và lối ra
Tuy phấn khởi trước kết quả sau 10 năm mở rộng Hà Nội mà chính quyền thông báo, Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng ông không đủ cơ sở để bình luận khi chỉ dựa vào thông tin nhà nước.
Vấn đề này cần phải có đánh giá và nhìn nhận một cách thực tế, khách quan hơn và nhất là việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về mở rộng thủ đô phải có căn cứ xác thực hơn thì mới đánh giá chuẩn xác. Chứ hiện giờ thông tin tôi nắm bắt được thì cũng không đầy đủ, và số liệu thì cũng dựa trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thực tế cho thấy Hà Nội hiện nay tồn tại rất nhiều dự án treo, dự án dang dở, nhiều đô thị 'bỏ hoang' như Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Kim Chung - Di Trạch, Cienco5… Nhiều khu vực trước đây là đất nông nghiệp màu mỡ nhưng bị phân tán quy hoạch xây dựng thì nay trở nên hoang hóa, không có giá trị sử dụng.
Kiến trúc sư Nguyễn Khắc Trọng nhấn mạnh đây là hậu quả liên quan đến chủ trương sáp nhập Thủ đô 10 năm trước.
Trước đây khi Hà Nội mới bắt đầu có chủ trương sáp nhập thì chúng ta đã duyệt hàng loạt các dự án ở các khu đất nông nghiệp không phù hợp. Và bây giờ để xử lý vấn đề ấy thì rất khó, bởi vì bây giờ đất nông nghiệp đã hoang hóa rồi mà muốn trở lại đất nông nghiệp cũng không được. Mà để triển khai khu vực nhà ở hay dự án thì hiện giờ cũng không phù hợp bởi vì hạ tầng cơ sở rồi mọi thứ xung quanh không có gì để người ta có thể vào đấy ở được cả.
Phát triển của mình thì nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhưng cơ sở hạ tầng thì chưa phát triển mấy.<br/>-Người dân
Một thực tế khác cho thấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các đô thị vệ tinh ở Hà Nội hiện nay vẫn dở dang. Mặt khác, dân số thành phố đông hơn và tập trung không đồng đều khiến mục tiêu giãn dân trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ kèm theo nhiều vấn đề nan giải như tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên hay ngập lụt tại huyện Chương Mỹ đã kéo dài hơn cả tháng nay.
Dưới góc nhìn thực tế của người dân địa phương, ông Kim Bùi Minh, một người gốc Hà Tây nhận xét.
Thực ra cũng có đổi mới được tí ti, không đáng kể. Theo tôi thì hạ tầng cơ sở, đời sống người dân vẫn vậy. Ví dụ đường xá, đường làng có thay đổi một tí; nhưng trên đường quốc lộ thì vẫn vậy thôi.
Ông Phạm Thanh Tâm, một cư dân địa phương nhấn mạnh điểm bất cập của thành phố hiện nay.
Phát triển của mình thì nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhưng cơ sở hạ tầng thì chưa phát triển mấy. Nó bị tắc đường ấy. Tức là không mở rộng được. Dân cư đến rất đông, nhưng cơ sở hạ tầng mình chưa phát triển, chưa mở rộng ra.
Kiến trúc sư Nguyễn Khắc Trọng đề xuất giải pháp để giải quyết những bất cập hiện nay của Hà Nội.
Thứ nhất mình phải tập trung triển khai được những trục giao thông lớn và tuyến đường sắt đô thị mà hiện nay triển khai hơi chậm. Thứ hai là hạn chế và tiến tới là dừng triển khai các dự án nhà ở nội đô. Tạo thuận lợi và có cơ chế cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển các dự án mà trong quy hoạch cần phát triển mà hiện giờ chưa phát triển được. Nhà nước phải đứng ra triển khai các dự án hạ tầng xã hội ở các khu đô thị vệ tinh để thu hút người dân ra bên ngoài đấy.
Lời cảnh báo 10 năm trước
Đề án mở rộng Hà Nội của chính phủ được đưa ra Quốc hội thảo luận vào năm 2008 đã từng vấp phải nhiều ý kiến không tán thành. Một số Đại biểu Quốc hội đóng góp cho rằng việc mở rộng như thế là quá lớn và không phù hợp với một Thủ đô bao gồm nhiều vùng nông thôn, làng bản xa xôi. Đại biểu Dương Trung Quốc lúc ấy nói quyết định này chưa có cơ sở khoa học, chưa có ý kiến chuyên gia và nhân dân.
Đại biểu Lê Văn Cuông thì nói rằng các đại biểu tin vào sự nghiên cứu và tham mưu của các chi bộ ngành liên quan, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
Nhất là những đại biểu thiếu thông tin và không có điều kiện nghiên cứu sâu thì cũng có thể nói là tin và dựa vào cấp trên, vào những cơ quan nghiên cứu giải trình nên cũng tiếp thu và thể hiện đồng tình ủng hộ. Mặc dù một bộ phận chưa an tâm hoặc đồng tình, nhưng số đông cũng đã thống nhất phương án mở rộng như hiện tại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, người từng phản đối việc mở rộng Hà Nội vào 10 năm trước, gần đây tiết lộ trên một tờ báo trong nước rằng đây chính là quyết định của Trung ương. Ông cho biết tổng bí thư đảng lúc ấy là ông Nông Đức Mạnh trong thời gian nghỉ giải lao vào ngày bỏ phiếu đã triệu một cuộc họp kín và nói thẳng nghị quyết Trung ương đã thông qua việc mở rộng Thủ đô và việc của đảng viên là phải chấp hành.