Trà Mi, phóng viên đài RFA
Đại dịch cúm gia cầm đang từng ngày từng giờ đe doạ nhân loại. Trước tình trạng virus cúm gà đang tái bộc phát mạnh mẽ, lây lan nhanh chóng tại Châu Á, và hiện đã bắt đầu manh nha sang Châu Âu, giới chuyên môn lo ngại rằng H5N1 có thể sẽ đột biến và có khả năng lây truyền từ người sang người.
Từ một nông trại xa xôi hẻo lánh tại miền Tây Trung Quốc, ông Hà Dụ Bang, phó giám đốc khu vườn bảo tồn thiên nhiên có tên gọi là Hồ Thanh Hải, đau đầu trước cuộc chiến cúm gia cầm khi chứng kiến hơn 5 ngàn con chim di cư ngã ra chết vì virus H5N1 trong đợt bộc phát dịch.
Thủ phạm lây truyền dịch cúm
Cuối tháng sáu vừa qua, Tổ chức y tế thế giới WHO đã gửi 1 toán chuyên gia đến đây để điều nghiên thực trạng, đồng thời đưa ra lời cảnh báo rằng hàng chục ngàn chim hoang dã đến khu bảo tồn này sinh sản vào mùa hè sẽ bắt đầu di cư vào tháng 9 tới đây, và dĩ nhiên, sẽ gây ra nguy cơ mang phát dịch bệnh đi khắp nơi toàn cầu.
WHO đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc có biện pháp kiểm soát chúng. Thế nhưng, việc này không phải dễ thực hiện, vì không ai biết chắc được lộ trình của chúng di chuyển từ đâu tới và sẽ bay về đâu.
Mặc dù cho tới nay, giới chuyên môn chưa thể quả quyết rằng chim di cư là thủ phạm lây truyền dịch cúm tại Châu Á, nhưng chúng vẫn là những nghi phạm chính. Từ lâu, người ta đã nghi ngờ các con ngỗng di cư và có thể là những loài khác nữa dung dữơng dòng virus này mà không có biểu hiện ra ngoài. Thế rồi trên đường di cư, chúng thường hoà lẫn vào các đàn gia cầm và lây virus.
Tình trạng báo động tại Nga
Lý luận này càng được củng cố kể từ khi Nga công bố phát hiện cúm gia cầm tại vùng gần biên giới với Trung Quốc. Cuối tháng trước, các giới chức y tế Nga khẳng định dòng virus nguy hiểm H5N1 đã xâm nhập vào địa phận Novosibirsk của Siberia, giết chết khoảng 1300 gia cầm tại khu vực cách Hồ Thanh Hải của Trung Quốc chừng hơn 3 ngàn cây số.
Bốn địa phương khác tại Nga cũng đã bộc phát dịch, mặc dù chưa rõ chủng cúm nào. Hiện Nga đang báo động chim di cư có thể sẽ gieo rắc bệnh dịch đến những miền viễn tây xứ này. Thống kê cho thấy tại Nga đã có hơn 4 ngàn chim hoang dã và gia cầm chết vì H5N1.
Những nơi có virus H5N1 hoạt động mạnh mẽ thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, và Campuchea, thì lại chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy tình hình nguy cập như thế, nhưng hầu như các quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa có kế hoạch hữu hiệu để tuyên chiến với đại dịch cúm. Gíơi chuyên môn e rằng virus H5N1 sẽ biến đổi và có khả năng lây truyền từ người sang người, và gây tử vong cho hàng triệu nhân mạng trên thế giới.
Một mối lo ngại lớn hơn là H5N1 có thể trà trộn với các loại virus cúm thông thường, có thể là trong 1 người đang bị cúm hay qua 1 loại động vật trung gian như lợn chẳng hạn. Trong trường hợp này sẽ xuất hiện một loại virus cực kỳ nguy hiểm: vừa có khả năng huỷ diệt vừa có khả năng lây lan.
Theo phát ngôn nhân Tổ chức Y tế thế giới, Bob Dietz, những nơi có virus H5N1 hoạt động mạnh mẽ thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, và Campuchea, thì lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, thật ra, vẫn theo lời ông Dietz, chưa chắc những nơi virus hoành hành là nơi sẽ xảy ra đại dịch. Đại dịch có thể ập đến bất cứ nơi nào, và những nước nghèo dĩ nhiên là dễ bị thiệt hại hơn những nước giàu.
Tình hình tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Cục Thú y đã yêu cầu các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ sớm thống kê số lựơng gia cầm, thuỷ cầm và chuẩn bị phương tiện để tiêm phòng vaccine cúm gà trên diện rộng vào tháng sau.
Hiện tại, công tác tiêm vaccine ngừa cúm gia cầm đang được tiến hành tại 2 tỉnh thí điểm là Tiền Giang và Nam Định, với 2 triệu liều vaccine nhập từ Trung Quốc và Hà Lan. Ông Nguyễn Bá Thành, giám đốc Trung tâm thú y vùng, tỉnh Cần Thơ, phát biểu về công tác tiêm ngừa vaccine cúm gia cầm. Việt Nam sẽ nhập thêm 100 triệu liều vaccine khác cho kế hoạch tiêm ngừa trên diện rộng sắp tới đây.
Mới hôm Chủ Nhật, Hoa kỳ công bố kết quả ban đầu cho thấy loại vaccine ngừa cúm gia cầm đang thí nghiệm chứng tỏ có khả năng đáp ứng miễn dịch trên 115 người thử nghiệm. Người ta đang hy vọng kết quả tương tự trên 185 người khác. Tuy nhiên, từ đây cho đến lúc có kết luận chính thức cần phải có nhiều cuộc thử nghiệm nữa.
Vaccine ngừa cúm gia cầm
Tổ chức y tế thế giới nói rằng vaccine ngừa cúm gia cầm là một bước khởi đầu lạc quan nhưng không phải là một "viên đạn bạc" giúp giải quyết nhanh, gọn, và dứt điểm cho cuộc chiến chống đại dịch cúm do virus H5N1 gây ra.
Theo ông Dick Thompson, phát ngôn nhân của WHO, cuộc thử nghiệm cho thấy những dấu hiệu khả quan về tính hiệu quả của loại vaccine này, nhưng đây chỉ là một sự khởi đầu đáng mừng, chứ không phải là một bức bình phong chắc chắn cho nhân loại trước dịch cúm gà đang bộc phát tại nhiều nơi trên thế giới.
Tính tới nay, có gần 60 người thiệt mạng tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchea, và Indonesia, vì tiếp xúc với gia cầm nhiễm cúm. Riêng ở Việt Nam, kể từ lúc phát hiện hồi cuối năm 2003 tới nay, đã có 43 ca tử vong vì cúm gia cầm.