Bảo vệ xã hội dân sự
Với chủ đề thông qua các nền văn hóa toàn cầu, kết liên tranh đấu cho dân chủ, 633 nhà hoạt động dân chủ đến từ 110 quốc gia Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và Châu Úc về họp Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới (The World Movement for Democracy) lần thứ 6 tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia, từ ngày 11 đến ngày 14-4-2010. Mục tiêu của Đại Hội kỳ này nhắm đến chiến lược bảo vệ các xã hội dân sự.
Tôi tham gia nhiều tổ thảo luận để nói lên tình trạng đàn áp dân chủ tại Việt Nam như trường hợp 14 nhà hoạt động dân chủ bị kết án mới đây từ 10 đến 16 năm tù.
Ô. Võ Văn Ái
Phong Trào Dân Chủ Thế Giới ra đời tại New Delhi, Ấn Độ, tháng 2-1999, tập trung các nhà hoạt động dân chủ, các nhà hoạch định chính sách, các viện sĩ, nhà nghiên cứu, nhà tài trợ, nhằm bảo vệ các xã hội dân sự và đẩy mạnh chiến lược dân chủ hóa toàn cầu mà mục tiêu chính yếu là củng cố dân chủ tại những nơi còn non yếu, cải tổ và tăng cường tại các quốc gia đã có dân chủ, và hậu thuẫn các nhóm dân chủ tại các quốc gia chưa bước vào tiến trình chuyển hóa dân chủ.
Sau New Delhi, Đại Hội đã liên tiếp tổ chức tại Sao Paulo (Brazil), Durbun (Nam Phi), Istanbul (Thổ Nhi Kỳ), và Kiev (Ukraina).
![Biểu tượng của Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6. Photo courtesy of wmd.org](https://www.rfa.org/resizer/v2/2L5KSPJNYBU6MEMSYIXY42FAMQ.jpg?auth=a3dd3a8db5d1d351fa66739912bd1178ae94052887fcefd4a4326a37c5cc0bef&width=400&height=429)
Nhân danh chính phủ và nhân dân Indonesia chào đón các thành viên uy dũng của Phong Trào Dân Chủ Thế Giới đến từ năm châu, Tiến sỹ Susilo Bambang Yudhoyono - Tổng Thống Indonesia đọc bài diễn văn khai mạc Đại Hội ca ngợi thế kỷ 21 phải là thế kỷ của dân chủ, đặc biệt Tổng Thống nói lên kinh nghiệm và tiến trình dân chủ của Indonesia như sau: “Indonesia đạt được mức tăng trưởng kinh tế đứng hàng thứ ba trong nhóm các quốc gia G-20, sau Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tôi không hề phải chọn lựa giữa dân chủ và phát triển mà chúng tôi có thể đạt được cả hai cùng một lúc.”
21 tổ chức và chính phủ trong thế giới tài trợ cho việc tổ chức Đại Hội như Chương Trình Phát Triển LHQ, Quỹ Tài Trợ Cộng Hòa Liên Bang Đức, Sáng Hội Dân Chủ Á-Rập, Quỹ Quốc Gia Tài Trợ Dân Chủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Canada…
Ngoài những phiên khoáng đại về đề tài bảo vệ các xã hội dân sự, định giá sự hậu thuẫn dân chủ toàn cầu, Đại Hội còn có 37 nhóm hội thảo trên các vấn đề văn hóa, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, báo chí, truyền thông, kỹ thuật internet trong tiến trình dân chủ và nhiều khóa thực tập kỹ thuật.
Nhìn chung, các phái đoàn tham dự Đại Hội kỳ 6 lần này có sự hiện diện rất đông của giới trẻ và các đại biểu Hồi Giáo. Lý do : Indonesia là quốc gia Hồi Giáo dân số đông vào hàng thứ tư trên thế giới và cũng là nước dân chủ lớn vào hàng thứ ba của nhân loại.
Cùng đồng hành
Sự hữu hiệu rất cần thiết của những đài phát thanh quốc tế như Đài RFA đang cung cấp các luồng tin dân chủ - đa chiều - duy nhất để phá tan sự bưng bít thông tin tại các xã hội đóng kín như Việt Nam.
Ô. Võ Văn Ái
Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng Thống Indonesia cũng đã xác định rằng Hồi Giáo, Dân Chủ và Hiện Đại cùng đồng hành thăng tiến.
Phái đoàn Quê Mẹ - Hành Động Cho Dân Chủ Việt Nam do ông Võ Văn Ái dẫn đầu, đại biểu cho Việt Nam tại Đại Hội. Chúng tôi hỏi thăm ông có tham luận gì tại Đại Hội không, và được ông cho biết:
Ông Võ Văn Ái: Dạ, tôi tham gia nhiều tổ thảo luận để nói lên tình trạng đàn áp dân chủ tại Việt Nam như trường hợp 14 nhà hoạt động dân chủ bị kết án mới đây từ 10 đến 16 năm tù chỉ vì họ ôn hòa đòi hỏi dân chủ hoặc là biểu dương cái ý chí vẹn toàn lãnh thổ chống Trung Quốc xâm lăng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay lấy cớ khai thác bauxite để xâm nhập vùng yết hầu Tây Nguyên, đặc biệt là cái tình trạng bóp nghẹt tự do ngôn luận trên Internet, sách nhiễu và bắt bớ các nhà bloggers, cho tin tặc đánh phá và đóng cửa các trang nhà phê phán chính phủ về nạn trường kỳ xâm lược của Trung Quốc. Hai hãng Google và McAfee cũng vừa mới phát giác sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội xâm nhập vào các phần mềm để do thám hàng trăm nghìn người sử dụng vi tính trong và ngoài nước.
![Ông Võ Văn Ái, hình chụp năm 2009. Photo courtesy of queme.net](https://www.rfa.org/resizer/v2/PY3RM5NR7SC3IV35AUY3BBXAGQ.jpg?auth=fd832111c10c706baac3d9bfd7af28383a5ad9306cf2ad7c5888072d661a5f88&width=400&height=299)
Đại Hội kỳ này mời tôi tham luận đề tài chiến lược nhằm đổi thay các xã hội đóng kín, và qua đề tài này thì tôi nói lên những kinh nghiệm vận động tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, ASEAN, các Quốc Hội Châu Ấu, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi… Tôi nhắc đến một sự hữu hiệu rất cần thiết của những đài phát thanh quốc tế như Đài Á Châu Tự Do đang cung cấp các luồng tin dân chủ - đa chiều - duy nhất để mà phá tan sự bưng bít thông tin tại các xã hội đóng kín như Việt Nam. Và đương nhiên tôi cũng báo động và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng lơ là, nếu không là dửng dưng, trên vấn nạn nhân quyền và dân chủ của các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế vốn chưa chịu nhìn Việt Nam như một dân tộc khao khát tự do, mà chỉ xem Việt Nam như một chiến trường trước năm 1975, và nay thì xem Việt Nam như một thị trường không hơn không kém.
Ỷ Lan: Xin cảm ơn ông Võ Văn Ái.
Ỷ Lan, thông tín viên Đài Á Châu Tự Do tại Jakarta, Nam Dương.
Theo dòng thời sự:
- Đạo đức suy đồi hay thủ đoạn chính trị? (Phần 1)
- Việt Nam tiếp tục bắt bớ, sách nhiễu các nhà dân chủ
- Cái nhìn lạc quan của luật sư Lê Trần Luật
- Bị kết tội oan, ai sẽ bồi thường?
- Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị đưa ra toà xét xử
- Bắt người xong mới tìm tội?
- Những bản án thách đố dân chủ và công lý
- "Thống nhất" tạo oan sai (Phần 1)
- LS Lê Trần Luật bị xóa tên trong danh sách Luật Sư Đoàn
- Công an đập phá tường rào nhà LS. Cù Huy Hà Vũ
- Vụ thả chó béc-giê cắn chết người
- Phiên tòa nhạo báng công lý