Thêm 11 người Thượng định cư tại Hoa Kỳ

Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Campuchia đã thu xếp cho 11 người Thượng Tây Nguyên nhận quy chế tỵ nạn tại Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư, ngày 9 tháng 3 năm 2011.

0:00 / 0:00

Sau khi ba bên Campuchia, Việt Nam và Cơ quan Cao ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR) kết thúc một thỏa thuận về việc giải quyết các vấn đề người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia để xin tỵ nạn, UNHCR mới thu xếp cho 11 người Thượng được cấp quy chế còn lại đi định cư tại Hoa Kỳ. Còn những người buộc phải hồi hương trước đây thì cho biết họ đang bị phân biệt đối xử.

Nhóm người dân tộc thiểu số đào thoát từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam lưu trú tại trại tỵ nạn ở giữa Thủ đô Phnom Penh có tổng cộng là 75 người, đã lần lượt vượt biên từ năm 2004 đến cuối năm 2010. Trong số người dân tộc thiểu số này đã có 28 Nam, và 47 Nữ.

Vào ngày 7 và ngày 9 tháng 2 vừa qua, có 50 người Thượng được Cơ quan Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Campuchia đưa họ đi định cư tại Canada; 4 người khác sang định cư tại Hoa Kỳ vào ngày 15/2; 10 người không được cấp quy chế tỵ nạn buộc phải trục xuất về Việt Nam vào lúc 6 giờ sáng ngày 16/2. Còn 11 người nhận được quy chế xét lại sau khi trại bị đóng cửa, thì Cơ quan UNHCR mới thu xếp họ đi định cư tại Hoa Kỳ hôm thứ Tư.

Phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Campuchia Khiev Sopheak cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều thứ Năm, ngày 10 tháng 3 rằng, Bộ Nội Vụ Campuchia từng báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhân chuyến thăm và làm việc tại Campuchia là 11 người Thượng Tây Nguyên vừa nêu sang định cư tại Hoa Kỳ, còn trại tỵ nạn người Thượng thì buộc phải đóng cửa. Song song đó, ông nhận định rằng, 10 người Thượng không được cấp quy chế buộc phải hồi hương vừa qua, thì đương nhiên chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền lợi của họ cũng như quyền bày tỏ ý kiến, nhân quyền và tự do tôn giáo.

Ông Khiev Sopheak bác bỏ bất kỳ lời phê bình từ các tổ chức nhân quyền liên quan việc đóng cửa trại tỵ nạn và trục xuất 10 người Thượng về Việt Nam, “bất cứ lời phê phán nào là quyền hạn của họ, tuy nhiên chúng phải biết Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, là nước có nền kinh tế phát triển, là nước không còn chiến tranh. Do đó, nếu như UNHCR thành lập trại để nhận người Thượng đào thoát từ Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng không thể nào UNHCR có thể giải quyết hết vấn đề người Thượng bởi vì khi có trại giống như là nơi đón nhận người Thượng. Nhưng chúng ta biết rằng, người Thượng ở Việt Nam họ sống an lành, có quyền tự do và không bị đàn áp. Nhóm người Thượng sang để xin tỵ nạn tại Campuchia có một số người bị lôi kéo, một số người bị dụ dỗ phải trả một số tiền lớn cho các đường dây để được đi định cư nước ngoài.”

Nhóm người Thượng sang để xin tỵ nạn tại Campuchia có một số người bị lôi kéo, một số người bị dụ dỗ phải trả một số tiền lớn cho các đường dây để được đi định cư nước ngoài.<br/>Ông Khiev Sopheak<br/>

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch lên tiếng trong thông cáo của mình ra hôm thứ Sáu, ngày 4 tháng 3 rằng, Campuchia không nên phủ nhận quyền căn bản của người Thượng khi họ sang nước này để xin tỵ nạn. Campuchia là một nước ký Công ước tỵ nạn Liên Hiệp Quốc 1951, Campuchia có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền của tất cả những người xin tỵ nạn trong biên giới của mình. Việc đóng cửa trại tỵ nạn người Thượng, sẽ không thể thay đổi các nghĩa vụ này.

Tổ chức Human Rights Watch đã bày tỏ lo ngại rằng, sau khi trại tỵ nạn bị đóng cửa, thủ tục xin tỵ nạn của người Thượng trong tương lai sẽ không được xem xét và đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tình trạng người hồi hương

Vào ngày 24-25 tháng 1 năm 2005, tại Hà Nội, ba bên gồm Việt Nam, Campuchia và Cơ quan Cao uỷ tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) đã ký bản ghi nhớ về việc giải quyết các vấn đề người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia và đang ở các trại tạm cư ở Campuchia.

mecon-cambodia-170.jpg
Hai mẹ con người Thượng VN tại Campuchia. RFA file (Hai mẹ con người Thượng VN tại Campuchia. RFA file)

Các bên đồng ý cần tăng cường hợp tác phối hợp để tìm giải pháp cuối cùng cho khoảng 750 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang ở các trại tạm cư ở Campuchia. Để đạt được việc này, các bên đồng ý sớm thu xếp cho đi định cư những người muốn đi định cư ở nước thứ ba và nhanh chóng đưa về Việt Nam những người tự nguyện hồi hương. Đối với những người không muốn đi tái định cư ở nước thứ ba hoặc không muốn trở về Việt Nam, sẽ có một tháng để quyết định lựa chọn. Nếu sau thời gian đó họ không quyết định, chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam đưa họ trở về trong trật tự an toàn phù hợp với Luật pháp Quốc gia và Luật pháp Quốc tế.

Nội dung của biên bản ghi nhớ còn cho biết, những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đến Campuchia sau ngày ký thoả thuận này, Chính phủ Hoàng gia Campuchia và UNHCR sẽ xem xét và quyết định cho họ đi định cư hoặc đưa họ trở về Việt Nam. Những người trở về Việt Nam sẽ không bị trừng phạt hoặc phân biệt đối xử hoặc truy tố về tội ra đi bất hợp pháp.

Tuy nhiên một người Thượng trong số 10 người bị buộc hồi hương vào ngày 16 tháng 2 vừa qua cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều thứ Năm rằng, sau khi ông đi tới nhà đã có nhiều công an và bộ đội biên phòng từ cấp xã đến cấp tỉnh đang chờ đợi để điều tra và hâm dọa. Hiện, ông vẫn bị mời đi làm việc tại Ủy ban xã.

Người ta hỏi tại sao lại vượt biên? Công an huyện lên đón, họ định đánh em rồi, nhưng may có công an tỉnh chặn lại.

Một người hồi hương

Ông cho biết thêm với điều kiện không tiết lộ danh tính: “Người ta hỏi tại sao lại vượt biên? Công an huyện lên đón, họ định đánh em rồi, nhưng may có công an tỉnh chặn lại. Hỏi em lý do gì chạy sang Campuchia? Em trả lời là vì khó khăn quá mới chạy sang Campuchia. Họ hỏi em, sao mày không ở Campuchia luôn?"

Người Thượng Tây Nguyên này còn biểu lộ với RFA rằng, ông rất cám ơn Chúa đã đưa người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sang định cư tại nước thứ ba. Ông nói rằng, nếu như Campuchia đảm bảo quyền căn bản người Thượng hay có trại người Thượng Tây Nguyên tại Campuchia, thì ông và những người Thượng khác sẽ tiếp tục chạy sang Campuchia trong trường hợp chính quyền địa phương đe dọa, vi phạm quyền tự do tôn giáo hoặc đàn áp những người bất đồng chính kiến.