Hội Nghị Hòa Bình Trung Ðông Annapolis

0:00 / 0:00

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Biến chuyển đang chú ý nhất trong tuần là Hội Nghị Hòa Bình Trung Ðông do Hoa Kỳ tổ chức ở Annapolis, bang Maryland, vừa kết thúc hôm Thứ Tư tuần này. Tổng cộng có 44 phái đoàn đại diện cho nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế tham dự, thành quả đạt được là hai chính phủ Do Thái và Palestine cam kết bắt đầu cuộc đàm phán tìm hòa bình và sẽ hoàn tất vào cuối năm tới.

MiddleEastAnnapolis200.jpg
Tổng thống Bush (giữa) và Thủ tướng Israel Ehud Olmert(trái) và Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas (phải) tại Toà Bạch Ốc hôm 28-11-2007. AFP PHOTO

Dù quyết tâm, mục tiêu và thời hạn được đặt ra, nhưng tất cả mọi người đều biết vẫn còn rất nhiều thử thách trước khi quốc gia Palestine được thành lập, người dân sẽ sống hòa bình bên cạnh cựu thù Do Thái, chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã 4 thập kỷ qua.

Hội Nghị Hòa Bình Trung Ðông Annapolis chính là đề tài được chúng tôi chọn cho tuần này. Khách mời là Giáo Sư Tiến Sĩ Norman Finkelstein, một chuyên gia về Do Thái-Palestine, tác giả nhiều quyển sách nói về triển vọng hòa bình cho hai dân tộc Palestine và Do Thái.

Như thường lệ cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và những điểm chính được chúng tôi gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Cũng xin được nói rõ: quan điểm của người được mời không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ðài Á Châu Tự Do.

Nguyễn Khanh: "lịch sử đã chuyển mình". Ðó là những gì mọi người được nghe từ Annapolis. Có thật là lịch sử đã chuyển mình không?

Giáo Sư Norman Finkelstein: không, chẳng có thành đạt gì ở Hội Nghị Annapolis cả, mà chỉ là những nỗ lực trình diễn với thế giới mà Hoa Kỳ làm và hai chính quyền Do Thái, Palestine phải đi theo.

Ðiều này cũng dễ hiểu, vì Hoa Kỳ tự quyết định đứng ra đăng cai Hội Nghị, trang trải tất cả mọi chi phí, soạn thảo mọi kế hoạch. Không phải chỉ mình tôi nhìn như thế mà nếu đọc nhận định của các chuyên gia khác, ông cũng sẽ thấy như vậy. Cả Do Thái và Palestine đều muốn làm hài lòng ông chủ nhà, để tương lai có thêm quyền lợi.

tôi không thấy có gì để lạc quan cả. Trở ngại chính của nền hòa bình Do Thái-Palestine chính là nước chủ nhà, nước đăng cai Hội Nghị Annapolis.

Nguyễn Khanh: Giáo Sư có vẻ không lạc quan?

Giáo Sư Norman Finkelstein: tôi không thấy có gì để lạc quan cả. Trở ngại chính của nền hòa bình Do Thái-Palestine chính là nước chủ nhà, nước đăng cai Hội Nghị Annapolis.

Trong bao nhiêu năm trời qua ai cũng thấy giải quyết vấn đề không khó, nhưng trở ngại lúc nào cũng xảy ra. Nếu nhìn vào lịch sử, ông cũng thấy năm nào Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng đưa chuyện Palestine ra bàn thảo, năm nào cũng muốn bỏ phiếu để giải quyết tình trạng của dân tộc Palestine và muốn chấm dứt việc Do Thái tiếp tục đưa dân định cư ở những vùng đất được dự đoán sẽ thuộc về quốc gia Palestine sau này, nhưng năm nào cũng bị Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết.

Mặc dù là một người gốc Do Thái, cha mẹ tôi đều từng bị giam cầm trong trại tập trung Ðức Quốc Xã, nhưng phải đau lòng mà nói rằng mỗi khi nói đến vấn đề Palestine thì thế giới chia làm hai, một bên là chừng 160 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, bên còn lại là Hoa Kỳ và Do Thái. Ðó là sự thật, và đó chính là lý do tại sao đến bây giờ căng thẳng giữa Do Thái và Palestine vẫn tồn đọng, chưa thể giải quyết. Làm sao có thể lạc quan được?

Nguyễn Khanh: nhưng thưa Giáo Sư, trong bài diễn văn đọc tại Annapolis, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush có nói rõ "thời điểm đã chín mùi, mục tiêu thật chính đáng"; hai nhà lãnh đạo Do Thái và Palestine cũng đồng ý giữa tháng tới sẽ khởi đầu cuộc đàm phán đi đến hòa bình, hứa hẹn sẽ hoàn tất vào cuối năm tới và riêng hai ông thì mỗi hai tuần gặp nhau một lần. Như vậy chưa đủ để thế giới vững tin hay sao?

Giáo Sư Norman Finkelstein: câu trả lời của tôi là không. Dưới hình thức này hoặc hình thức khác, đàm phán đã được thực hiện trong 40 năm qua rồi, chứ không đợi đến Hội Nghị Annapolis mới được nhắc tới. Vấn đề cần phải được đặt ra không phải là chuyện đàm phán, cũng chẳng phải là chuyện phải giải quyết vấn đề như thế nào, mà là chuyện phải bỏ hẳn hàng rào cản đang có.

Tôi chợt nhớ lại khi cuộc chiến Việt Nam mới bắt đầu, Vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc lúc đó là ông U Than có nói rằng “ở bất kỳ cuộc chiến nào, sự thật bao giờ cũng chính là tổn thương đầu tiên”. Nếu người Mỹ bây giờ biết được rằng chính phủ Hoa Kỳ từng ngăn cản không cho hai miền Nam-Bắc Việt Nam nói chuyện với nhau, thì rất tiếc, chính người dân Hoa Kỳ không biết những gì từng xảy ra ở Việt Nam chính là những gì đang xảy ra ở trận chiến Do Thái và Palestine.

Trong 30 năm qua, thế giới đưa ra biết bao nhiêu đề nghị để giải quyết căng thẳng Do Thái-Palestine nhưng đâu có được thực hiện. Ai mà không thấy là Do Thái phải rút quân ra khỏi những vùng đất ở Tây Ngạn Sông Jordan, ở Dải Gaza mà họ đã chiếm đóng từ tháng Sáu năm 1967, cũng như phải trả lại phía Ðông Jerusalem cho người Palestine?

Ai mà không thấy là các nước Ả Rập phải công nhận sự hiện hữu của quốc gia Do Thái, và các nước trong vùng phải sống hòa bình với nhau? Ðó chính là giải pháp cho hòa bình Trung Ðông, chẳng có gì phức tạp, rắc rối cả. Trở ngại đến giờ vẫn chưa giải quyết được là Do Thái không rút quân, và Hoa Kỳ ủng hộ việc Do Thái làm. Ðiều mà Hoa Kỳ đang làm là muốn các nước nói chuyện với nhau, nhưng điều Hoa Kỳ không làm là bảo Do Thái phải rút quân khỏi những vùng đang chiếm đóng.

Do Thái hiện đang nhờ vả vào Hoa Kỳ từ kinh tế, quân sự cho đến chính trị, do đó, tôi thấy Do Thái khó có thể lắc đầu không nghe theo yêu cầu của nước Mỹ. Ông cũng nên nhớ rằng Indonesia là nước đông dân thứ năm trên thế giới, quốc gia rộng lớn hơn Do Thái, lại không lệ thuộc vào Hoa Kỳ nhiều như Do Thái, vậy mà khi biết không còn được Mỹ ủng hộ nữa, họ phải rút ra khỏi Ðông Timor.

Gần đây, mới hồi năm 2000, Hoa Kỳ bảo Indonesia phải rút khỏi Ðông Timor, và sau đó, quốc gia Ðông Timor thành hình. Chuyện Indonesia và chuyện Do Thái giống nhau. Indonesia chiếm Ðông Timor hồi 1974, Do Thái chiếm Tây Ngạn, Dải Gaza và Ðông Jerusalem hồi 1967, và cả hai chuyện đều được Hoa Kỳ để yên. Ðiều tôi luôn luôn thắc mắc là tại sao Hoa Kỳ không bảo với Do Thái như đã từng bảo với Indonesia.

Nguyễn Khanh: ông có chắc là Hoa Kỳ có thể bảo Do Thái rút khỏi các vùng đang chiếm đóng không?

Giáo Sư Norman Finkelstein: tôi không thắc mắc gì về điều này cả. Hiện nay Do Thái là một nước đang bị thế giới Ả Rập cô lập, họ phải trông cậy hoàn toàn vào nước Mỹ từ kinh tế, quân sự cho đến ủng hộ chính trị. Trong thập kỷ 1990, Hội Ðồng Bảo An đã 20 lần ra nghị quyết cấm vận kinh tế với nhiều nước chẳng hạn như Iraq, Serbia, nhưng không bao giờ có thể thông qua nghị quyết cấm vận với Do Thái, vì bị Hoa Kỳ ngăn cản.

Do Thái hiện đang nhờ vả vào Hoa Kỳ từ kinh tế, quân sự cho đến chính trị, do đó, tôi thấy Do Thái khó có thể lắc đầu không nghe theo yêu cầu của nước Mỹ. Ông cũng nên nhớ rằng Indonesia là nước đông dân thứ năm trên thế giới, quốc gia rộng lớn hơn Do Thái, lại không lệ thuộc vào Hoa Kỳ nhiều như Do Thái, vậy mà khi biết không còn được Mỹ ủng hộ nữa, họ phải rút ra khỏi Ðông Timor.

Nếu Washington có thể đòi Indonesia làm điều này, họ cũng có thể đòi một nước chỉ có 6 triệu rưỡi dân là Do Thái làm điều tương tự. Hoa Kỳ có thể làm, nhưng chính Hoa Kỳ không muốn làm, nên ngay từ khi bắt đầu nói chuyện với ông, tôi có bảo rằng hòa bình Trung Ðông chưa thành hình vì lỗi của chính nước tổ chức hội nghị hòa bình, tức là nước Mỹ.

Nguyễn Khanh: chưa thấy Giáo Sư nói gì đến vai trò của chính quyền Palestine trong tiến trình xây dựng hòa bình. Chắc chắn chính phủ Palestine cũng phải có những hành động cụ thể để đóng góp vào tiến trình hòa bình chứ ạ?

Giáo Sư Norman Finkelstein: những gì đã xảy ra cho thấy rõ là trong khoảng thời gian từ giữa thập kỷ 1970, giới lãnh đạo Palestine luôn luôn lên tiếng ủng hộ việc dựng một quốc gia sống bên cạnh Do Thái. Cho đến khi Hamas lên nắm quyền vào năm 2005, câu chuyện mới bắt đầu đổi khác.

Tôi thấy chuyện Palestine và chuyện Việt Nam giống nhau, tức là đều có 2 lực đẩy. Lực thứ nhất là sự chống đối của một thành phần dân chúng Việt Nam đối với việc quân đội Hoa Kỳ hiện diện trên lãnh thổ của họ, kết hợp với lực thứ hai là thành phần phản chiến ở ngay nước Mỹ buộc Washington phải rút quân.

Trong khoảng thời gian dài 30 năm, tính từ ngày Palestine được điều khiển bởi ông Chủ Tịch Yasser Arafat đến ngày quyền hành nằm trong tay Hamas, ý kiến thành lập quốc gia được nói đến rất nhiều lần nhưng không được sự ủng hộ của Do Thái và Hoa Kỳ, vì trong các điều kiện lập quốc của người Palestine có điều kiện Do Thái phải rút hết quân ở những vùng đang chiếm đóng.

Từ khi Hamas lên nắm quyền đến giờ, bức tranh Palestine không được sáng như trước nữa. Có lúc Hamas bảo đồng ý với đề nghị lập quốc, có lúc họ lại bảo là không. Theo đánh giá của tôi thì dù đang là lực lượng mạnh nhất và có nhiều uy quyền nhất, nhưng chính thành phần lãnh đạo Hamas cũng biết là dù có bảo thủ, có cực đoan đến đâu đi chăng nữa thì họ vẫn cần phải đến sự ủng hộ của nhân dân để sống còn.

Người dân Palestine thì ủng hộ việc lập quốc và họ cũng biết là không thể phủ nhận thực tế là có sẵn một nước Do Thái ở ngay bên cạnh nước sắp lập của họ. Và theo tôi hiểu, người dân Palestine đang chờ đợi một tín hiệu tốt đến từ phía Hoa Kỳ cũng như phía Do Thái.

Nguyễn Khanh: nhưng cũng có những nhà quan sát ở Washington bảo rằng với tình hình chia rẽ hiện nay, tức là sự chia rẽ giữa ông Chủ Tịch Abbas với lượng Hamas, Palestine đang ở kèo dưới, vì không đủ mạnh để có thể mặc cả với Do Thái. Nếu nhận xét đó đúng, muốn hỏi Giáo Sư là liệu tiếng súng cứ tiếp tục nổ mãi hay sao?

Giáo Sư Norman Finkelstein: tôi thấy không có lý do gì để chúng ta nghĩ là cuộc chiến sẽ tiếp diễn mãi mãi. Cuộc chiến chỉ tiếp diễn nếu Hoa Kỳ không làm áp lực buộc Do Thái rút quân.

Tôi thấy chuyện Palestine và chuyện Việt Nam giống nhau, tức là đều có 2 lực đẩy. Lực thứ nhất là sự chống đối của một thành phần dân chúng Việt Nam đối với việc quân đội Hoa Kỳ hiện diện trên lãnh thổ của họ, kết hợp với lực thứ hai là thành phần phản chiến ở ngay nước Mỹ buộc Washington phải rút quân.

Ở Palestine cũng vậy, lực thứ nhất là sự chống đối của người dân Palestine trước việc quân đội Do Thái chiếm đóng những vùng đất của người Ả Rập, và lực thứ nhì là áp lực đến từ Washington buộc Do Thái phải rút quân. Hai lực đầu đã kết thúc cuộc chiến Việt Nam, nếu có đủ 2 lực sau sẽ kết thúc cuộc chiến Do Thái-Palestine và Trung Ðông sẽ có hòa bình.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn Giáo Sư.