50 năm Hiệp định Paris: Thắng lợi vĩ đại hay hòa bình cay đắng?

0:00 / 0:00

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, quyết định số phận của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trên bàn Hội nghị tại Paris. Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết với hy vọng mang lại hòa bình cho Việt Nam nhưng nó đã bị vi phạm nghiêm trọng và hòa bình đạt được không như mong muốn.

"Vừa đàm vừa đánh"

Theo thống kê của Chính phủ Việt Nam, để đi đến ký kết Hiệp định, các bên đã phải trải qua 201 phiên họp chung công khai và 45 cuộc tiếp xúc riêng giữa Mỹ và Bắc Việt Nam kể từ khi bắt đầu vào ngày 10/5/1968, 500 buổi họp báo và hơn 1.000 cuộc phỏng vấn.

Vào thứ năm mỗi tuần đều có một cuộc họp báo để bốn bên tường trình diễn biến Hội nghị. Có mặt trong phái đoàn báo chí phía Việt Nam Cộng Hòa suốt quá trình đàm phán, nhà báo Từ Thức vẫn còn nhớ những ấn tượng của mình :

"Cái cảm tưởng chung của tất cả các ký giả theo dõi Hội đàm Paris về Việt Nam là một sự nhàm chán. Nhàm chán bởi vì nó chỉ là một hội nghị "giả vờ" thôi. Theo chủ nghĩa của Cộng sản là "vừa đánh vừa đàm". Bày ra chuyện hội nghị, nhưng sự thật vẫn tiếp tục đánh ở miền Nam và chuyện đánh miền Nam mới là chuyện quan trọng.

Trong những cuộc họp báo thì tuần nào cũng có một câu hỏi là “cuộc họp có kết quả gì không ?” và câu trả lời luôn luôn là không ! Và bên này cho phía bên kia là không có thiện chí.

Đặc biệt là phát ngôn viên của Bắc Việt: ông Nguyễn Thành Lê coi đó là một diễn đàn để tuyên truyền. Ông ta nhắc đi nhắc lại những câu đã học thuộc lòng, đôi khi không có liên hệ gì đến câu hỏi cả. Đại khái là “nhân dân Việt Nam anh hùng, chống Mỹ cứu nước nhưng yêu chuộng hòa bình, đối xử nhân đạo tử tế với người Mỹ…”. Hai, ba lần còn nghe, nhưng những năm sau có nhiều ký giả chán, bỏ cuộc hội đàm đi. Có những người cả năm không viết được một chữ nữa.”

Truyền thông Nhà nước Việt Nam gọi chiến. thắng của Hiệp định Paris là “kết quả của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp "vừa đánh vừa đàm"”. Bàn về chủ trương này của Cộng sản Việt Nam, nhà báo Từ Thức nói:

“Tất cả các tài liệu chính thức cũng như bán chính thức trên mọi cấp của Cộng sản đều coi việc thôn tính miền Nam là một nghĩa vụ thiêng liêng, thành thử ra chuyện ngưng chiến chỉ là một giai đoạn mà thôi.

Chúng ta thấy gì? Hiệp định Paris 1973 đòi ngưng bắn trên toàn miền Nam.Trên thực tế, ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Cộng sản đã đánh phá nhiều nơi, gia tăng quân sự để chiếm thêm đất ở những vùng mà thời đó gọi là “da beo” (một phần Cộng sản, một phần quốc gia) Thí dụ họ Tổng công kích Bình Long, Ban Mê Thuộc và cuối năm 1974, họ chiếm trọn tỉnh Phước Long.”

Cộng sản Việt Nam vi phạm những điều nào trong Hiệp định?

Hiệp định Paris gồm chín chương và 23 điều được ký kết giữa bốn thành phần Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận giải phóng miền Nam với mục tiêu cao cả là chấm dứt chiến tranh, tái lập Hòa bình tại Việt Nam. Thế nhưng, bao nhiêu điều khoản trong Hiệp định này được tôn trọng? và ai đã vi phạm đầu tiên Hiệp định này?

Luật sư Lâm Chấn Thọ, một luật sư về thương mại đang hành nghề tại tỉnh bang Quebec, Canada, nhận định Cộng sản Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Paris.

"Cộng sản Việt Nam đã vi phạm điều 7 (Hiệp định). Cộng sản Việt Nam không được đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội và cố vấn quân sự, nhưng mà họ vẫn làm. Sau khi ký rồi, họ vẫn tung vô bao nhiêu là đoàn xe của Cộng sản Việt Nam đi trên con đường Hồ Chí Minh để tiến vào miền Nam của chúng ta."

Nội dung điều 7 trong Hiệp định nêu rõ: "Từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến khi thành lập chính phủ nói ở điều 9 (b) và điều 14 của Hiệp định này, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh."

Hai bên miền Nam Việt Nam ở đây được hiểu là VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Bắc Việt Nam lập ra vào tháng 6/1969 để điều hành cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam.

AP22250661261290.jpg
Một chỉ huy trong quân đội VNCH nói trên điện đàm khi nhóm của ông bị bao vây bởi hỏa lực từ phía Việt Cộng hôm 4/9/1965. AP

Điều 9 quy định quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, điều 9 cũng đã bị Cộng sản Việt Nam vi phạm theo nhận định của luật sư Lâm Chấn Thọ:

“Họ dùng chữ “nước ngoài” tức là không thuộc miền Nam Việt Nam. Tức là Hoa Kỳ là một nước ngoài, cũng như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là một nước ngoài đối với miền Nam Việt Nam. Hai quốc gia đó không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị nào hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam. Rõ ràng như vậy. Mà họ vô, họ chiếm rồi họ bắt người. Họ không tôn trọng gì hết chiếu theo điều 9 này.”

Điều 3 của Hiệp định quy định Hoa Kỳ phải rút quân, trong khi hơn 150.000 quân Bắc Việt vẫn còn trụ lại miền Nam Việt Nam, đó là một điều bất công, theo luật sư Lâm Chấn Thọ :

“Quân đội của Cộng sản Việt Nam coi họ như là một nước ngoài, nhưng họ vẫn còn có thể ở lại trong miền Nam Việt Nam trong lúc đó thì quân đội Hoa Kỳ và quân đội đồng minh của Hoa Kỳ phải rút đi. Đó là điều bất công.”

Tại sao Hiệp định Paris vẫn được ký kết mặc dù có nhiều điều bất lợi về phía Việt Nam Cộng hòa? Nhà báo Từ Thức lý giải:

“Lúc đó Hoa Kỳ đã muốn giao thương với Trung cộng rồi. Lý thuyết lúc đó của Tây Phương là giúp cho Trung cộng phát triển kinh tế. Mà kinh tế phát triển thì người dân sẽ có nhu cầu đòi hỏi dân chủ, nước Tàu sẽ trở thành dân chủ. Ngày nay thì người ta đã vỡ mộng, người ta hiểu lý thuyết đó hoàn toàn sai, Cộng sản vẫn là Cộng sản dù kinh tế có phát triển tới đâu đi nữa!

Về phía Mỹ thì đang gặp khó khăn về chính trị nội bộ và trước phong tào phản chiến mạnh mẽ, Nixon chỉ có một mục tiêu là mang 23.000 quân Mỹ, mang tù binh Mỹ về Mỹ để bày tỏ công trạng với cử tri của Hoa Kỳ. Đó là chuyện chính trị nội bộ, họ bất chấp rằng thái độ đó sẽ dẫn tới chuyện mất mạng của hàng triệu người ở miền Nam Việt Nam, đồng minh của họ từ trước tới nay.”

Ở thời điểm đó, cuộc chiến Việt Nam đã kéo. dài 20 năm với những mất mát to lớn của Mỹ và đồng minh, ảnh hưởng bởi những tuyên truyền của Hà Nội cộng với các phong trào phản chiến nổ ra ở nhiều nước. Dước áp lực của Hoa kỳ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đứng trước một tình thế bắt buộc phải ngồi vào bàn Hội nghị, nhà báo Từ Thức nói :

“Trước những yếu tố đó, ông Thiệu cực lực phản đối, ổng không muốn đi tới một Hội đàm tự sát, nhưng cuối cùng vẫn phải tham dự, bởi vì Nixon dùng mọi áp lực, nhất là việc trợ quân sự và kinh tế. Ông Nixon hứa sẽ tái oanh tạc, tái can thiệp nếu Bắc Việt vi phạm những điều đã ký kết. Nhưng sự thật thì ông ấy đã khoanh tay khi Cộng sản gia tăng chiến tranh, gia tăng hoạt động ở đường mòn Hồ Chí Minh, gia tăng việc xâm chiếm miền Nam. Sự thật lúc đó ông Thiệu không tin vào lời hứa của Nixon nhưng vì hết ngân quỹ, hết súng đạn nên không còn con đường nào khác hơn chấp nhận ngồi vào bàn Hội nghị cả. Thành thử ra, đó là một chuyện cưỡng bách hơn là tự ý đi tới hội đàm.”

Điều 10 của Hiệp định quy định hai bên miền. Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hoà bình ở miền Nam Việt Nam, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực, theo luật sư Lâm Chấn thọ chuyện đó đã không hề xảy ra :

“Sau khi ký thì mặt trận giải phóng miền nam và quân đội cộng sản Việt Nam còn lại trong miền Nam Việt Nam họ tấn công. Họ giành dân, họ chiếm đất của quân đội quốc gia của chúng ta. Chỗ nào cộng sản chiếm được là họ ám sát, họ giết cán bộ, công chức của Việt Nam Cộng hòa.”

Nhà báo Từ Thức cũng đưa ra một vài con số. cho thấy Cộng sản Việt Nam không hề tôn trọng điều khoản này:

“Tài liệu bây giờ cho thấy là chỉ trong tháng 5/1973, Bắc Việt đã đưa thêm vào miền Nam 30.000 đến 35.000 tấn võ khí chỉ trong một tháng thôi! Hiệp định quy định hai bên phải rút bỏ khỏi Lào và Cao Miên (Campuchia), không được dùng con đường Hồ Chí Minh nữa. Nhưng sau này, tướng Đồng Sĩ Nguyên, tức là tư lệnh binh đoàn Trường Sơn chỉ huy con đường Hồ Chí Minh thì ông ấy khoe rằng trong thời gian hội đàm, việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh còn tăng gấp bội, hơn cả trước nữa. Tức là họ coi Hội nghị Paris như một trò chơi.”

Điều 11 quy định thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc, ngăn cấm mọi hành vi trả thù của bất cứ phe nào. Quyền tự do dân chủ của người dân phải được tôn trọng. Thế nhưng, theo luật sư Lâm Chấn Thọ, điều này đã không xảy ra sau khi Bắc Việt Nam chiếm được Nam Việt Nam:

"Sau khi ký thì họ không cho những người muốn về với VNCH được quyền đi lại. Đặc biệt là sau khi chiếm đóng miền Nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 thì những chuyện này chưa bao giờ được thực hành."

Và vi phạm được xem là nghiêm trọng nhất như trong quy định ở điều 12 là một Hội đồng quốc gia hoà giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong điều 9 (b). Theo luật sư Lâm Chấn Thọ cuộc Tổng tuyển cử này đã không hề xảy ra.

"Trên nguyên tắc thì có hai miền ngồi lại để định đoạt việc bầu cử, nhưng tôi tin tưởng nếu có Tổng tuyển cử thì Việt Nam Cộng hòa, tức là phe Quốc gia của chúng ta sẽ thắng một cách vẻ vang nếu không có bạo lực và sự can thiệp của bộ đội cộng sản Việt Nam. Cuộc bầu cử không xảy ra vì Cộng sản tấn công VNCH và chiếm giữ Việt Nam Cộng Hòa."

Điều 19 trong Hiệp định cũng quy định trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định Paris sẽ có một Hội nghị quốc tế để ghi nhận các điều khoản trong Hiệp định được thực hiện. Hội nghị này sẽ bao gồm Trung cộng, Liên xô, Anh, bốn nước trong Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát và Tổng thư ký liên hợp quốc, cùng với bốn nước tham gia Hội nghị Paris.

Thế nhưng, chỉ có Việt Nam dân chủ cộng hoà và Hoa kỳ, được quyền ưu tiên triệu tập Hội nghị này, Luật sư Lâm Chấn Thọ phân tích sự bất lợi cho VNCH trong điều 19 của Hiệp định Paris:

"Hoa Kỳ và Cộng sản Việt Nam được ưu tiên tái hợp Hội nghị Quốc tế về vấn đề Việt Nam, không có VNCH trong đó. Ví dụ, nếu mà có VNCH trong định ước này thì lúc đó nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vi phạm thì Việt Nam Cộng hòa có thể vận động Hoa Kỳ để tái hợp Hội Nghị quốc tế về vấn đề Việt Nam lại."

AP81690737115.jpg
Trung tá quân đội Bắc Việt Bùi Tín nói "hòa bình" khi ông bắt tay với người lính Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn hôm 29/3/1973. AP

Không phải thắng lợ i hay hòa bình cay đắng?

Về mục tiêu “chấm dứt chiến tranh, thiết lập hòa bình” của Hiệp định Paris, ông Pierre Asselin, nguyên chuyên viên tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc Gia quận 6 Paris, hiện là Giáo sư sử học tại đại học Honolulu, tác giả của nhiều quyển sách về chiến tranh Việt Nam, nhận xét:

“Hiệp định Paris không phải là một thắng lợi vĩ đại của Hà Nội; nó là một sự hòa bình cay đắng, nó cần thiết để tạo những điều kiện dẫn đến chiến thắng một cách nhanh chóng nhưng đầy rắc rối năm 1975..."

Theo nhà báo Từ Thức, sự thống nhất đất nước của Việt Nam đã không đạt được qua con đường hòa bình, dù đó là một nền hòa bình cay đắng:

“Cộng sản đều làm ngược lại tất cả những gì họ đã ký kết. Chỉ cần đưa ra một vài thí dụ: Hiệp định Paris quy định ngưng bắn trên toàn miền Nam, việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện bằng phương pháp hòa bình. Tổng tuyển cử trong thời hạn do miền Nam và miền bắc đồng thuận. Trên thực tế chuyện gì xảy ra? Hội nghị lần thứ 21 của ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản tháng 4 năm 1973 ghi rõ, không úp mở gì hết : Con đường cách mạng của miền Nam là “con đường cách mạng bạo lực” tức là phải dùng bạo lực để lật đổ chính quyền. Thành thử trong các tài liệu chính thức hay trên báo chí của họ, mục tiêu số 1 của họ là chiếm miền Nam. Họ dùng danh từ “thống nhất” nhưng trên thực tế là chiếm trọn miền Nam. Thành thử ra cái chữ “hòa bình” là cái chữ hoàn toàn vô nghĩa.”

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, vào ngày 14/1 vừa qua, tại thị xã Verrieres Le Buisson, Pháp quốc, một triển lãm hình ảnh về Hiệp định Paris đã được tổ chức vì nơi đây có ngôi nhà mà bà Nguyễn thị Bình và phái đoàn chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam lưu trú.

Bất chấp thời tiết giá lạnh, khoảng 20 người Việt đã tới số 17 Avenue Cambaceres, nơi bà Nguyễn Thị Bình lưu trú trước đây, để biểu tình. Ông Sơn Hà (thành viên Nhóm Tinh Thần Việt Nam Cộng Hòa) giải thích lý do ông kêu gọi biểu tình:

“Thứ nhất là để tố cáo Cộng sản Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris, sau là chúng tôi muốn lên tiếng với những người dân của thị xã này về sự dối trá, vi phạm của Cộng sản Việt Nam. Một số người dân nghe chúng tôi giải nghĩa thì cũng đồng hành, đứng vào chung với nhóm biểu tình của chúng tôi.”

Một đoàn xe của sứ quán Việt Nam đã tới nơi triển lãm nhưng đã phải bỏ đi khi gặp đoàn biểu tình mang cờ vàng của VNCH, theo chứng kiến của những người biểu tình.