Đây là nơi giới ký giả Sài Gòn thường ngồi lại với nhau và lâu dần trở thành một địa chỉ không thể thiếu đối với ký giả trong và ngoài nước suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Mặc Lâm trao đổi với hai nhà báo, một tại Thành Phố Hồ Chí Minh hiện nay là nhà báo Đỗ Trung Quân và một tại hải ngoại là nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh để tìm hiểu ý kiến của giới báo chí về sự kiện này, mời quý vị theo dõi.
Địa danh văn hóa lịch sử
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Đỗ Trung Quân. Chúng tôi vừa nghe tin là nhà hàng-càphê Givral vừa mới bị đập xuống để lấy chỗ cho một công ty nào đấy, tin này có chính xác hay không, thưa anh?
Nhà báo Đỗ Trung Quân: Thưa anh Mặc Lâm, khi anh đặt câu hỏi này thì tôi có thể nói với anh rằng là tôi đã đi qua Givral và nó đã hoàn toàn bị đập. Tôi được biết là có một công ty tên là Vietcom hay Vincom gì đó, đại loại tôi không nhớ rõ, đây là một đề án, một dự án của họ. Công việc này, một địa danh như thế, một cái quán cà phê nhỏ bé như thế mất đi, nó không chỉ là một cái quán cà phê, đối với tôi nó là một địa chỉ văn hóa và địa chỉ lịch sử, lịch sử đi qua đó.
"Người Mỹ trầm lặng" khi quay ở đây cũng đã phục chế nó lại như năm 60-70, cho sơn phết lại cửa sổ và toàn bộ để quay một tiểu đoạn ở đây. Trước 75 tất cả các nhà báo quốc tế đều ngồi ở đây để thu thập tin tức trong chiến tranh Việt Nam. Một nhân vật mà chúng ta cũng đã đọc, đó là Phạm Xuân Ẩn. Ông là nhà tình báo rất nổi tiếng cũng thường ngồi ở đây.
... nó không chỉ là một cái quán cà phê, đối với tôi nó là một địa chỉ văn hóa và địa chỉ lịch sử, lịch sử đi qua đó.
Nhà báo Đỗ Trung Quân
Lịch sử đi qua đây, văn hóa đi qua đây, những nhạc sĩ nổi tiếng cũng đã từng ngồi ở đây sau 75. Trên những chiếc ghế ở đó tôi nghĩ rằng lịch sử đã đóng dấu ở đó. Tôi rất tiếc! Ngày còn nhỏ thì tôi cũng được mẹ tôi dẫn đi qua đây. Khi trưởng thành, thời gian mấy năm trước tôi cũng đã từng ngồi ở đó nhìn Sài Gòn.
Và thưa anh Mặc Lâm và thưa quý vị, lẽ ra, theo quan điểm của tôi, chỉnh trang một thành phố là điều cần thiết, phát triển một thành phố cũng cần thiết, nhưng phải có một cái tầm của những người đang cầm nắm thành phố này. Lưu giữ lại những địa chỉ như thế và đó chính là địa chỉ vài ba chục năm nữa du khách đến đây người ta cần biết lịch sử về Sài Gòn trước 75 và sau 75: nó ở đó, một phần nó ở đó, thưa anh.
Mặc Lâm: Thưa, đó là ý kiến riêng của anh còn giới báo chí trong nước hiện nay thì phản hồi của họ ra sao trước sự kiện này ạ?
Nhà báo Đỗ Trung Quân: Đây là ý kiến cá nhân tôi thôi, nhưng tôi nghĩ không nhiều người lắm có nỗi đau như tôi đâu, bởi vì nó có liên quan đến lịch sử cá nhân tôi một chút vì tôi là người Sài Gòn.
Mặc Lâm: Dạ vâng.
Nhà báo Đỗ Trung Quân: Có thể một số những nhà báo khác, những tờ báo hiện tại họ chưa nhìn ra được cái tầm, họ chưa cảm giác được nỗi đau khi mất đi một cái địa chỉ như thế đâu, bởi vì họ đa phần có thể là không sống ở Sài Gòn như tôi, thưa anh.

Mặc Lâm: Nhà hàng Givral là một địa điểm tương đối nổi tiếng nhưng chưa hề nghe báo chí lên tiếng trong việc đập bỏ này...
Nhà báo Đỗ Trung Quân: Thưa anh, xin được cắt ngang anh. Hình như báo chí không được nói đặc biệt vấn đề này, anh ạ.
Giờ là một đống gạch vụn
Mặc Lâm: Vâng. Vậy thì bây giờ cái quán cà phê nhỏ bé đầy dấu ấn này đã thành đống gạch vụn rồi phải không ạ?
Nhà báo Đỗ Trung Quân: Dạ thưa anh, chính xác là hôm nay thì nó hoàn toàn là gạch vụn rồi. Ngày cuối cùng tôi biết là trước khi đập thì tôi đã đến đó ngồi ở trong một tâm trạng là ngày mai nó trở thành gạch vụn, và anh hiểu nỗi buồn đó lớn như thế nào, thưa anh!
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Đỗ Trung Quân. Thưa quý thính giả chúng tôi vừa trao đổi với một nhà báo trong nước về chuyện quán café Givral bị đập xuống lấy chỗ cho một trung tâm thương mại của thành phố. Chúng tôi cũng liên lạc với một nhà báo khác từng hoạt động hơn 50 năm trong nghề báo chí suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, đó là ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh hiện đang sống tại California. Khi được hỏi ông có kỷ niệm nào đối với nhà hàng này hay không ông cho biết...
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: À, đúng rồi. Tôi đã ở Sài Gòn, tôi là ký giả. Ngoại trừ khi mà tôi đã ngồi một chỗ là tổng thư ký của Việt Tấn Xã thì tôi không ra, mà còn làm phóng viên hay đi ra ngoài thường tôi vẫn ngồi ở quán Givral và tôi nhớ rằng các anh em bạn mà cùng báo chí, hoặc là phóng viên, hoặc biên tập viên thỉnh thoảng vẫn ra đấy ngồi.
Tôi nhớ mấy kỷ niệm ở quán này lắm: lấy tin tức, rồi thì nói chuyện, với nói thật ra đó nó là nơi mà trung tâm điểm của Sài Gòn ngày xưa đó. Thành thử ra đi qua lại, ghé qua không chỉ có phóng viên với biên tập viên, cố nhiên, những người mà nói là sinh hoạt về hàng quán, nghĩa là các công ty gì mà nghĩa là không phải là hàng quán đó, thì các ông đó cũng đến uống cà phê, đâu có phải chỉ riêng ký giả.
Tôi nhớ mấy kỷ niệm ở quán này lắm: lấy tin tức, rồi thì nói chuyện, với nói thật ra đó nó là nơi mà trung tâm điểm của Sài Gòn ngày xưa đó.
Nhà văn Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Mặc Lâm: Thưa ông, thế nhưng bây giờ quán ấy không còn nữa, nhà nước đã cho phép đập bỏ nó để xây dựng một khu thương mãi...ông nghĩ thế nào về việc này?
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: Tôi cũng không nghe, bây giờ tôi mới biết anh nói chuyện phá đập. Tôi chưa có tin đó, bây giờ tôi biết là đập bể rồi hả?
Mặc Lâm: Dạ vâng.
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: À, đúng. Kỷ niệm của tôi với lại tất cả các anh em ký giả khác, cũng nhiều người nữa, chắc là nhiều, thế nhưng tôi nghĩ như thế này. Vấn đề xây dựng lại một thành phố hay là xây dựng lại một con đường hay một tòa nhà nào đó thì nếu đó là một kỷ niệm của dân tộc Việt Nam chúng ta từ xa xưa, đền chùa, miếu mạo, hay là bức tượng hay là tất cả những gì tôn nghiêm nhất, dính líu tới dân tộc Việt Nam chúng ta (mà bị) phá đi thì tôi chống đối.
Thế nhưng mà đây nó chỉ là một tòa nhà, trung tâm điểm do người Pháp người ta xây ra từ thời xưa thì tôi nghĩ rằng bây giờ dân tộc nào muốn tiến bộ đó, hay cái gì mà cổ hũ mà không dính dáng tới vấn đề văn hóa, không dính dáng gì tới vấn đề gọi là nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, không dính dáng đến nơi thờ cúng tôn nghiêm nhất của các tôn giáo, thì tôi cho rằng đập bể cái cổ đi để xây cái mới là đúng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam vinh danh thầm lặng người gián điệp toàn hảo
- Tại sao ông Phạm Xuân Ẩn giúp Bác sĩ Trần Kim Tuyến rời khỏi VN?
- Nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên
- Mạn đàm với Nick Út
- "Nỗi Buồn Chiến Tranh" của Bảo Ninh được dựng thành phim
- Nhìn lại Việt Nam sau 31 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc (phần 1)
- Hồi ức tuần lễ cuối cùng ở Sài Gòn, 30/4/1975 kết thúc chiến tranh VN
- Triết lý thành công của cà phê Trung Nguyên