Năm 2020: Thiên tai bất thường, thiệt hại tăng nặng hơn do ‘nhân tai’

0:00 / 0:00

Trong năm 2020, thiên tai tại Việt Nam được các chuyên gia nhận định là diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền... với nhiều loại hình thiên tai như bão từ biển Đông, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, sụt lún đê biển... Đặc biệt là 13 cơn bão, mưa lũ lịch sử, sạt lở đất kinh hoàng... khiến miền Trung phải trải qua 45 ngày liên tục nhấn chìm trong bão lũ.

Thiên tai khốc liệt

Những năm gần đây, chưa bao giờ Việt Nam phải hứng chịu thiên tai dồn dập như vậy. Chỉ riêng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 năm 2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Việt Nam nằm cạnh Biển Đông với bờ biển dài, năm nào cũng phải hứng chịu bão lũ. Nếu tính riêng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, bờ biển miền Trung dài 1.200km, mùa mưa bão ở miền Trung thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Mỗi năm trung bình có khoảng 5 - 8 cơn bão, tuy nhiên năm 2020, con số này tăng gần gấp đôi.

Năm lụt ni là nhà Chị lên sâu 2 mét lận... hơn mấy năm trước hết... đồ trôi hết... của chi, tủ đồ chi, bàn trôi hết, tủ lạnh chi ướt hư hết, máy cày chi cũng hư hết, xe chi cũng hư.
-Chị Hồ Tất Ngôn

Chị Hồ Tất Ngôn, một người dân ở Quảng Trị khi trả lời RFA hôm 21/12 nhớ lại khi bão lũ tấn công nhà mình vào tháng 10 năm 2020:

“Năm lụt ni là nhà Chị lên sâu 2 mét lận... hơn mấy năm trước hết... đồ trôi hết... của chi, tủ đồ chi, bàn trôi hết, tủ lạnh chi ướt hư hết, máy cày chi cũng hư hết, xe chi cũng hư. Năm nay thì chính phủ cũng cho nhiều hơn mấy năm trước vì lụt nhiều, vô ngâm hết hai ba ngày, mà vô hai đợt luôn... do trời mưa to thì nước to và do họ xả đập đó.”

Tại Hội nghị ‘Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới’ diễn ra hôm 21 tháng 12, đại diện Văn Phòng Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai của Việt Nam thừa nhận lại rằng năm 2020 thiên tại diễn biết phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền trên cả nước. Từ đầu năm đến lúc đó tổng số trận thiên tại ghi nhận được là hơn 458, khiến 342 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến hơn 33.500 tỷ đồng.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 20/12, nhận định:

“Theo tôi, tình hình bão lũ năm 2020 ở các tỉnh miền Trung năm 2020 do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những cái người ta nói nhiều nhất là cường độ bão đến từ biển Đông đi vào miền Trung dồn dập hơn, nhiều hơn. Nó gây ra một lượng mưa rất lớn, nhiều nơn từ 150mm đến 200 mm trong một ngày. Lượng mưa lớn làm cho các vùng bị ngập một cách nhanh chóng, và hầu hết hồ chứa trên núi mau chóng đầy và phải xả khẩn cấp. Cộng thêm sự phát triển của các thủy điện nhỏ dầy đặc ở các vùng sườn núi miền Trung. Lượng thủy điện này đã tham gia phá rừng để làm hồ chứa.”

edc9e4c5-58ca-40be-9641-ce9444a2f7f0.jpg
Hình minh hoạ. Các xã ở Quảng Trị bị ngập lụt - hình chụp hôm 13/10/2020. Reuters.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, việc trồng lại rừng sau khi phá lại không như mong muốn, chất lượng thấp. Khi lượng mưa lớn và dồn dập sẽ làm cho đất mất ổn định do ngấm nước nhiều, đến gia đoạn nào đó sẽ gây sạt lở, làm nhiều người chết và gây thiệt hại rất lớn. Ông nói tiếp:

“Vừa rồi chính phủ yêu cầu các tỉnh miền Trung rà soát lại các dự án thủy điện, không cho các thủy điện nhỏ tích nước nếu không đủ các điều kiện nhất định. Đồng thời cũng loại bỏ một số thủy điện kém và dầy đặc. Ngoài ra một thủy điện bị rút giấy phép vì không theo quy định phòng lũ. Tuy nhiên theo tôi, trong thời gian tới thì quan trọng nhất là phải giữ được thảm rừng ở vùng sườn núi. Nếu tiếp tục làm vậy, rừng sẽ bảo vệ đất đai ở đó. Tuy nhiên nếu chất lượng rừng mà kém quá, bộ rễ không đủ dầy, thì nguy cơ sạt lở và lũ quét sẽ tăng lên.”

Tác hại của phá rừng làm thủy điện

Trong năm 2019, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 9 tỉnh tại Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên giảm so với năm 2018. Nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk giảm còn 11.420 hecta diện tích đất rừng, Đắk Nông 7.157 hecta, Quảng Bình 3.337 hecta, các tỉnh còn lại là Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế và Bình Định...

Còn theo thông tin truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.

Vậy diện tích rừng bị phá một cách ‘hợp pháp’để thi công thủy điện, thì trách nhiệm thuộc về ai?

Việc lợi dụng giấy phép xây dựng thủy điện nhỏ để phá rừng, thì đáng tiếc nó là câu chuyện rất thường hay xảy ra ở Việt Nam. Bởi vì những địa phương cấp giấy phép xây dựng thủy điện nhỏ không có các giải pháp như cảnh báo trước diện tích rừng bị chặt phá
.-Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long

Từ Hà Nội hôm 21/12, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022 nhận định:

“Việc lợi dụng giấy phép xây dựng thủy điện nhỏ để phá rừng, thì đáng tiếc nó là câu chuyện rất thường hay xảy ra ở Việt Nam. Bởi vì những địa phương cấp giấy phép xây dựng thủy điện nhỏ không có các giải pháp như cảnh báo trước diện tích rừng bị chặt phá trong giấy phép vừa đúng theo thiết kế của thủy điện nhỏ. Hay những con đường dẫn vào thủy điện nhỏ cũng phải được kiểm soát đi theo hướng nào, chiều rộng bao nhiêu là vừa phải... Và nếu mức chặt phá rừng tự nhiên mà quá nhiều thì có lẽ không nên phê duyệt những dự án như vậy.”

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

Sau nhiều trận mưa lớn kéo dài do bão, vào ngày 12/10/2020, ngọn núi nằm cạnh thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế đã đổ xuống, san phẳng nhà điều hành, làm 17 công nhân bị vùi lấp. Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 một lần nữa dấy lên lo ngại về thực trạng phá rừng, xây thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.

Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trước đây một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đak Men 3 tỉnh Kontum, Đak Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình, cho thấy cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình bộc lộ nhiều bất cập.

Trước đó, thiệt hại đáng chú ý nhất xảy ra vào tháng 6 năm 2013, khi Đập thủy điện Ya Krel 2, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ do chất lượng kém, khiến hai 2 người bị nước cuốn trôi, gần 30 hecta hoa màu ở phần hạ du bị ngập trong nước, bị thiệt hại gần như hoàn toàn.

e265bfa1-0c8d-4843-97ee-a5a7a71842f5.jpg
Dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chỉ có công suất 5MW nhưng cũng lấy đi 46,96ha rừng. Courtesy tainguyenmoitruong.vn

Tuy nhiên Giáo sư Trần Đình Long khi trả lời RFA vào ngày 5/11/2020 lại cho rằng:

“Đừng có thấy một vài sự cố nào đó mà đổ hết lỗi cho thủy điện nhỏ, thì chắc cũng không đúng. Bởi vì đóng góp của nó đối với việc sử dụng, tận dụng năng lượng tái tạo là rất tốt. Tôi biết một số nước Châu Âu có những nguồn khoảng 3MW thì người ta cũng tranh thủ xây dựng thủy điện nhỏ. Không phải bất cứ thủy điện nhỏ nào cũng là xấu, là có hại đâu.”

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, trong cơ cấu nguồn điện quốc gia Việt Nam, thủy điện chiếm tỷ trọng 40% về công suất lắp đặt và góp 37% điện năng.

Trước nhiều ý kiến dư luận cho rằng, lũ lụt ở miền Trung những ngày qua có một phần nguyên nhân là do phá rừng..., Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị, khi trả lời truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 21 tháng 10 năm 2020, lại phát biểu cho rằng: ‘nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng, mà do biến đổi khí hậu.’(!?)

Theo giải thích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, biến đổi khí hậu là sự thay đổi khí hậu mang tính toàn cầu, nó sẽ dẫn đến những vấn đề thiên tai cực đoan xảy ra nhiều hơn. Nhưng một khi thiên tai cực đoan xảy ra nhiều hơn mà có yếu tố phá rừng, như việc con người làm thủy điện, chặt cây rừng... thì lúc có mưa bão nhiều, đất sẽ bị ngậm nước nhão đi, không có bộ rễ giữ lại thì sẽ sạt lở... Tóm lại theo ông có hai nguyên nhân là biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, cộng thêm yếu tố phá rừng thì nó làm cho sạt lở trở nên nặng nề và đột ngột, ngoài kiểm soát của con người.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 22/12 giải thích thêm:

“Thủy điện nhỏ thì với áp lực thiếu năng lượng, thì Việt Nam đã có thời gian chủ trương phát triển thủy điện. Thế nhưng không lường trước được với quá nhiều thủy điện nhỏ, riêng chuyện tích nước ở nhiều chỗ khác nhau với mật độ quá dầy đã làm thay đổi bề mặt trái đất ở vùng đó. Thứ hai Việt Nam đã chấp nhận chuyển sang làm thủy điện từ những nơi rừng không phát triển, rừng nghèo kiệt kể cả rừng tự nhiên và rừng sản xuất... như vậy cũng đã làm mất rừng. Tất cả những chuyện đó tôi cho rằng nhà nước Việt Nam tính toán chưa kỹ lưỡng, dẫn đến hậu quả nửa cuối năm 2020 xảy ra tổn hại do tai biến thiên nhiên, cộng với tác động của con người làm cho tổn hại nhiều hơn nhiều lần.”

Tôi cho rằng nhà nước Việt Nam tính toán chưa kỹ lưỡng, dẫn đến hậu quả nửa cuối năm 2020 xảy ra tổn hại do tai biến thiên nhiên, cộng với tác động của con người làm cho tổn hại nhiều hơn nhiều lần.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Không chỉ ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Nguyễn Quốc Trị bênh vực việc phá rừng làm thủy điện. Vào sáng ngày 5 tháng 11 năm 2020, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam cho rằng, trong đợt lũ vừa qua, nếu ‘không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn’. (!?)

Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, người sáng lập Tổ chức Rừng Gọi ở Nam Cát Tiên - Đồng Nai, khi trả lời RFA hôm 21 tháng 10 năm 2020, nói:

“Với tư cách là một chuyên gia, tôi thấy rừng có khả năng giữ nước, có khả năng bảo vệ đất, nhất là rừng ở trên vùng núi cao, đỉnh núi, đỉnh đồi... bây không còn rừng thì mưa xuống sẽ thấm vào, không có bộ rễ giữ đất với nhau, làm nhão đất thì sụp đổ, đó là chuyện tất nhiên.”

Theo Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, Việt Nam có những vùng hứng chịu gió bão, đó là điều không may mắn, nhất là người dân miền Trung. Đó cũng là lý do vì sao ông mong muốn mọi người cùng nhau tỉnh thức, cùng nhau san sẻ tình yêu thương đến mọi người, nhất là đồng bào miền Trung, khúc ruột của Việt Nam đang bị tổn thương do bão lũ... Ông nói tiếp:

“Cái gốc của vấn đề là tôi thấy mình phải gìn giữ màu xanh, gìn giữ nền tảng của môi trường đang giúp chúng ta, đang nuôi sống chúng ta. Nếu chúng ta phá hủy nó là sẽ mang tội, và sẽ phải gánh chịu. Gánh chịu này không phải trực tiếp người phá rừng gánh chịu, mà cả một hệ thống, đất nước, nhân loại gánh chịu... Nên tôi mong mọi người hãy cùng nhau tỉnh thức.”

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo, tàn phá thiên nhiên do con người gây ra thì cái giá phải trả rất đắt. Việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nếu thiếu bền vững, đồng bộ... sẽ dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở của các ngành địa phương không thống nhất, mạnh ai nấy làm... dẫn đến việc phòng tránh thiên tai ngày càng phức tạp và không hiệu quả.

Hôm 20/10/2020, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương cho hay, từ năm 2012 đến 2019 đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh loại bỏ 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm:

“Vừa rồi sau tháng 10, tháng 11 với những thảm họa bão lũ, ngập nước lâu ngày, sạt lở đất... thì chính phủ Việt Nam đã cho dừng lại các thủy điện vừa và nhỏ chuẩn bị thi công. Đồng thời cũng rà soát lại các thủy điện đang thi công hoặc vận hành... Tôi cho rằng cho đến cuối năm 2020 này, đó là biểu hiện khá tích cực. Tất nhiên vẫn phải có thái độ rất cương quyết, thì chúng ta phải chờ đợi xem chính phủ sẽ thực hiện như thế nào.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, để đánh giá được tất cả các giải pháp đã đề ra, phải có thời gian khảo sát diện rộng để đánh giá chất lượng rừng, xem tỷ lệ rừng tự nhiên còn bao nhiêu, bộ rễ như thế nào. Đồng thời phải đánh giá một lần nữa hệ thống rừng trồng lại chất lượng đến đâu, sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, nếu làm tốt và kiểm soát chặt chẽ thì cũng phải cần ít nhất 30 năm trở lên, thì mới kỳ vọng khôi phục được một phần rừng tự nhiên ở các vùng núi miền Trung.