Trường Văn, phóng viên đài RFA
Theo số liệu của Sở Giáo Dục và Đào Tạo, tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện có gần 300 trung tâm ngọai ngữ sử dụng hàng trăm giáo viên người nước ngoài trong việc giảng dạy. Những giáo viên này là ai và họ có phải là những người có đủ trình độ nghiệp vụ để giảng dạy hay không? Trường Văn có bài tường trình sau đây về sinh hoạt này.
Do việc càng ngày càng có nhiều người nước ngoài vào Việt Nam để làm việc, đầu tư hay tham quan du lịch, các trường, các trung tâm ngọai ngữ mọc lên như nấm tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại các tỉnh.
Từ nhu cầu này, việc tuyển dụng giáo viên người nước ngòai để giảng dạy là một điều cần thiếtvà hợp lý. Tuy nhiên vì lý do câu học sinh, vì lợi nhuận, không ít các trung tâm này đã sử dụng nhiều giáo viên không đủ trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
Điển hình nhất là việc tuyển dụng các khách du lịch bình dân mà người dân thành phố gọi là Tây balô.
Họ là ai, trình độ Anh ngữ ra sao?
Tây balô thường cư ngụ tại các dãy phố thuộc khu Đề Thám, Bùi Viện và bao gồm các thành phần rất phức tạp. Lý lịch cá nhân cũng như hồ sơ tội phạm của những người này không được kiểm chứng.
Do đó việc dùng họ trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên thành phố là một điều không có lợi cho việc học hỏi của con em đó là chưa kể đến những mối nguy hiểm tìềm ẩn vì không ai biết được họ là người tốt hay xấu.
Một giáo viên dạy Anh văn cho biết: "Trong số hai người nước ngòai bị truy tố về tội lạm dụng tình dục trẻ em có một người là giáo viên Anh ngữ."
Ngoài ra khả năng giảng dạy của một số Tây balô cũng không có nhất là về phương diện văn phạm, ngữ pháp: "Những ông Tây balô nói tiếng Anh tụ nhiên vì họ sinh ra trong một nước nói tiếng Anh chứ còn về ngữ pháp họ không biết gì cả.
Ngòai ra còn có tình trạng nhiều giáo viên nước ngoài không phải gốc Anh hay gốc Mỹ nên học sinh cũng không được hướng dẫn cách phát âm cho chuẩn xác: "Mỗi người một xứ phát âm khác nhau nên con nít cứ ngơ ngác ra thôi, đóng tiền thì nặng lắm nhưng kết quả không có bao nhiêu".
Ngành chức năng nói gì?
Đứng trước tình trạng lộn xộn kể trên, trong năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trung tâm ngọai ngữ chỉ sử dụng giáo viên người nước ngòai dạy tiếng Anh phải có đủ điều kiện như phải có bằng đại học chuyên ngành tiếng Anh, chứng chỉ dạy tiếng Anh Tesol… và phải được Sở Lao Động và Thương Binh Xã Hội thành phố cấp phép.
Quyết định này của Sở Giáo Dục và Đào Tạo thành phố được sự đồng tình huởng ứng của những người phục vụ trong ngành giáo dục: "Tán thành quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh."
Tuy nhiên việc đòi hỏi có giấp phép của Sở Lao động và Thương binh đã phần nào gây trở ngại cho việc tuyển dụng giáo viên người nước ngoài nhất là người Mỹ như phản ánh sau đây của một trung tâm ngọai ngữ lớn tại thành phố:
“Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam không chứng nhận lý lịch tư pháp của các công dân Mỹ theo như yêu cầu tuyển dụng của Sở Lao Động và Thương Binh Xã Hội.”
Trước các khó khăn này, các trung tâm ngọai ngữ cho biết là họ đang mất dần các giáo viên người nước ngòai và các Trung Tâm cũng đã đệ trình vụ việc lên Sở Giáo dục Đào tạo và Sở Lao động và Thương binh Xã hội để yêu cầu xem xét lại.