Kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới, Việt Nam độc lập hơn với Trung Quốc

0:00 / 0:00

Đúng tháng 2, cách đây 40 năm cuộc chiến tranh giữa hai người anh em cộng sản Việt Nam, Trung Quốc diễn ra ngắn ngủi nhưng đẫm máu.

Chủ đề này thường bị giới chỉ trích tại Việt Nam nói rằng báo chí nhà nước đã né tránh suốt một thời gian dài vừa qua.

Nhưng tháng 2/2019, các bài viết về cuộc chiến tranh này rất khác so với những năm trước đây.

Báo Tuổi Trẻ, một trong những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước, thực hiện một loạt bài mang tên 40 năm cuộc chiến vệ quốc, 1979. Tựa đề này được đưa lên trang nhất trong những bản in trên giấy trong những ngày trước 17/2/2019, ngày mà đúng 40 năm về trước Trung Quốc xua quân tấn công biên giới phía bắc của Việt Nam.

Loạt bài này kể lại những câu chuyện các cựu chiến binh trong trận chiến 40 năm trước đây. Trong loạt bài phóng sự này cụm từ Trung Quốc xâm lược được dùng rất rõ ràng.

Báo Thanh Niên, một nhật báo lớn khác, cũng phát hành trong cả nước cho đăng bài kể về một trận đánh ở Lào Cai, trong đó gọi lính Trung Quốc là 'tên' lính Trung Quốc (Tổ thám báo Trung Quốc gồm 8 tên.)

Báo mạng Vietnamnet đăng bài phỏng vấn một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ, mang tên Biên giới tháng 2/1979: Sòng phẳng với lịch sử. Trong bài phỏng vấn này người được phỏng vấn là ông Vũ Minh Hoàng nói rõ Việt Nam đã không học được bài học từ cuộc chiến 1979 với Trung Quốc.

Bài phỏng vấn này năm trong loạt bài gọi là Chuyên đề cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Loạt bài này bắt đầu bằng một bài viết tổng hợp diễn tiến của cuộc chiến tranh biên giới 1979, có sử dụng nhiều tài liệu nước ngoài, đặt cuộc chiến tranh này trong bối cảnh xung đột và bình thường hóa quan hệ Trung Quốc và Liên Xô.

Trên tờ báo mạng VnExpress, có đăng bài phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, trong đó vị tướng này cho biết trong cuộc chiến 1979, Trung Quốc dự đoán đúng rằng Liên Xô sẽ không can thiệp dù đã ký hiệp định liên minh quân sự với Việt Nam trước đó. Đây là điều lần đầu tiên được báo chí Việt Nam đưa ra.

Ở Việt Nam ai cũng biết là những chuyện nhạy cảm như thế này thì báo chí không thể tự quyết định được.<br/>-Giáo sư Hoàng Dũng.

Nhà báo Mai Phan Lợi, từng làm ở báo Thanh Niên nói với RFA rằng ông thấy ngôn ngữ thẳng thắn mà báo chí Việt Nam dùng khi viết về cuộc chiến 40 năm trước:

"Tôi quan sát thấy đưa tin rất ồ ạt, các cơ quan có chuẩn bị kỹ càng, các cơ quan lớn như VTV cũng đều có đưa cả. Ngôn ngữ rất thẳng, tố cáo mạnh mẽ, nêu đích danh luôn. Thì đây cũng là điều đặc biệt, là một hiện tượng có thể nói là mới so với mọi năm."

Tuy nhiên ông Lợi cũng nói rằng do không còn làm việc trong hệ thống báo chí chính thống, ông không biết là loạt bài kỷ niệm 40 năm cuộc chiến 1979 này đã được định hướng như thế nào, hay là không có định hướng như mọi năm.

Một nhà báo hiện vẫn làm việc trong hệ thống báo chí chính thống nói với RFA rằng trong loạt bài kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh với Trung Quốc, vẫn có sự kiểm duyệt cẩn thận của cấp trên, được hiểu là Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan nắm toàn bộ giới báo chí Việt Nam. Nhà báo này cũng nói với RFA là loạt bài kỷ niệm cuộc chiến 40 năm này đã chuẩn bị rất kỹ càng từ vài tháng trước đây.

Quan hệ Việt Nam Trung Quốc vốn được báo Việt Nam trước đây đưa tin với từ ngữ rất thận trọng, đôi khi không nêu cả đích danh Trung Quốc.

Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm Sài Gòn, trích nguồn riêng của ông, nói với RFA:

"Theo thông tin của bạn bè làm báo của tôi thì Ban Tuyên giáo đã dỡ barrier ra để cho bà con có thể nói được. Ở Việt Nam ai cũng biết là những chuyện nhạy cảm như thế này thì báo chí không thể tự quyết định được."

Chuyện nhạy cảm là từ ngữ mà báo chí Việt Nam hay dùng để nói đến những việc không được bàn tán nhiều một cách công khai. Theo cách hiểu như vậy, thì quan hệ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, quân sự, Biển Đông, cắm cột mốc biên giới, hàng hóa nhập siêu,… từng là những chuyện nhạy cảm ít được báo chí chính thống của nhà nước nhắc tới.

Nhưng những chuyện nhạy cảm trong quan hệ với Trung Quốc dường như đã được nới lỏng rất nhiều trong thời gian qua.

Một trong những người có nhận xét đó là kỹ sư Phạm Ngọc Hưng, chuyên viên nghiên cứu thị trường, sống tại Sài Gòn. Ông Hưng nói với RFA:

"Trong năm vừa rồi Trung Quốc tập trận ở biên giới, Hà Nội có quan điểm cứng rắn trong đàm phán COC ở Biển Đông, rồi bây giờ báo chí lại được nói về chiến tranh biên giới, tất cả những cái đó nó tạo thành một chuỗi, làm mình suy luận rằng có một sự thay đổi về thái độ của Hà Nội với Bắc Kinh."

COC là tên viết tắt cho Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển Đông mà các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam đang cố gắng đưa Trung Quốc tham gia vào bằng một hình thức có ràng buộc về luật pháp, điều mà giới quan sát cho rằng Bắc Kinh không muốn để có thể tận dụng thế mạnh quân sự của mình.

Mình suy luận rằng có một sự thay đổi về thái độ của Hà Nội với Bắc Kinh.<br/>-Kỹ sư Phạm Ngọc Hưng.

Kỹ sư Phạm Ngọc Hưng cho biết thêm là theo ông những gì báo chí Việt Nam viết thì người Trung Quốc đều theo dõi kỹ càng, cho nên việc đưa ra những loạt bài về chiến tranh biên giới 1979 với ngôn ngữ mạnh mẽ, chứng tỏ Hà Nội không còn ngại Bắc Kinh như trước.

Giáo sư Hoàng Dũng nói với RFA rằng ông cũng có cảm nhận giống như kỹ sư Phạm Ngọc Hưng. Ông nói tiếp khi đã cho phép ồ ạt như vậy thì khó có thể thay đổi ngược trở lại về thời kỳ tránh né như xưa. Nhưng bên cạnh đó ông cho rằng từ việc cho phép báo chí đưa bài viết thẳng thắn về Trung Quốc, cho đến thoát hẳn ảnh hưởng của Trung Quốc lên Việt Nam là một chặng đường còn xa.