Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Lễ kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du do nhà cách mạng Phan Bội Châu chủ trương và khởi xướng việc gởi thanh niên Việt Nam xuất ngoại du học bên Nhật, đã được tổ chức cuối tuần qua tại đại học George Mason, vùng thủ đô Hoa Thinh Đốn.
Phóng viên Đỗ Hiếu của Đài chúng tôi có mặt tại hội trường và gởi về phóng sự ghi lại diễn tiến của buổi sinh hoạt, mời quý vị theo dõi.
Phong Trào Đông Du của Cụ Phan Bội Châu được phát động cách đây đúng 100 năm nhằm mục đích gì, xin mời quý vị nghe thầy Tiến Sĩ Triệt Học Trần Đức Giang thuộc giáo hội Phật giáo Thiền Tông Nhật qua Nhật từ 1965, giải thích các chi tiết về phong trào mở mang dân trí vào đầu thế kỷ 20:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Theo tài liệu do Ban Tổ Chức phổ biến thì nhà cách mạng Phan Bội Châu ra đời tháng 12 năm 1867, tên thật là Phan Văn San, hiệu là Phan Sào Nam. Cụ còn dùng các tên khác như Phan Giải San, Sào Nam Tử, Hạo Sinh, Hiếu Hán.
Thuở nhỏ cụ đã nổi tiếng là hay chữ, bản tính hiếu động và sớm có lòng lo toan việc nước, suốt đời hoạt động hy sinh cho quốc gia, dân tộc.
Các tài liệu còn nói là mới 6 tuổi nhà chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu bắt đầu học chữ Hán và chỉ vài ba ngày đã thuộc lòng Tam Tự Kinh.
Phong trào Đông Du đã cho người dân Việt nhiều bài học lịch sử giá trị trong việc đối phó ở đời, phải biết kết hợp sự hiểu biết, khôn ngoan, thời cơ, sự may mắn, nội lực và ngoại lực mới mong giải thoát xứ sở khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Khi nói về bài học lịch sử rút ra từ Phong Trào, giáo sư Lưu Trung Khảo nhấn mạnh rằng, Phong Trào Đông Du lúc đầu thành công tốt đẹp là nhờ uy tín, tài năng và đức độ của cụ Phan Bội Châu người khởi xướng việc gởi thanh niên, sinh viên Việt Nam xuất ngoại sanh Nhật.
Cụ Phan không chịu đi thi để làm quan, đối với cụ thi cử là phương tiện hầu dễ thu phục nhân tâm trong công cuộc cứu nước khỏi ách thực dân, bị ngoại bang đô hộ.
Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm Phong Trào Đông Du tổ chức cuối tuần qua tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nghệ sĩ Trần Lãng Minh đã diễn ngâm hai bài Thơ nổi tiếng của cụ Phan với tựa đề “Sống và Chết”:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Phong Trào Đông Du bị giải tán là do sự thỏa thuận của chánh phủ Nhật Bản với chế độ thực dân Pháp về vấn đề quyền lợi thương mại và tài chánh của hai bên.
Năm 1908, tức là chỉ ba năm sau khi phong trào bắt đầu hoạt động, Nhật đã giải tán Phong Trào Đông Du và trục xuất cụ Phan cũng như toàn thể du sinh viên Việt Nam khỏi lảnh thổ Xứ Phù Tang. Cụ Phan rời Nhật bản vào tháng ba năm 1909 trên chiếc tàu Shinanomaru, rời cảng Yokohama để đến Hồng kông.
Riêng cụ Phan Bội Châu thì bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Huế vào năm 1925. Cụ lưu lại Trung quốc để tíêp tục hoạt động cách mạng cho đến khi Pháp bị bắt khi đang trên đường từ hàng Châu lên Thựơng hải. Sau đó, cụ bị giải về Việt Nam. Lúc đó là tháng 5 năm 1925.
Riêng về chuyện bị bắt, thì cụ có nói nguyên văn như sau, ai dè lúc tôi ra đi, mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với ngừoi Pháp. Nhưng ai là ngừơi đã báo thì cụ không nói, và đây vẫn là một nghi án rất lớn cho đến nay.
Cuối năm ấy, trước toà án Hà nội, cụ bị kêu án tử hình, nhưng được tòan quyền mới thời đó là ông Varenne thuộc đảng xã hội, một người có tính cởi mở, quyết định khoan hồng, nhưng đưa cụ vào an trí tại Huế.
Cụ Phan Bội Châu mất tháng 10 năm 1940, thọ 74 tuổi. Tuy công cuộc kháng Pháp của cụ Phan không thành công, và phong trào Đông Du không tồn tại lâu, nhưng dư âm của Phong Trào còn vang vọng đến ngày nay.
Sự dấn thân, lòng yêu nước bất khuất, tinh thần học hỏi, tính khiêm nhường một lòng vì nước vì dân của các nhà chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để mãi mãi là ngọn đuốc sáng cho hậu thế.
Cụ Phan Bội Châu đã để lại cho đời trên dưới 100 tác phẩm khác nhau về nhiều lãnh vực như chính trị, văn học, nghệ thuật, đạo đức, kinh tế.
Tổng kết cả đời, cụ Phan đã viết trên 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau được xem là đa dạng, thâm sâu, hùng hồn, uyên bác. Tiếc rằng một số khá lớn đã bị thất lạc.
Theo học giả Đỗ Thông Minh thì hiện nay có một số đông người Việt và thân hữu ngoại quốc đang ráo riết vận động để cơ quan UNESCO vinh danh cụ Phan Bội Châu là Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới :
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Phát biểu cảm tưởng sau khi đến tham dự lễ kỷ niệm 100 Phong Trào Đông Du, cụ Phan Vỹ một nhân sĩ trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn nói với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đỗ Hiếu, phóng viên Đài Á Châu Tự Do tường trình từ đại học George Mason, vùng thủ đô Washington.