Bắc Kinh tưởng niệm Hồ Diệu Bang, nhà lãnh đạo cải tổ

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Sáu vừa qua, đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm sinh nhật lần thứ 90 của cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang tại Bắc Kinh. Đây là một diễn tiến chưa từng có, kể từ ngày ông mất hồi năm 1989 và làm phát khởi cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đưa đến cuộc thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn.

HuYaobang150.jpg
Bức hình chụp cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang hôm 16-6-1986. AFP PHOTO

Lễ tưởng niệm cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang diễn ra hôm thứ Sáu chỉ trong vòng 90 phút với số quan khách tham dự thật hạn chế vào khoảng 350 người.

Khi chủ xướng tổ chức buổi lễ này, chủ tịch Hồ Cầm Đào đã gặp không ít khó khăn, nhưng ông kiên quyết cho xúc tiến dù rằng không thể đích thân chủ trì do phải tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hàn Quốc.

Bị phản đối mạnh mẽ

Ông Lâm Mục, cựu trợ lý của cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang, xác nhận điều này với đài Á châu Tự do: "Ông Hồ Cẩm Đào đã mạnh dạn đề xuất tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, nhưng đã gặp sự phản đối khá mạnh mẽ."

Buổi lễ tưởng niệm có mục tiêu chính thức là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của ông Hồ Diệu Bang, nhưng chính vai trò của ông trong việc kêu gọi cải tổ chính trị và hệ quả của cuộc tàn sát đẫm máu ở Thiên An Môn hồi năm 1989, mới khiến nhiều ý kiến phản đối phát sinh từ các phần tử bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một đảng viên lão thành và cộng sự thâm niên với ông Hồ Diệu Bang cho biết chính vì những sự phản đối đó mà buổi lễ tưởng niệm phải bị thu gọn và số người tham dự bị giới hạn rất nhiều sau khi chọn lọc.

Ông Tăng Khánh Hồng nói về bản chất đạo đức của ông Hồ Diệu Bang. Nhưng các nhận xét của ông về những đóng góp của ông Hồ cho sự cải tổ và mở cửa của Hoa Lục thì lại được đề cập tới một cách hạn chế.

Dù vậy, thay mặt chủ tịch Hồ Cầm Đào chủ trì buổi lệ, phó chủ tịch nước, ông Tăng Khánh Hồng, trong bài nói chuyện hôm thứ Sáu tại Đại Sảnh Đường Nhân dân ở Bắc Kinh, đã khuyến khích mọi người là hãy noi gương cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang. Ông nói: "Chúng ta cần tích cực học hỏi theo tinh thần cách mạng và bản chất đạo đức của ông."

Về lời khuyên nhủ đó của người phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc, thì ông Chu Lý, một thân hữu của gia đình ông Hồ Diệu Bang và đã tham dự buổi lễ kỷ niệm hôm thứ Sáu tại Bắc Kinh đưa ra nhận xét :

“Ông Tăng Khánh Hồng nói về bản chất đạo đức của ông Hồ Diệu Bang. Nhưng các nhận xét của ông về những đóng góp của ông Hồ cho sự cải tổ và mở cửa của Hoa Lục thì lại được đề cập tới một cách hạn chế.

Dù sao thì ông Tăng Khánh Hồng cũng có nhắc đến việc ông Hồ Diệu Bang đã giúp phục hồi phẩm giá cho trên 3 triệu người Trung Quốc bị nạn trong thời Cách mạng Văn hóa. Ba triệu người. Đó là một đóng góp lớn lao, chưa từng xảy ra trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó xảy ra không chỉ vì bản chất đạo đức của ông Hồ Diệu Bang mà thôi.”

Gây ngạc nhiên

Việc chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhất quyết tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang thoạt đầu khiến nhiều người ngạc nhiên, lý do là do chủ trương của ông Hồ Cẩm Đào từ khi nắm quyền bính từ hai năm qua là siết chặt sự kiểm soát tư tưởng của giới trí thức và truyền thông.

Nhiều nhà quan sát cho lễ kỷ niệm này sẽ giúp hình ảnh nghiêm khắc của chủ tịch Hồ Cẩm Đào bớt vẻ cứng rắn, nhưng nó cũng giúp ông thu hút thêm hậu thuẫn nội bộ từ những người còn kính trọng nhà lãnh đạo quá cố.

Ông Hồ Diệu Bang sau khi mất chức tổng bí thư đã bị đối xử khắc nghiệt, chủ yếu là từ khi ông giúp phục hồi phẩm giá cho hàng triệu người vốn bị kết án oan uổng dưới thời Vệ binh Đỏ. Trong số đó có rất nhiều nhà trí thức và thân bằng quyến thuộc của các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.

Ông làm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trong vòng 7 năm, cho đến khi bị truất chức vào năm 1987 do bị phê bình là quá mềm mỏng đối với các cuộc biểu tình của sinh viên đòi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do phát biểu. Thái độ đó của ông bị các phần tử bào thủ trong đảng chế riễu gọi là "cuộc cách mạng tiểu tư sản".

Ủng hộ dân chủ và cải tổ

Tại lễ kỷ niệm ngày sinh thứ 90 của ông Hồ Diệu Bang hôm thứ Sáu ở Bắc Kinh, ông Lý Thụy, cựu thư ký của cố chủ tịch Mao Trạch Đông và cũng là bạn thiết của ông Hồ Diệu Bang, đã chua chát nhận xét rằng ông Hồ Diệu Bang đã làm hết sức để xét lại các trường hợp oan sai, để rồi chính ông lại rơi vào một trường hợp đó.

Ông Hồ Diệu Bang đã trở thành một biểu tượng cho những người Trung Quốc ủng hộ dân chủ và cải tổ. Sau khi ông mất hôm 15 tháng Tư năm 1989, hàng trăm, rồi hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã tề tựu về quảng trường Thiên An Môn để bày tỏ lòng thương tiếc và thảo luận về các chủ trương mà ông Hồ Diệu Bang ấp ủ.

Cuộc tụ tập mỗi lúc càng đông và phấn khích, đã khiến Trung Nam Hải lo sợ và đến ngày mùng 4 tháng Sáu, do lệnh của Đặng Tiểu Bình, quân đội Nhân dân Trung Quốc dùng xe tăng và súng ống, dẹp tan cuộc biểu tình trong máu.

Cùng bị triệt hạ ở biến cố Thiên An Môn đó là nguyên tổng bí thư Triệu Tử Dương, cũng bị mất chức vì cáo buộc là mềm yếu, ông bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh cho đến khi qua đời.