Tham gia Đảng uỷ Công an: Thế cờ vây của TBT Nguyễn Phú Trọng

Truyền thông Việt Nam hôm nay đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định tham gia Đảng uỷ và Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương. Đây là một quyết định mới và cũng là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia cơ quan Đảng đầy quyền lực của Bộ Công An.

Sự kiện này dưới cái nhìn và quan điểm của các nhà quan sát như thế nào, mời quí vị theo dõi bài phóng sự sau do Cát Linh thực hiện.

Cũng cố vai trò độc tôn của Đảng

Đài truyền hình trong nước tối hôm Thứ Tư 21 tháng Chín trình chiếu buổi lễ của Bộ Chính trị công bố việc chỉ định một danh sách gồm 16 người đứng đầu cơ quan Đảng của Bộ Công an. Đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Tổng bí thư trước, ông Nguyễn Phú Trọng với cương vị hiện tại là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia Đảng uỷ và ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến, từ Đà Lạt trả lời phỏng vấn chúng tôi vào tối 21 tháng 9 cho biết ông cũng vừa biết được tin từ truyền hình nhà nước. Nhận định đầu tiên của ông về sự việc này đó là Đảng Cộng sản Việt Nam đang ngày càng cũng cố sự lãnh đạo độc tôn của Đảng trong cả hai lĩnh vực quân đội và công an.

“Có thể nói chế độ Đảng trị đồng thời cũng là công an trị. họ tranh nhau chẳng qua là để cũng cố đường lối đó. Và như thế có thể cho thấy phái diều hâu trong Đảng đang thắng, và tiếng nói của nhân dân về dân chủ bao năm nay chẳng có ảnh hưởng tí gì với họ. Có những điều chỉnh nhưng chẳng qua họ chủ động điều chỉnh để chính sách của họ được thực hiện 1 cách hoàn chỉnh hơn chứ chẳng tiến về dân chủ gì cả.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ. Courtesy TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ. Courtesy TTXVN

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ, Đảng ủy Công an Trung ương do Bộ Chính Trị là cơ quan có quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản chỉ định. Một vị Giáo sư, Tiến sĩ xin được giấu tên cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông sau khi biết được tin từ truyền hình VTV trong nước.

“Tôi cho rằng ông ấy (Nguyễn Phú Trọng) làm như thế là quá tham quyền lực. ông ấy định dùng cả bộ máy Đảng áp lên công an, rồi chỉ đạo công an làm việc. Nói chung tôi có phản ứng không tốt lành, cho rằng đây là một việc làm kiêm quyền ghê gớm của Nguyễn Phú Trọng.”

Vị giáo sư này đặt câu hỏi "làm thế nào mà trong một Đảng uỷ lại có cả Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng trong ấy? Rõ ràng là một bộ máy Đảng trị, một bộ máy mà Đảng bao trùm lên tất cả."

Tôi cho rằng ông ấy (Nguyễn Phú Trọng) làm như thế là quá tham quyền lực. ông ấy định dùng cả bộ máy Đảng áp lên công an, rồi chỉ đạo công an làm việc.<br/> - Một Giáo sư, Tiến sĩ giấu tên

Trong quyết định của Bộ Chính trị Khoá XII về 16 thành viên đứng đầu cơ quan Đảng của Bộ Công an, có cả ba lãnh đạo cấp cao trong số bốn người được gọi là “Tứ trụ” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nói về cơ cấu này, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu không cho rằng sẽ có sự “chồng chéo về quyền lực”, vì theo ông, tất cả chỉ là một.

“Thực chất lãnh đạo của Đảng Cộng sản tất cả chỉ là Đảng hết. mọi thứ chỉ là bù nhìn. Quốc hội cũng là bù nhìn. Chính phủ cũng là bù nhìn. Trước đây họ phân công chỉ là tính chất hình thức thôi chứ mọi thứ thật ra là một đầu mối.”

Thế cờ vây

Quyết định tham gia Đảng uỷ và Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương của ông Nguyễn Phú Trọng, mà không có một chức danh cụ thể nêu ra trong buổi lễ công bố ngày 21 tháng Chín, đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà quan sát. Đặc biệt khi nói đến sự kiện Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên cán bộ quản lý cao cấp của công ty dầu khí Việt Nam, người làm xôn xao dư luận và được cơ quan báo chí của nhà nước, cả giới blogger nhắc đến gần đây, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng không thể không nghi ngờ có một sự liên quan. Ông cho rằng việc tham gia bộ phận tối cao của công an là một bước để ông Nguyễn Phú Trọng tham gia trực tiếp vào vụ án:

“Đúng như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng muốn nắm luôn cả công an là vì thế này: dư luận người ta biết lúc đầu, ông Trần Đại Quang tưởng đã đi theo ông Trọng một cách tuyệt đối, nhưng không phải. càng ngày người ta càng thấy trong nội bộ của họ có những phân hoá. Cho nên ông Nguyễn Phú Trọng, có thể nói người mà ông ấy muốn diệt nhất, trung tâm là ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau đại hội 12, tưởng là ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực nhưng nghĩ vậy thôi, chân rết của ông ấy còn nhiều. Thứ hai nữa là công an cũng muốn bảo vệ ông Dũng đấy chứ không phải chuyện đùa. Cho nên muốn đánh ông Dũng thì cũng phải nắm luôn cả công an. Chắc chắn như thế.

Ngay cả ông Trịnh Xuân Thanh, ông ấy đi ra được nước ngoài trong điều kiện như thế thì tất nhiên công an phải mở cửa cho ông ấy đi chứ. Tóm lại muốn trị ông Trịnh Xuân Thanh thì ông Trọng phải nắm luôn cả công an.”

Ngay cả ông Trịnh Xuân Thanh, ông ấy đi ra được nước ngoài trong điều kiện như thế thì tất nhiên công an phải mở cửa cho ông ấy đi chứ. Tóm lại muốn trị ông Trịnh Xuân Thanh thì ông Trọng phải nắm luôn cả công an.<br/>- Tiến sĩ Hà Sĩ Phu

Tuy nhiên cũng theo Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì những người trong “Tứ trụ” cũng không dễ dàng chịu thua ngay.

“Chắc chắn rằng trong họ sẽ có những đấu tranh với nhau chứ không dễ dàng ông Trọng có thể dắt mũi họ. Những người không còn trong Tứ trụ cũng còn lực lượng và tất nhiên họ kết hợp với Tứ trụ. Chứ không phải những người đã bị hất ra khỏi Bộ chính trị là họ chịu thua hoàn toàn. ”

Cho dù báo chí trong nước đã đồng loạt tường thuật lời phát biểu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, sự tham gia của ba lãnh đạo cấp cao vào Đảng uỷ Trung ương là thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhưng các nhà quan sát thì lại có nhận định ngược lại. Họ cho rằng quyết định tham gia Đảng uỷ Công an của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ cho thấy sự độc tôn của Đảng cộng sản mà chiều hướng dân chủ hoá ở Việt Nam vẫn còn rất xa vời.