Những nạn nhân muốn nhắn gì với giới đầu tư nước ngoài? (Phần 1)

Trong vài ngày qua, một số người dân từng bị phá nhà, thu hồi đất, nhằm xây dựng Khu Công nghệ cao TP.HCM đã kéo đến trụ sở UBND quận 9 để phản đối việc cắt điện, cắt nước tại nơi họ đang tạm cư. Thậm chí có người dự định tự thiêu ...

0:00 / 0:00

Những tình tiết và ý kiến quanh việc xây dựng Khu Công nghệ cao TP.HCM có thể xem như điển hình của một vấn nạn nhức nhối, kéo dài nhiều năm. Đó là thu hồi đất rồi giao cho giới đầu tư nước ngoài xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi giải trí,… khiến người dân bị đẩy vào cảnh khốn cùng.

Mức độ trầm trọng của vấn nạn vừa kể luôn tỷ lệ nghịch với niềm tin của dân chúng vào chính quyền. Trong bối cảnh như thế, các nạn nhân mong gì?

Mời quý vị nghe Trân Văn tường trình phần đầu của loạt bài: Những nạn nhân muốn nhắn gì với giới đầu tư nước ngoài?

Sau khi dự án xây dựng Khu công nghệ cao TP.HCM được phê duyệt vào khoảng đầu năm 2000, hơn 3.000 gia đình có nhà, đất thuộc phạm vi tác động của dự án này ở khu vực quận 9, TP.HCM đã bị phá nhà, thu hồi đất, buộc phải di dời.

Kể từ đó đến nay, việc định giá bồi thường - thu hồi – cưỡng chế giải tỏa nhà, đất của dân chúng để giao cho Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ Cao đã trở thành nguyên nhân chính, dẫn tới nhiều vụ khiếu nại, tố cáo và một số vụ án hình sự.

Vào tháng 7 năm ngoái, chín nông dân khiếu nại chính quyền cưỡng đoạt nhà đất của họ, trái với các qui định hiện hành để xây dựng Khu Công nghệ cao đã bị Tòa án quận 9 kết án tù vì “gây rối trật tự công cộng”.

Bị thiệt thòi nhưng vẫn chưa yên thân

Tuy nhiên điều đó không thể dập tắt sự phản kháng. Khu vực quanh địa điểm triển khai dự án xây dựng Khu Công nghệ cao hiện rất nóng. Đang có hàng chục gia đình, với hàng trăm con người đã từng bị chính quyền phá nhà, thu hồi đất, dồn vào khu tạm cư để xây dựng Khu Công nghệ cao TP.HCM, không có điện và nước để sinh hoạt.

Các nạn nhân bảo rằng, tuy họ đã gánh chịu vô số thiệt thòi vì sự ra đời của Khu Công nghệ cao TP.HCM, song họ vẫn chưa yên thân. Dù chưa được bồi thường và đang phải tạm cư nhưng chính quyền lại đang tiếp tục dồn đuổi họ ra khỏi chỗ tạm cư để tiếp tục lấy đất xây dựng trung tâm thương mại...

Chúng tôi đã mất công ăn việc làm, mất nguồn thu nhập. Bây giờ chính quyền cắt điện, nước luôn để buộc chúng tôi ra khỏi khu đó. Tức là dồn chúng tôi vào đường cùng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sương

Cách nay vài ngày, những nạn nhân, đại diện cho các gia đình đang ngụ tại khu tái định cư và bị cắt toàn bộ điện, nước đã liên tục kéo đến UBND quận 9 để phản đối. Bà Nguyễn Thị Hồng Sương, một nạn nhân kể: "Chúng tôi đã trình bày hết với chính quyền rồi, chính quyền dùng quyền lực để mà cưỡng chế chúng tôi, trái với quy định của luật pháp Việt Nam rồi đưa chúng tôi vào một khu tạm cư. Chúng tôi đã mất công ăn việc làm, mất nguồn thu nhập. Bây giờ chính quyền cắt điện, nước luôn để buộc chúng tôi ra khỏi khu đó. Tức là dồn chúng tôi vào đường cùng. Chúng tôi lên ủy ban, chúng tôi đòi hỏi ủy ban phải giải quyết vấn đề này, bởi vì con người sống phải có sinh hoạt, điện, nước, ăn ở, mà bây giờ cắt nguồn điện và cắt nguồn nước luôn. Hỏi vậy thì ai sống được? Ai sống được? Ủy ban có ai sống được không? Mọi người lắc đầu hết nhưng mà lắc đầu là để đó thôi chứ không giải quyết."

Một nạn nhân khác, ông Nguyễn Xuân Ngữ cho biết thêm: "Có một người định tự thiêu, hôm qua bà ấy mua 20 lít xăng, bà định đốt nhưng người ta giằng can xăng ra vì sợ khổ bà ấy. Đại khái là thế." Thế nhưng chuyện có thể sẽ không ngừng ở đó. Theo ông Ngữ: "Dân chúng can thì bà ấy không nghe rồi. Còn chính quyền thì đang canh bà ấy nhưng bà ấy tử thủ ở trong nhà. Chính quyền có xuống thì chồng bà ấy ra còn bà ấy ở trong nhà. Bà ấy sẽ đốt khu tái định cư rồi đốt mình luôn."

Tại sao lại có những cá nhân – vốn là công dân của một chính quyền thường tự giới thiệu là luôn nỗ lực xây dựng một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – phải chọn lối phản kháng mang sắc thái của một sự tuyệt vọng đến cùng cực như vậy, trong khi Việt Nam có một chính quyền hoàn chỉnh từ phường xã đến trung ương?

Tôi dùng từ là một chính sách vô nhân đạo của chính phủ …

Ông Phạm Tiến Duy

Chính sách vô nhân đạo

Một cư dân quận 9, ông Phạm Tiến Duy, giải thích: "Tôi cũng bị cưỡng chế rồi, cũng trái pháp luật và tôi cũng đấu tranh gần bốn năm nay rồi. Nói chung là việc đã ngã ngũ rồi. Vấn đề là tính cố chấp của chính quyền. Người ta không chịu nhận sai và người ta không chịu trả lại đất cho tụi tôi.

Riêng phần cắt điện, nước thì ở góc độ của tôi, tôi nhìn nhận vấn đề nó hơi khác một chút xíu so với chị Sương. Tôi cũng bị cưỡng chế nhưng mà tôi vẫn còn nhà để ở. Còn các anh chị như ông vừa trao đổi đó thì họ ở khu tạm cư. Nơi tạm cư thì cũng là một cái nhà vách bằng gạch, trên là mái tôn thôi, không còn cái gì hết. Bây giờ cắt điện, nước.

Tôi nhìn nhận ở góc độ khác. Đây là một chính sách. Tôi dùng từ là một chính sách vô nhân đạo của chính phủ, trong trường hợp cụ thể này là của ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM và tiếp theo là ông Lê Hoàng Quân, đương kim Chủ tịch UBND TP.HCM. Vấn đề là chính sách tạm cư đó chưa có luật pháp nào ở Việt Nam quy định! Phải nói rõ là chính chính sách tạm cư của ông Lê Thanh Hải dẫn tới tình cảnh của bà con hiện nay, dẫn tới cấp dưới là cấp quận làm sai như vậy. Người ta tống bà con vào khu tạm cư.

Tôi nhìn nhận ở một góc độ khác với bà con. Đó là như thế này. Bà con bị cưỡng chế, bị đuổi về khu tạm cư là do chính ông chủ tịch hoặc bà chủ tịch ký quyết định cưỡng chế đó chứ không phải là Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, không phải là Ban Quản lý Khu Công nghệ cao nên quận phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình chứ không phải là ban này hay ban kia. Bây giờ cho người ta về tạm cư rồi lấy lý do người ta không đóng tiền điện, tiền nước, cắt điện, cắt nước... Đó là một hành vi vô cùng tàn ác. Tôi cảm giác tính người không còn nữa. Con của chị Gái thì mới đẻ có mười mấy ngày. Con dâu tương lai của bà Sương đang mổ tim. Hành vi như thế thì tôi cũng không biết dùng từ ngữ nào hơn.

Thế nhưng tất cả phải nhìn nhận ở góc độ thành phố. Từ thời ông Lê Thanh Hải là Chủ tịchUBND thành phố, bây giờ ông ấy là Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị đó! Đó là chính sách của ông ấy và cái sai cơ bản từ đó! Kỳ này là đại hội Đảng các cấp, chúng tôi sẽ tố cáo vấn đề này ra Đại hội Đảng.”

Luật pháp, chính quyền ở đâu

Vậy luật pháp và chính quyền trung ương ở đâu? Ông Phạm Tiến Duy tâm sự: "Ở Việt Nam thì có pháp lệnh công chức, công chức chỉ được phép làm những gì luật pháp quy định. Luật pháp đâu có quy định chế độ tạm cư. Việt Nam làm theo chỉ đạo của cấp trên chứ không làm theo quy định của pháp luật. Rõ ràng trường hợp của chúng tôi là như vậy. Chúng tôi đã ra ngoài Hà Nội. Văn phòng Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã gửi công văn yêu cầu ông Chủ tịch Lê Hoàng Quân tiếp và giải quyết nhưng mà ông ta không tiếp, không giải quyết mà họ lần lữa hẹn hoài rồi cứ làm. Làm thì làm bậy chứ không làm đúng..."

Bà ấy sẽ đốt khu tái định cư rồi đốt mình luôn.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ

Thật ra những tình tiết liên quan đến việc xây dựng – thực hiện Dự án xây dựng Khu Công nghệ cao cũng như những suy nghĩ, tâm sự của bà Nguyễn Thị Hồng Sương, ông Nguyễn Xuân Ngữ, ông Phạm Tiến Duy không mới.

Ai cũng có thể nghe, ghi nhận những tình tiết, suy nghĩ, tâm sự như vậy, khi tìm hiểu về các dự án xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi giải trí,… đã và đang được thực hiện trên khắp Việt Nam. Sự khác biệt nếu có chỉ là thời gian và không gian, tên, tuổi nạn nhân.

Vậy thì vụ việc mà quý vị đang nghe tường thuật còn có gì mới. Đó sẽ là nội dung phần sau. Mời quý vị đón nghe.