Lãng phí và thiếu thiết thực
Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng đây là một dự án đại lãng phí, không mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội tương xứng với số tiền bỏ ra. Một số khác lại cho rằng, “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” là một hợp đồng mang lại lợi ích cho nhiều bên.
Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Vneconomy về việc có nhiều ý kiến cho rằng các công trình chuẩn bị cho đại lễ "1000 năm Thăng Long – Hà Nội" là lãng phí và thiếu thiết thực, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định "Hà Nội hoàn toàn không lãng phí tiền của vào các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội".
Để minh xác cho lời nói của mình, ông Bí thư Thành Ủy giải thích cặn kẽ từng loại hình hoạt động. Chẳng hạn, những hoạt động mang tính phi vật thể như vận động nhân dân thu dọn rác đường phố và cả "rác" trên trời, theo ông, "nếu diễn ra từ tốn, âm thầm thì sẽ không ai thấy được nên phải làm thành phong trào sâu rộng khắp thành phố".
Một vụ tiêu tiền vô tội vạ. Có những đoạn đường mà mỗi một mét vuông tự nhiên bây giờ cạy gạch lên lát lại, tốn không biết bao nhiêu tỉ tỉ đồng.
Nhà giáo Phạm Toàn
Còn 34 công trình mà thành phố đã duyệt thì đều là "vật thể", chứ không phải là "lễ tân", nói nôm na, "tiền đã quy ra thành thóc" cả đấy thôi. Riêng những món quà tặng trị giá hàng chục tỷ đồng thì chỉ là "tình cảm của cả nước đối với Hà Nội", không thể nào tính vào những khoản chi phí cho Đại lễ được.
Nhiều người ví, những chuyện xung quanh Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng giống như chuyện nghìn lẻ một đêm, nói mãi không hết. Hàng loạt công trình tiền tỷ được đưa ra, rồi bỏ, rồi hối hả triển khai, rồi giải quyết hậu quả. Nói theo kiểu nhà giáo Phạm Toàn, một trong những sáng lập viên của website bauxitevietnam, là "một vụ tiêu tiền vô tội vạ. Có những đoạn đường mà mỗi một mét vuông tự nhiên bây giờ cạy gạch lên lát lại, tốn không biết bao nhiêu tỉ tỉ đồng. Bây giờ lại đương bàn nhau đưa thủ đô lên Ba Vì."
Tuy nhiên, cũng như nhiều công trình khác, ý tưởng “dời đô” thời hiện đại cũng vấp phải không ít ý kiến phản bác vì mức độ tốn kém nhưng thiếu thực tế của nó. GS. TS. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, trả lời trên báo điện tử VnMedia rằng, ý tưởng chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hoà Lạc – chân núi Ba Vì, ngoài những tốn kém, xáo trộn, lãng phí, còn là một hành động thiếu coi trọng chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn, không phù hợp với nghìn năm lịch sử của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.

Có thể ví Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội giống như một sân khấu. Có tiết mục hoành tráng nhưng không mấy ý nghĩa, có tiết mục có nội dung nhưng lại gặp những diễn viên tệ, có tiết mục chưa kịp trình diễn đã phải hủy bỏ, dù đã bỏ nhiều tiền của đầu tư.
Dự án xây dựng khu lưu giữ 1000 hiện vật "gửi tới mai sau" được nói là đã phê duyệt từ năm 2008, nhưng đùng một cái, đến phút cuối, tức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Bí thư Thành ủy Hà Nội tổ chức họp giao ban và tuyên bố "Đây là một ý tưởng không có tính khả thi và tôi chính thức nói với báo chí là Hà Nội sẽ không thực hiện việc này". Ông thêm vào, ý tưởng trên chưa được cấp nào phê duyệt nhưng đã vội vàng công bố.
Nhiều chuyện cười ra nước mắt
Có thể thấy, những bất bình xung quanh việc tổ chức và chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long xuất hiện không những trên các trang báo, mà cả trên các blog và mạng xã hội. Facebook xuất hiện hàng loạt hội như “Hội những người ghét lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vì quá lãng phí”, “Hội phản đối những quyết định thiếu i-ốt nhân dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, “Nghìn trò lố nhân dịp 1000 năm Thăng Long”…
Mà cái điều nguy hiểm mà em sợ là bây giờ thành phố đang sạch sẽ mà bỏ một đợt nhiều tháng dài như thế, đến lúc nó lại bẩn thỉu thì làm lại sẽ rất mất công.
Hiền, sinh viên Hà Nội
Còn trang blog Lê Diễn Đức ví tiến trình sơn sửa nhà cửa, chỉnh trang đô thị chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khiến người ta "có cảm tưởng một cô gái quê mùa ghẻ lở, bệnh hoạn vừa ra thành phố lớn, chưa kịp điều trị, học hành về văn hóa ứng xử, cách ăn, lời nói thì đã tức thời phải mặc áo dài cô dâu để lên xe hoa kiếm một đấng chồng, nếu không sẽ đánh mất cơ hội" và "Thực chất, đây là dịp rất hợp lý để những người có đặc quyền lấy tiền của dân, tung ra một ít, nhưng bỏ vào tư túi một đống".
Những hào nhóang bên ngoài của những ngày lễ Tết không đủ để che lấp những nhếch nhác mỗi ngày. Hiền, một sinh viên tại Hà Nội nhận xét: "Đợt trước Tết thì thành phố cũng trang hoàng đẹp đẽ, sạch sẽ, còn bây giờ thì đâu cũng vào đấy rồi chị. Em nghĩ là đã mất công đổi rồi thì nên giữ từ giờ cho đến mùng 10/10 luôn.
Tết, ở bờ hồ làm hoa rất đẹp, ngay cả khách du lịch cũng rất thích, thấy thành phố sạch sẽ, trang hoàng. Đến hết đợt hoa rồi thôi, bỏ luôn, thấy rất là phí! Mà cái điều nguy hiểm mà em sợ là bây giờ thành phố đang sạch sẽ mà bỏ một đợt nhiều tháng dài như thế, đến lúc nó lại bẩn thỉu thì làm lại sẽ rất mất công.”
Không dưới một lần, các lãnh đạo của thành phố Hà Nội khẳng định "dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không chỉ là mít tinh, lễ hội mà cùng với đó phải là phát triển kinh tế - xã hội", "chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân".

Thế nhưng, trong tổng kết quý đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội đã tăng đến 4,72% so với tháng cuối năm 2009. Số lượng khách quốc tế giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngóai, cho dù năm 2010 được chọn là Năm du lịch quốc gia tại Hà Nội.
Là người dân mỗi ngày chứng kiến những hoạt động chuẩn bị cho dịp đại lễ, nhà giáo Phạm Toàn bức xúc: "Tôi mà là tổng thống thì tôi bắt đem hết tiền đấy ra xây trường học và chữa lại bệnh viện. Bệnh viện bây giờ 1 giường nằm 3 người mà lại đi tiêu hàng nghìn tỉ vào cái phim Lý Công Uẩn để rồi không ai xem cả. Phim chiếu xong thì thấy toàn như là người Trung Quốc.
Thế thì làm gì? Mà tất cả mọi người đều biết cái đó là không nên mà người ta cứ làm, bởi vì sự dối trá đã vào máu thịt rồi. Mà thế này, cái sự dối trá ấy lại cộng thêm với quyền lợi. Quyền lợi là người thì được tiền, người được danh, người được chức, người được tiếng, được nọ được kia. Thế thì cái gì mất? Dân tộc mất, tiền mất, rồi trẻ con, nhà trường vẫn chật. Đáng nhẽ tiền ấy có thể đem làm việc lớn được."
Giới blogger truyền tai nhau dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chính là con át chủ bài của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong cuộc chạy đua với các đối thủ khác nhắm đến một chiếc ghế cao hơn.
Blogger DongHuyen hài hước ví von những công trình giống như kiểu đào đường "đào lên, lấp xuống" rằng "các quan ta "hiệp đồng tác chiến" kiểu "xa luân chiến" để "cả làng cùng vui"". Riêng nhà giáo Phạm Toàn, ông chỉ thảng thốt kêu lên: "Đau, đau lắm cơ!"