17/2/1979 Trung Quốc tổng tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến chỉ kéo dài vỏn vẹn một tháng, nhưng vô cùng quyết liệt và đẫm máu.
40 năm sau cuộc chiến đó, RFA điểm lại một số diễn biến và đánh giá hậu quả của cuộc chiến này.
Theo số liệu của nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh người Mỹ là tướng James Willbanks, tổng số quân của Trung Quốc được huy động trong cuộc chiến tranh này có thể giao động từ 200 ngàn đến 450 ngàn quân với 6 quân khu phía Nam Trung Quốc tham gia, trong tổng số 11 quân khu trên toàn Trung Quốc. Đối lại, phía Việt Nam có khoảng 130 ngàn quân bao gồm một số sư đoàn quân chính qui và lực lượng vũ trang của địa phương.
Cuộc chiến tranh nổ ra ở ba điểm chính là Lạng Sơn, Cao Bằng, và Lào Cai. Các thị xã này đều nằm sát biên giới với Trung Quốc.
Tuy với quân số vượt trội, yếu tố bất ngờ, cộng với khoảng 200 xe tăng, nhưng Trung Quốc đã tiến quân rất chậm chạp vì sự kháng sự mạnh của quân Việt Nam. Phải đến ngày 25/2 Trung Quốc mới chiếm được Cao Bằng, còn Lạng Sơn và Lào Cai chỉ thất thủ vào ngày 5/3, sau ba tuần lễ giằng co với một lực lượng Việt Nam nhỏ hơn nhiều.
Sau khi chiếm được Lạng Sơn, Trung Quốc tuyên bố rút quân, với lý do là đã hoàn thành nhiệm vụ “dạy cho Việt Nam một bài học”, và đến ngày 16/3 toàn bộ quân Trung Quốc rút sang bên kia biên giới.
Thiệt hại của hai bên được đưa ra từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng theo các con số của các nhà nghiên cứu phương Tây, có khoảng 18 ngàn binh lính Trung Quốc bị giết chết, phía Việt Nam từ 20 đến 35 ngàn thương vong.
Cuộc chiến tranh sau đó rơi vào thế giằng co và bùng phát trở lại vào năm 1984 khi Trung Quốc tung ra cuộc tấn công chiếm núi Lão Sơn thuộc biên giới tỉnh Hà Giang của Việt Nam.
Ông Ngô Nhật Đăng, một cựu chiến binh cuộc chiến 1979 nhớ lại giai đoạn đó:
"Sau khi cuộc chiến chính thức chấm dứt, đến năm 1982 thì căng thẳng trở lại và kéo dài đến năm 1985. Trong đó có trận Lão Sơn tại mặt trận Hà Giang rất khốc liệt."
Trung Quốc đã chiếm được núi Lão Sơn, cùng một điểm cao chiến lược khác từ tay Việt Nam, và những cuộc phản kích để tái chiếm của quân Việt Nam đều thất bại.
Việt Nam bị thiệt hại to lớn nhưng cũng đã hủy diệt được sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Từ cuộc chiến tranh này Trung Quốc thức tỉnh để xây dựng quân đội.<br/>-Tiến sĩ Đinh Kim Phúc.
Căng thẳng biên giới Việt Trung sau đó giảm dần đi cho tới khi hai nước ký hiệp định bình thường hóa quan hệ hai nước tại Thành Đô, Trung Quốc.
Nhận định về kết quả của cuộc chiến về mặt quân sự, nhà nghiên cứu người Mỹ Charlie Gao, viết trên trang mạng National Interest của Mỹ vào tháng 11/2018, cho rằng trận chiến biên giới 1979 là một thất bại thảm hại của Trung Quốc, nhưng sau đó người Trung Quốc đã cải tổ quân đội, tiến đến giành thắng lợi quân sự trong trận chiến Lão Sơn năm 1984. Và đi xa hơn nữa, cuộc chiến 1979, theo ông Gao đã làm cho Bắc Kinh cải tổ triệt để quân đội để có được quân đội Trung Quốc mạnh như hôm nay.
Ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, cũng là một quân nhân trong giai đoạn 1979 chia sẻ quan điểm này của ông Gao:
"Việt Nam bị thiệt hại to lớn nhưng cũng đã hủy diệt được sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Từ cuộc chiến tranh này Trung Quốc thức tỉnh để xây dựng quân đội, hiện đại hóa quân đội thành một nước Trung Quốc có quân đội hùng mạnh như ngày nay."
Tướng James Willibanks vào tháng 11/2017, dẫn lời nhà nghiên cứu Gerald Segal vào năm 1985 cho rằng Trung Quốc đã thất bại về nhiều mặt trong cuộc chiến năm 1979, trong đó mục đích lớn của họ là tạo áp lực để quân đội Việt Nam rút ra khỏi Campuchia không thành công.
Tuy nhiên về chính trị và ngoại giao, tướng Willibanks cho rằng Trung Quốc đã thắng, ít nhất trong việc làm cho thế giới thấy rằng hiệp ước liên minh Việt Nam Liên Xô ký trước đó là không có giá trị vì quân đội Xô Viết đã không làm gì để ứng cứu đồng minh Việt Nam.
Ông Đinh Kim Phúc nhận xét:
"Về mặt ngoại giao Việt Nam không được thế giới ủng hộ trong cuộc chiến tranh này, bởi lẽ họ cho rằng đây là cuộc chiến giữa hai an hem đồng chí với nhau, không phải là cuộc chiến hủy diệt có thể bị lên án như định nghĩa của người phương Tây."
Ông Đinh Kim Phúc nói thêm là ngoài ra, sau cuộc chiến này, dù thành công về mặt quân sự nhưng Việt Nam chìm đắm vào những khó khăn kinh tế trầm trọng, thậm chí có thể so sánh là trầm trọng hơn khó khăn mà miền Bắc gặp phải khi tiến hành cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
40 năm sau nhìn lại cuộc chiến tranh 1979, cùng một số nhà nghiên cứu khác, ông Đinh Kim Phúc cho rằng nó là kết quả của sự đối đầu trong khối cộng sản, giữa một bên là Liên Xô, còn bên kia là Trung Quốc.
Sự đối đầu này đã bắt đầu trước đó 10 năm bởi một cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc Liên Xô, tuy ngắn ngủi nhưng cũng rất đẫm máu.
Ông Đinh Kim Phúc cho rằng bài học lớn nhất rút ra là không để cho một cuộc chiến tranh xảy ra trên đất nước mình vì những tính toán và xung đột ý thức hệ giữa các cường quốc với nhau.