Việt Nam phát hành Tạp chí Nhân quyền

Chiều thứ Tư 14 tháng 7 vừa rồi, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ Đạo về Nhân quyền của Chính phủ VN đã tổ chức lễ ra mắt Tạp chí Nhân quyền VN.

Lý do nào mà VN phát hành tạp chí nhân quyền như vậy? Liệu nguyệt san đó có trùng dẫm với 600 tờ báo “đi theo lề phải” trong nước không? Và nó có thể ảnh hưởng ra sao tới cộng đồng hải ngoại? Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người VN và đồng Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ hành động cho dân chủ VN, trụ sở tại Paris, trước hết có nhận xét tổng quát như sau.

Tán dương nhưng lo ngại

Ông Võ Văn Ái: Trước nhứt là chúng tôi rất tán dương bởi vì mỗi khi mà mình thấy có một tờ báo ra đời, mà tờ báo đó lại nói về vấn đề nhân quyền, thì chúng tôi là những người đấu tranh cho nhân quyền không có gì vui mừng hơn, và hiển nhiên đây là lời tán dương. Tuy nhiên, điều làm cho chúng tôi quan ngại đó, là bởi vì chúng tôi đọc bản tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của chính phủ Việt Nam thì tôi thấy nó có ba bốn điều làm cho chúng tôi lo ngại.

Tôi nghĩ rằng nhân quyền là một vấn đề về bản chất và nội dung chứ không phải là một hình thức của một cái loa, của một tờ báo.<br/>

Thứ nhất là theo bản tin đó cho biết rằng Tạp chí Nhân quyền xuất bản tạo thêm một kênh thông tin chủ lực nhằm phổ biến các quan điểm, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật trên lãnh vực quyền con người. Đó là điểm thứ nhất; điểm thứ hai là Tạp chí Nhân quyền là tiếng nói tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của đảng. Tôi nghĩ rằng với hai sự kiện đó thì có lẽ nó cũng không cần thiết lắm để phải có một tạp chí như vậy, bởi vì 700 tờ báo, các cơ quan truyền thông đại chúng của nhà nước Việt Nam đã làm việc đó từ bao nhiêu năm rồi, tức là nói lên chủ trương của đảng, chính sách của nhà nước trên lãnh vực con người.

Và đặc biệt hơn nữa, điều làm cho chúng tôi lo ngại hơn cả là điểm thứ ba trong bản tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đó là nói rằng Tạp chí Nhân quyền nghiên cứu âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các "thế lực thù địch" lợi dụng vấn đề dân - chủ nhân quyền chống phá nhà nước. Thành ra như vậy, nếu một tạp chí nhân quyền mà để sẽ nói lên những âm mưu, những phương thức, những thủ đoạn là những ngôn ngữ mà từ lâu nay chúng tôi có cảm tưởng rằng nhà nước đánh giá thấp cộng đồng người Việt ở hải ngoại trên 3 triệu người và trong đó có ít nhất gần 1 triệu người chất xám tức là có trình độ đại học, thì tất cả những người Việt ở nước ngoài chỉ mong muốn làm sao tại Việt Nam nhân quyền được tôn trọng và được bảo đảm.

Vietnam-Newspaper-250.jpg
Việt Nam hiện có hơn 700 tờ báo nhưng tất cả điều phải chịu sự kiểm soát, chi phối của Đảng và Nhà nước. AFP PHOTO.

Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam chỉ cần áp dụng công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự mà nhà nước đã ký kết từ năm 1982 tới nay thì nó cũng không cần thiết phải tuyên truyền hay là phải nghiên cứu những âm mưu, phương thức... bởi vì sự thực người Việt trong cũng như ngoài nước nghĩ tới vấn đề nhân quyền và dân chủ thì chỉ mong cho đất nước được phát triển thôi, chứ còn không có một ý thức nào âm mưu hay là chống phá chính quyền hết cả.

Đấy là điều đầu tiên mà tôi thấy làm cho chúng tôi, những người đấu tranh cho nhân quyền, rất lo ngại về hướng đi của một tạp chí nhân quyền như vậy. Tôi nghĩ rằng nhân quyền là một vấn đề về bản chất và nội dung chứ không phải là một hình thức của một cái loa, của một tờ báo. Đó là cảm nghĩa của chúng tôi khi nghe bản tin đó.

Bảo vệ nhân quyền?

Thanh Quang: Thưa, ông vừa nhắc tới hai chữ "bản chất", thì khi dự buổi lễ ra mắt Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm có nhấn mạnh là tạp chí này nhằm giúp cho đồng bào trong nước, ngoài nước, cùng cộng đồng quốc tế hiểu rõ rằng việc bảo đảm quyền con người là bản chất của chế độ Việt Nam, thì ông thấy điều này có trung thực không hay như thế nào?

Ông Võ Văn Ái: Tôi sợ nó không trung thực ở điểm Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà nhà nước Việt Nam đã ký kết tại Liên Hiệp Quốc năm 1982.Theo thể thức của công ước này thì mỗi hai năm nhà nước Việt Nam phải phúc trình về sự áp dụng công ước này tại Việt Nam, nhưng rất tiếc là sau khi ký kết năm 1982 thì 15 năm sau nhà nước Việt Nam mới có một bản phúc trình đầu tiên, và từ năm 1995 cho tới nay thì không hề có một bản phúc tình nào hết cả. Như vậy thì chính sách nhân quyền ở đâu? Bảo vệ nhân quyền ở đâu? Đó là điều thứ nhứt.

... đó là yêu sách của trên 44 quốc gia yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện chế độ nhân quyền, thì phái đoàn Hà Nội đã bác bỏ những lời đó.

Ông Võ Văn Ái

Điều thứ hai tôi còn nhớ là năm ngoái chúng tôi có mặt tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ở Genève nhân kỳ kiểm điểm thường kỳ toàn diện của nhà nước Việt Nam, tức là nhà nước Việt Nam phúc trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, thì một điều làm cho chúng tôi rất ngỡ ngàng và có thể nói là rất thất vọng, đó là yêu sách của trên 44 quốc gia yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện chế độ nhân quyền, thì phái đoàn Hà Nội đã bác bỏ những lời đó.

Tôi không hiểu rằng bản chất và chính sách nhân quyền thực sự đã được ký kết tại Liên Hiệp Quốc nó không được thi hành, nó không được áp dụng, và điều nữa là tôi nhớ rằng lần đầu tiên có ông giáo sư Amor - Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về vấn đề tôn giáo - về Việt Nam điều tra về vấn đề tôn giáo năm 1998, ông đã làm một phúc trình rất rõ ràng về tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, nhưng nhà nước Việt Nam không bằng lòng với một phúc trình như vậy tại Liên Hiệp Quốc, và chính nhà nước Việt Nam đã tuyên bố năm đó rằng "chúng tôi không tiếp một phái đoàn điều tra nhân quyền nào nữa đến Việt Nam".

Và bây giờ đây tôi cũng vừa nghe trong tháng 7 - tháng 8 này nhà nước Việt Nam đã có mời các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về vấn đề sự nghèo đói của người thiểu số, thì điều mà Liên Hiệp Quốc cũng như tất cả những người đấu tranh cho nhân quyền chờ đợi trong ba, bốn, năm, sáu năm nay là yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận cho báo cáo viên LHQ về vấn đề tự do tôn giáo, vấn đề tự do ngôn luận, vấn đề bảo vệ nhân quyền, vấn đề tra tấn hay là bắt bớ trái phép, thì tuyệt đối nhà nước Việt Nam không chấp nhận cho những báo cáo viên LHQ đi tới.

Newspaper-Press-250.jpg
Tại Việt Nam hầu hết các ngòi bút đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và bị đặt dưới áp lực của đảng và nhà nước. (AFP PHOTO)

Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam chấp thuận cho báo cáo viên LHQ tới thì họ sẽ thấy những vấn đề đó, họ sẽ phúc trình cho Liên Hiệp Quốc và cho thế giới thấy rằng tại Việt Nam có tự do ngôn luận, có tự do tôn giáo, vân vân, nhưng mà tuyệt đối nhà nước Việt Nam đã không mời những báo cáo viên theo lời yêu cầu của Liên Hiệp Quốc, mà chỉ mời những báo cáo viên lo về vấn đề nghèo đói hay vấn đề người thiểu số.

Thông qua hai ví dụ mà chúng tôi vừa trình bày trên đây với quý Đài cho thấy rằng cái bản chất của vấn đề bảo vệ nhân quyền vẫn chưa được tôn trọng tại Việt Nam, vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam.

Vô ích, không cần thiết

Thanh Quang: Thưa ông, liệu Tạp chí Nhân quyền Việt Nam có thể ảnh hưởng ra sao tới hoạt động của cộng đồng người Việt tại hải ngoại và của các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới vốn tiếp tục đấu tranh để giúp cải thiện tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam?

Ông Võ Văn Ái: Tôi thấy rằng nếu Tạp chí Nhân quyền đáp ứng lại tất cả những gì mà người dân Việt Nam trong và ngoài nước chờ đợi trên lãnh vực nhân quyền và dân chủ thì chắc chắn nó là một cơ quan đối thoại giữa nhà nước với quần chúng Việt Nam. Và từ sự đối thoại đó nó đẩy mạnh thay đổi toàn bộ chính sách hiện nay về nhân quyền của nhà nước Việt Nam, tức là chính sách đàn áp chứ không phải chính sách bảo vệ nhân quyền. Thì nếu tờ báo đó đóng vai trò đối thoại và cho quần chúng được học hỏi "thế nào là nhân quyền?", "thế nào là luật pháp bảo vệ nhân quyền, bảo vệ người lao động?", thì đấy là một tờ báo mà tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng như thế giới rất chờ đợi.

Nhưng nếu như tờ báo đó ... để nghiên cứu những âm mưu, để tuyên truyền cho chế độ, tuyên truyền cho đảng, thì một tạp chí như vậy thật tình là nó không cần thiết, bởi vì các cơ quan truyền thông báo chí của nhà nước Việt Nam đã làm việc đó 35 năm nay rồi ...

Ông Võ Văn Ái

Nhưng nếu như tờ báo đó đã được tuyên bố thông qua Văn phòng Thường trực của Ban chỉ đạo về Nhân quyền của chính phủ như tôi vừa trình bày, để nghiên cứu những âm mưu, để tuyên truyền cho chế độ, tuyên truyền cho đảng, thì một tạp chí như vậy thật tình là nó không cần thiết, bởi vì các cơ quan truyền thông báo chí của nhà nước Việt Nam đã làm việc đó 35 năm nay rồi mà nó không đưa tới sự thực hiện nhân quyền, đặc biệt là không được thực hiện Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà nhà nước Việt Nam ký kết năm 1982. Cho nên tôi thấy sự có mặt của một tạp chí như vậy thật ra nó không cần thiết và nó vô ích.

Thanh Quang: Cảm ơn ông Võ Văn Ái rất nhiều.

Ông Võ Văn Ái: Xin cảm ơn quý Đài và xin kính chào quý vị thính giả tại Việt Nam.

Theo dòng thời sự: