Biện pháp cải thiện tình hình đào tạo con người tại Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Suốt thời gian qua, ngành giáo dục Việt Nam liên tục đưa ra những biện pháp nhằm giúp cải thiện tình hình đào tạo con người tại Việt Nam. Một trong những công tác vừa được ngành này nói đến là nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Đây là đội ngũ nghiên cứu khoa học cao nhất có khả năng hướng dẫn lại cho những người khác.

BillGateStudent200.jpg
Sinh viên trường Đại học Hà Nội chào đón tỷ phú Bill Gate trong chuyến viếng thăm Việt Nam hôm 22-4-2006. AFP PHOTO

Lâu nay tình hình đó ra sao theo nhận định của chính ngành giáo dục? Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

Tình hình đào tạo tiến sĩ

Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học miền Trung – Tây nguyên vừa diễn ra vào tuần rồi tại Đà Nẵng. Một trong những điểm chính được các nhà giáo dục hàng đầu ở khu vực này và đại diện Bộ Giáo dục- Đào tạo mổ xẻ tại hội nghị là tình hình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam lâu nay.

Ông thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, Bành Tiến Long kể cho những nguời tham dự hội nghị câu chuyện có nghiên cứu sinh của một học viện thuộc quân đội làm luận án tiến sĩ với đề tài 'Tắm giặt tập trung cho các quân đòan đóng quân ở phía Bắc'.

Dù không được chấp nhận nhưng học viện nơi có nghiên cứu sinh làm đề tài đó khăng khăng bảo vệ cho đề tài mà theo ông thứ trưởng giáo dục thì là một đề tài phản cảm.

Ông Bành Tiến Long còn chia xẻ là có nghiên cứu sinh phải viết đi viết lại nhiều lần bảng thông tin mà không nêu ra được điểm mới trong đề tài của họ.

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng sau Đại học, kể chuỵện một nghiên cứu sinh làm luận án về môn Mác- Lê Nin. Trong bảng thông tin về điểm mới của đề tài thì người này cho biết đó là 'phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng'.

Ông Lê Đàn, một người từng lên tiếng về tình trạng đào tạo ở Việt Nam phát biểu về vấn đề làm luận án của các sinh viên và thậm chí của những nghiên cứu sinh tại Việt Nam: "Chủ yếu là đi photocopy."

Lỗi ở ai?

Lỗi nhiều khi không phải ở nguời sinh viên hay nghiên cứu sinh mà trước hết những người huớng dẫn, rồi những nhóm mang tên hội đồng khoa học của trường nơi thông qua các đề tài để đưa lên cấp nhà nước.

Một chuyện đáng nói nữa là tình trạng trao đổi giữa các vị giáo sư nằm trong những hội đồng khoa học như thế. Ông Trương Sỹ Quý, hiệu trưởng truờng Đại học Dân lập Duy Tân ở thành phố Đà Nẵng cho biết là hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn tại nhiều nơi có cách làm là 'tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, để sau này anh lại du di cho nghiên cứu sinh mà tôi hướng dẫn'.

Ông này kể lại chuyện sinh viên cũ của ông than phiền về tệ trạng phải chi tiền cho các thầy thỉnh giảng đến dạy các lớp cao học, thạc sĩ.

Ông Bùi Văn Ga, hiệu trưởng trường đại học Đà Nẵng, đưa ra thực tế là qui định thu chi tài chính cho công tác đào tạo tiến sĩ ban hành từ năm 1994 đến nay vẫn chưa có thay đổi gì. Do thiếu kinh phí nên nhiều nghiên cứu sinh và người hướng dẫn không quan tâm đến giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Ông phát biểu: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tiến sĩ giấy

Dù biết có những bất cập như thế trong công tác đào tạo tiến sĩ, thế nhưng người làm quản lý như ông Bùi Văn Ga vẫn không thể thóat ra được mà phải tuân thủ những qui định đã có: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học của Bộ Giáo dục- Đào tạo, người từng từ chức vụ trưởng để phản đối việc áp dụng chương trình tiểu học mới hồi năm 2001, cũng có ý kiến về việc đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam lâu nay: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bộ Giáo dục- Đào tạo đã chọn công tác 'nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ' làm khâu đột phá giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để không có những tiến sĩ giấy xuất hiện nữa thì cần cả một cuộc cách mạng đốt sạch những tiến sĩ giấy hiện có.