Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
RSF tức Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp đã phổ biến danh sách gồm 15 quốc gia bị xem là kẻ thù của Internet. Những nước này đang bị đặt dưới sự thống trị của các chế độ cộng sản, độc tài, quân phiệt và vô tôn giáo.
Trong số 15 nước đó có Việt Nam, vì Hà Nội bị RSF cáo buộc là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, bắt bớ những người cầm bút vận động ôn hòa cho tự do, dân chủ. Hiện nay bốn nhân vật bất đồng chính kiến là các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang còn ngồi tù vì đã phổ biến ý kiến phát huy dân chủ trên Internet.
15 quốc gia bị ghi tên trong danh sách do RSF phổ biến kể theo thứ tự ABC là Belarus, Burma tức Miến Điện, China, tức Trung Quốc, Cuba, Iran, Libya, Maldives, Nepal, North Korea tức Bắc Hàn, Saudi Arabia, tức Saudi Arabia, Syria, Tunisia, Turkmenistan, Uzbekistan va Việt Nam.
Mặt khác, khi RSF xếp hạng các quốc gia tôn trọng tự do báo chí, đừng đầu danh sách và những nước bóp nghẹt tự do ngôn luận nằm cuối bảng thì Việt Nam đứng hàng thứ 158 trên tổng số 167 nước khắp hoàn cầu.
Trước đây, RSF đã nêu tên nhiều cấp lãnh đạo bị xem là sát thủ của làng báo, trong số đó có ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Kiểm soát gắt gao
Hiện giờ, nhà nước Việt Nam đang theo đuổi chủ trương kiểm soát gắt gao các websites cũng như các quán cà phê Internet. Chủ nhân phải ghi đầy đủ chi tiết về lý lịch của những khách hàng lui tới đây hàng ngày để trình báo với công an Internet.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
RSF cũng nhiều lần lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho các vị lãnh đạo tôn giáo, các nhà vận động cho dân chủ, nhân quyền, hiện còn đang ngồi tù.
Giới truyền thông quốc tế và hiệp hội báo giới cho hay hiện nay tại Việt Nam có hơn 700 nhật báo và tạp chí, nhưng tất cả đều do nhà nước kiểm soát hay quản lý. VNN nói, trong nước hiện giờ có trên 13 ngàn nhà báo được cấp thẻ ký giả, phóng viên, nhưng họ đều là đảng viên, cán bộ hưởng lương bổng của nhà nước, vì cho tới nay tư nhân bị cấm ra báo hay lập những websites trên mạng Internet.
Giới quan sát cho rằng, chính vì thế mà các nhà báo này chỉ là những người làm công tác tuyên truyền theo mệnh lệnh của đảng và nhà nước.
Xử lý nghiêm khắc
Khi được hỏi vì sao Việt Nam bị ghi vào danh sách 15 quốc gia là kẻ thù của Internet, ông Vincent Brossel, thuộc RSF tại Paris giải thích rằng nhà nước cộng sản Việt Nam bắt chước gần như rập khuôn theo kiểu mà Trung Quốc áp dụng lâu nay để kiểm soát, ngăn chặn và phong tỏa Internet.
Chế độ Hà Nội không có nhiều tiền và phương tiện như của Bắc Kinh để kiểm soát hữu hiệu việc truy cập Internet, nhưng Hà Nội đã cho thành lập lực lượng hùng hậu công an Internet để sàng lọc những nội dung bị xem là phản động, gây nguy hại cho chế độ và xử lý nghiêm khắc những ai dám mạnh dạn lên tiếng cổ võ cho tự do, dân chủ.
Mới đây, một thính giả nghe RFA đã gởi thơ góp ý với Ban Việt Ngữ chúng tôi và nói rằng: "Vấn đề tự do nghe, nhìn và diễn đạt tư tưởng của người dân Việt Nam hiện nay đều bị nhà cầm quyền tước đoạt hết.
Chẳng nói gì xa, sự việc rất nhiều người dân không vào được Internet cũng đủ cho thấy sự cấm đoán, và nếu người dân ở Việt Nam lên tiếng, mà tiếng nói đó không đúng theo khuôn mẫu của nhà nước đặt ra thì đều bị coi là phản động.”
Vẫn theo Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới thì tại các nước coi Internet là kẻ thù của họ, các websites hay trang nhà độc lập bị ngăn chặn, bị theo dõi ráo riết, những nhân vật đối lập với nhà cầm quyền bị bắt bớ, hăm dọa, sách nhiễu, ám hại hoặc bị kết án nặng nề.