Đại lễ kỷ niệm 30 năm GHPGVNTN vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam (II)

Ỷ Lan tường trình từ California

Hôm Chủ Nhật vừa qua, tại chùa Diệu Pháp miền Nam California, khoảng 2000 chư tăng ni phật tử và đồng bào các giới đã có mặt tham dự đại lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

RyszardCzarnecki150.jpg
Dân biểu Quốc hội Châu Âu ông Ryszard Czarnecki. Photo courtesy of wikipedia

Phái viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ có mặt tại chỗ có bản tường trình mà sáng nay chúng tôi đã gửi đến quý thính giả. Cũng trong dịp này, phái viên Ỷ Lan đã ghi nhận phát biểu của một số đại diện dân cử Âu châu và Hoa kỳ cũng như cảm nghĩ của ban tổ chức và một nữ tu sĩ tham dự.

Phát biểu của Dân biểu Ryszard Czarnecki

Ông Ryszard Czarnecki, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, đã đến tham dự để thay mặt cho các đồng viện nói lên sự quyết tâm hậu thuẩn của quốc hội Châu Âu đối với Phật giáo đồ đang đấu tranh trong nước và kinh nghiệm nước Ba Lan thoát ly độc tài. Ông nói:

“Trước hết tôi xin ngỏ lời cám ơn Ban tổ chức đã có lòng mời tôi đến tham dự Đại lễ quan trọng kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ngày hôm nay. Tôi là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và là người Ba Lan, một quốc gia ở Trung Âu, là xứ sở đã kinh qua gần nửa thế kỷ dưới chế độ Cộng sản khủng khiếp.

Đây quả thật là một kinh nghiệm đau đớn, một kinh nghiệm cho tòan dân tộc chúng tôi, mà cũng là một kinh nghiệm cho bản thân tôi. Suốt 25 năm, tôi sống dưới chế độ cộng sản, dưới cái bóng của “Đế chế bạo ác” - như Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Regan điềm chỉ.

Tôi biết rằng những người Việt Nam thương nước cũng có những kinh nghiệm riêng, nhưng tôi tin chắc rằng những kinh nghiệm của bản thân tôi và của nước tôi có thể mang lại bổ ích cho quý vị. Dù chúng ta đang sống trong ba châu lục khác nhau : Á châu, Hoa Kỳ và Âu châu, hàng nghìn cây số cách xa, nhưng chúng ta đều cùng chung một lối nghĩ và một cách nhìn.

Khoảng 95% dân chúng Ba Lan theo Thiên chúa giáo, trên 75% dân chúng Việt Nam theo đạo Phật. Những người tín hữu chúng ta thuộc thành phần đa số tại hai quê hương chúng ta. Các bạn, những người Phật tử, là thành phần đa số trên quê hương các bạn. Các bạn không là thiểu số, mà là đại đa số.

Nói tóm, tự do tôn giáo không là một đặc ân, tự do tôn giáo là một chân lý cơ bản, là quyền con người cơ bản.

Châu Âu luôn nhớ nghĩ tới những người Phật tử Việt Nam.

Châu Âu luôn nhớ nghĩ tới cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam.

Quốc hội Châu Âu bảo vệ và quyết tâm bảo vệ tự do tôn giáo nói riêng và nhân quyền nói chung tại Việt Nam. Chúng tôi, nhân dân Ba Lan, đã thành công giải thể đảng Cộng sản. Còn các bạn hôm nay đây, với sự đấu tranh kiên cường và hậu thuẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhân dân Việt Nam cũng sẽ thành công và thắng lợi như nhân dân Ba Lan”.

Thông điệp của Dân biểu Christopher Smith

ChristSmith_150.jpg
Dân biểu Christopher Smith. Photo courtesy of State.gov

Theo Ban Tổ Chức cho biết, nhiều vị dân biểu quốc hội Hoa Kỳ đã hứa đến nhưng đến phút chót có cuộc họp khẩn tại Hạ Viện vào đúng ngày Chủ Nhật, cũng là ngày tổ chức Đại lễ Phật Giáo. Cho nên một số vị cũng như Dân biểu Christopher Smith, Dianne Feinstein, Loretta Sanchez đã vắng mặt.

Tuy nhiên, Dân biểu Christopher Smith đã gửi một thông điệp quan trọng đề xuất kế hoạch gây áp lực cho tự do tôn giáo tại Việt Nam từ đây cho đến mùa xuân 2006. Sau đây là một số trích đoạn trong thông điệp.

“Tôi xin ngỏ lời tán thán Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong năm kỷ niệm 30 năm đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Dù không thể đến tham dự, nhưng tôi muốn quý vị biết cho rằng mục tiêu đấu tranh của quý vị cũng là điều lòng tôi rất thiết tha, và tôi không ngừng nỗ lực cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ - là những mục tiêu không thể chia cắt - cho đến ngày dân tộc Việt Nam anh dũng được hưởng tòan bộ các quyền đã thành luật pháp mà Thượng đế và con người quy định.

Như nhiều người trong quý vị đã biết, tôi đến thăm Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12 này để tận mắt chứng kiến Việt Nam đối đãi như thế nào với các tín đồ tôn giáo. Tôi đã gặp gỡ rộng rãi nhiều giới tại Hà Nội, Huế và Saigon - các viên chức chính quyền, các đại diện tôn giáo, và những nhà họat động dân chủ.

Tôi nhấn mạnh với các viên chức chính quyền, rằng quan hệ chặt chẽ tương lai với Hoa Kỳ tùy thuộc vào sự cải thiện trong lĩnh vực tự do tôn giáo và nhân quyền, và rằng hiện nay sự cải thiện ấy còn quá ít ỏi.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam thực sự mong muốn phát triển kinh tế và chính trị, thì Việt Nam phải khai thác niềm tin và nhiệt tình của những tín đồ tôn giáo để giải quyết các vấn nạn khủng khiếp mà mọi xã hội phải đối diện: như bệnh liệt kháng AIDS, nạn ma túy, buôn bán phụ nữ, thiếu nhi và nam nhi.

Tôi nói với họ hãy trả tự do vô điều kiện cho những tù nhân vì lương thức còn bị giam giữ hay quản chế, và phải phục hồi quyền sinh họat pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tôi không chối cãi rằng đã có đôi chút cải thiện tại Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa hiểu rõ được thực tại cơ bản : đó là tự do tôn giáo không phải là gì có thể lâu lâu phân phát nhỏ giọt một lần, nhất là khi có áp lực quốc tế. Nhà cầm quyền vẫn chưa hiểu được rằng tự do tôn giáo là mẹ của các tự do, vốn ăn sâu mọc rễ trong phẩm giá con người ở mỗi cá nhân.

Một nhà cầm quyền chính thống phải công nhận và bảo vệ tự do tôn giáo, chứ không phải là cho phép. Dứt khoát là nhà cầm quyền phải công nhận nhân phẩm và tự do tôn giáo đích thực, sau đó thể chế dân chủ mới có thể và phải được xuất hiện.”

Để hiểu biết thêm cảm tưởng và ý nghĩa của ngày Đại lễ Phật Giáo, chúng tôi đã phỏng vấn ngắn với Thượng toạ trưởng ban tổ chức Thích Nguyên Lý và một sư bà Thích Nữ Nguyên Thanh:

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)